Tài chính - Thị trường

Ngành ngân hàng Quảng Nam kích cầu tín dụng, đẩy vốn vào kinh tế

VIỆT NGUYỄN 28/03/2024 08:31

Thanh khoản dồi dào, dư nợ tăng trưởng là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tín dụng ra nền kinh tế trong quý II sắp tới.

vay-von.jpg
Ngành ngân hàng đang tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Ảnh: Q.VIỆT

Giảm lãi suất, tăng tiện ích

Đến cuối quý I, tổng nguồn vốn huy động tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 88.119 tỷ đồng (tăng 3,28% so với đầu năm, tăng hơn 13% so với cùng kỳ, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm 74,52%, tiền gửi thanh toán chiếm 24,68%...).

Dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 108.073 tỷ đồng (tăng 1,15% so với đầu năm, tăng 3,11% so với cùng kỳ, tín dụng ngắn hạn tăng 1,51%, chiếm tỷ trọng 61,18%, tín dụng trung dài hạn tăng 0,59%, chiếm 38,82%).

Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, hệ thống ngân hàng trên địa bàn luôn đồng hành với các doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các tổ chức tín dụng chú trọng tăng trưởng tín dụng; đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh tế.

Theo bà Vũ Thị Tố Nga - Giám đốc BIDV Quảng Nam, toàn hệ thống BIDV dành 630.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi với lợi thế về quy mô, lãi suất đã được điều chỉnh giảm sâu xuống dưới 5%/năm (tương đương với mức huy động của một số ngân hàng).

Các ngân hàng khác kích cầu tín dụng bằng cách cùng với giảm lãi suất là tăng các tiện ích đi kèm. Vietcombank Quảng Nam giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng đang vay vốn ở một số lĩnh vực mà không cần phải đi vay khoản mới mới được hỗ trợ.

Theo ông Võ Văn Đức - Giám đốc Vietcombank Quảng Nam, ngoài việc giảm lãi suất để hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, tổ chức tín dụng còn giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ khách hàng lập hồ sơ online, dễ tiếp cận tín dụng.

Quảng Nam đang triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư...

Đến nay, theo báo cáo từ Sở Xây dựng, Quảng Nam có 3 dự án có dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện (dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty CP STO tại Điện Nam - Điện Ngọc; dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty TNHH Bất động sản châu Âu tại Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn; dự án nhà ở công nhân xã Tam Hiệp của Công ty CP Danatol).

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở để tiếp cận, thẩm định dự án, thực hiện cho vay do các chủ đầu tư của các dự án trên vẫn chưa đề xuất nhu cầu vay vốn.

Nhiều giải pháp kích cầu

Tín dụng trên địa bàn tỉnh có tăng trưởng nhưng chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Trọng phân tích, cầu và sức hấp thụ vốn của kinh tế Quảng Nam ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép chi phí đầu vào tăng, thiếu đơn hàng. Người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi.

Đối với chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc. Số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít.

Một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp. Trong khi đó, các gói cho vay tiêu dùng đạt tỷ lệ thấp do thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng.

Ông Phạm Trọng cho biết, thanh khoản dồi dào, nhiều dư địa phát triển là thuận lợi trong triển khai tín dụng Quảng Nam quý II. Để tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, nhất là hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Các ngân hàng thương mại cần chú trọng chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng. Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục mở rộng tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng, tăng cường tín dụng tiêu dùng góp phần hạn chế tín dụng đen. Đặc biệt là triển khai hiệu quả các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi.

Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư ở Quảng Nam đang bị nghẽn.

Ông Phạm Trọng cho biết, sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, các ngành liên quan để giải quyết bất cập. Sở KH-ĐT, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Quảng Nam cần đề xuất chính sách hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.

Sở NN&PTNT, các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện các chương trình phát triển nông nghiệp như chương trình 1 triệu héc ta lúa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tiếp cận vốn tạo động lực phát triển.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để đối thoại trực tiếp, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngành ngân hàng Quảng Nam kích cầu tín dụng, đẩy vốn vào kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO