Tín dụng tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2020 đến nay là cơ sở để ngành ngân hàng kỳ vọng bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2021.
Tăng trưởng vượt bậc
Năm 2020, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai bão lũ nên tăng trưởng tín dụng dự báo gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, đảm bảo hiệu quả, từ đó hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nhiều ngân hàng thương mại, trong đó có BIDV chi nhánh Quảng Nam đã liên tục đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ DN và cá nhân. Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến 31.12.2020, ngân hàng đảm bảo kế hoạch tín dụng được giao, trong đó dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 13%.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, trong năm 2020, các tổ chức tín dụng đã tích cực thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, đồng thời tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, cắt giảm lương thưởng của đội ngũ cán bộ, nhân viên để có nguồn giảm mạnh lãi suất hỗ trợ DN. Mặt bằng lãi suất thấp nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây của các ngân hàng đã tạo điều kiện cho các DN tiết giảm tối đa chi phí vốn để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Lãi suất giảm mạnh cùng với các giải pháp thúc đẩy tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã giúp tín dụng tăng nhanh trở lại trong nửa cuối năm. Cụ thể, tại Quảng Nam cuối tháng 11.2020, tín dụng chỉ tăng trưởng 1,53% thì đến cuối tháng 12.2020, đã tăng lên mức 7,66%. Kinh tế phục hồi, sản xuất, kinh doanh cuối năm tăng mạnh là động lực để DN, các tổ chức, cá nhân mạnh dạn vay vốn ngân hàng để tăng quy mô hoạt động.
“Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 là 0,86%, tăng không nhiều so với mức nợ xấu 0,58% trong năm 2019 và vẫn trong tầm kiểm soát được. Trong năm 2021, ngoài chỉ dấu kinh tế phục hồi, Covid-19 ở Việt Nam và thế giới được kiểm soát sẽ giúp nợ xấu được hạn chế tốt hơn” - ông Phạm Trọng nói.
Bà Vũ Thị Tố Nga cũng cho biết, nợ xấu của BIDV chi nhánh Quảng Nam nếu loại trừ các khoản nợ cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ thì tỷ lệ rất thấp, dưới 1%. Trong thời gian đến, BIDV chi nhánh Quảng Nam cũng tích cực xây dựng các nhóm giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát rủi ro, tích cực thu hồi nợ, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu giảm dần và chắc chắn vẫn sẽ đạt mức nợ xấu dưới 1%.
Kỳ vọng gam màu sáng
Về tăng trưởng tín dụng trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 12%. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước xác định mức tăng trưởng tín dụng nêu trên không phải là con số bất di bất dịch mà sẽ được điều hành tùy theo diễn biến thực tế. Nếu tình hình dịch bệnh ổn định và ngành sản xuất kinh doanh cần nhiều vốn thì ngành ngân hàng sẵn sàng mở rộng và ngược lại.
Ông Phạm Trọng cũng cho biết, theo chủ trương chung, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng và an toàn tín dụng để duy trì hoạt động lành mạnh của cả hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Ông Phạm Trọng cho biết, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng ý cho phép các tổ chức tín dụng giữ nguyên nhóm nợ, nhưng yêu cầu phải trích lập dự phòng đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam chờ văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp ở Quảng Nam. Trước mắt, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm mạnh chi phí để giảm lãi suất cho vay. Tín dụng sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các dự án có sức lan tỏa, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Năm 2021, BIDV chi nhánh Quảng Nam tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi như gói 50 nghìn tỷ “đồng hành vươn xa”, 40 nghìn tỷ “kết nối vươn xa” cho khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng DN và khách hàng FDI, ngân hàng cũng lần lượt triển khai các gói tín dụng ưu đãi 80 nghìn tỷ đồng ngắn hạn và 10 nghìn tỷ đồng. “Chúng tôi tích cực truyền thông mạnh mẽ đến khách hàng về các gói tín dụng ưu đãi để tín dụng đạt kế hoạch tăng trưởng 9,8% so với năm 2020” - bà Vũ Thị Tố Nga nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, kích cầu tín dụng là cần thiết, tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng không kém của các ngân hàng là kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Bởi, nếu dòng vốn ngân hàng không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ đổ vào kênh đầu tư đang tăng khá nóng là bất động sản. Nếu không may xảy ra bong bóng với thị trường này thì rủi ro không chỉ gây hậu quả lớn đối với một tổ chức tín dụng mà còn ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.