Ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc đang nỗ lực khắc phục khó khăn sau ảnh hưởng của thiên tai để đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021.
Tăng trưởng giữa khó khăn
Năm 2020, ngành sản xuất nông nghiệp huyện Đại Lộc đối diện với nhiều rủi ro, bất lợi của thời tiết, bão lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống người dân, song vẫn giữ mức phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng so với năm 2019.
Ông Lê Quang Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã trong năm ước đạt 44,1 tỷ đồng, đạt 98% so với kế hoạch, trong đó trồng trọt 30,87 tỷ đồng, chiếm 70%. Tổng sản lượng lương thực ước tính toàn xã gần 4.189 tấn, bằng 113% kế hoạch. Trên cây màu, Đại Minh có 50ha trồng đậu phộng, 40ha ớt, 5ha cây thuốc lá, 5ha cây dưa hấu, 10ha diện tích rau quả cho thu nhập khá. Đại Minh còn có một số mô hình trồng rau củ quả, chuối kết hợp nuôi gà thả vườn với thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha...
Ông Ngô Văn Phi - Giám đốc Hợp tác xã Đại Minh cho biết, thời gian qua hợp tác xã tiếp tục liên kết với Công ty Giống cây trồng miền Trung - Tây Nguyên và nông dân sản xuất 153ha lúa thuần vụ đông xuân và 65ha lúa vụ hè thu, giúp làm lợi cho nông dân khoảng 1 tỷ đồng so với giá thị trường. Đồng thời liên kết sản xuất 45ha đậu xanh giống, làm lợi cho nông hộ 300 triệu đồng. Trong giai đoạn tới, hợp tác xã đã phối hợp với UBND xã xây dựng dự án liên kết sản xuất giống đậu phụng theo chuỗi giá trị.
Năm 2020, ngành sản xuất nông nghiệp xã Đại Hồng vẫn duy trì mức ổn định, đặc biệt lĩnh vực trồng trọt. Ông Từ Thanh Thẩm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết, toàn xã có 314ha cây trồng đạt doanh thu từ 100 triệu đồng/ha trở lên; trong đó có 7ha trồng ớt cho doanh thu 400 triệu đồng/ha; 40ha trồng dưa hấu đạt doanh thu 300 triệu đồng/ha.
Toàn xã có 84ha diện tích đã cải tạo từ vườn tạp trồng chuối tiêu, chuối hờn lùn, cây ăn quả, trồng cỏ nuôi bò, rau các loại... Điển hình có mô hình trồng chuối tiêu của anh Phan Tịnh (thôn Hòa Hữu Đông) với 7ha, cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm. Hay mô hình trồng cây thuốc lá cho thu 9 - 11 triệu đồng/sào/vụ của hộ ông Nguyễn Hoài Pháp (thôn Dục Tịnh).
Ngoài ra, toàn xã có 20ha trồng rừng gỗ lớn, 200ha trồng dứa kết hợp trồng keo và chăn nuôi bò, trâu, heo, gia cầm... Năm 2020, các mô hình này đã giúp người dân địa phương thu về gần 40 tỷ đồng. Nhìn chung, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của Đại Hồng năm 2020 đạt gần 80 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2019.
Vượt khó sau thiên tai
Sau những ảnh hưởng nặng nề liên tục do thiên tai, chính quyền các địa phương ở Đại Lộc đặt vấn đề ưu tiên hàng đầu cho nông nghiệp là sớm khôi phục hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cho vụ đông xuân 2020 - 2021.
Ông Lê Quang Thu cho hay, UBND xã Đại Minh đã chỉ đạo Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Minh tập trung nạo vét, vệ sinh kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất; duy tu, bảo dưỡng và khắc phục các tuyến kênh bị hư hỏng. Trên cây màu, xã tiếp tục đôn đốc Ban quản lý Dự án WB7 hoàn thiện khuôn mẫu 1ha chương trình được tài trợ. Kiểm tra lại các tuyến điện bị ngã đổ do bão lũ để phối hợp các đơn vị khắc phục, nhằm đảm bảo nguồn điện phục vụ thủy lợi hóa đất màu.
Tương tự, các địa phương khác ở Đại Lộc cũng đã nỗ lực khắc phục hậu quả sau thiên tai để ổn định tổ chức sản xuất vụ đông xuân. Do đặc thù của vùng thường xuyên xảy ra hạn hán ở cuối vụ đông xuân và vụ hè thu càng nghiêm trọng nên công tác chủ động nước tưới cho cây trồng, ứng dụng các biện pháp xen canh và thâm canh cây trồng được các địa phương chú trọng.
Ông Từ Thanh Thẩm chia sẻ, UBND xã Đại Hồng đã chỉ đạo hợp tác xã, các tổ thủy nông kiểm tra, tu sửa mương máng, trạm bơm, đổ nước phục vụ làm đất đúng lịch. UBND xã còn giao cho ban dân chính các thôn hợp đồng khâu làm đất, bố trí khoanh vùng xuống giống phù hợp với thực tế từng thôn và lịch thời vụ chung. Xã chỉ đạo nhân dân phát huy hệ thống thủy lợi hóa đất màu, đầu tư đóng, tu sửa giếng tưới đảm bảo chống hạn cho cây trồng.
“UBND xã đã chỉ đạo hợp tác xã tiếp tục quản lý 2 hồ đập, các trạm bơm phục vụ nước tưới, ổn định nguồn điện phục vụ thủy lợi hóa đất màu; tu sửa trạm bơm, kiểm tra kênh mương, củng cố các tổ thủy lợi. UBND xã cũng đã kiến nghị huyện hỗ trợ nạo vét 2 lòng hồ Khe Bò và Cây Xoay để đảm bảo nước tưới” - ông Thẩm nói.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, năm 2020, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản toàn huyện ước đạt hơn 1.430 tỷ đồng, tăng 4,03% so với năm 2019, đạt 99,55% kế hoạch. Ngành nông nghiệp ước đạt gần 1.254 tỷ đồng (trồng trọt: 745,4 tỷ đồng; chăn nuôi: 457 tỷ đồng, dịch vụ nông nghiệp: 51,1 tỷ đồng), lâm nghiệp đạt 135,9 tỷ đồng.
Để đảm bảo vụ đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi, huyện đã chỉ đạo, đôn đốc ngành nông nghiệp và các địa phương sớm chủ động phương án, xây dựng giải pháp đồng bộ, cơ cấu hợp lý giống trung - ngắn ngày cho từng cánh đồng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các cây trồng cạn đối với các diện tích nguy cơ thiếu nước cao ở cuối vụ đông xuân. Huyện tiếp tục khuyến khích các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
“Năm 2021, mục tiêu của huyện là đảm bảo giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng 4% trở lên, tổng sản lượng lương thực có hạt đảm bảo ổn định hơn 63.500 tấn. Huyện tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết để hạn chế tác động và ảnh hưởng của thời tiết lên năng suất, sản lượng cây trồng. Vận động nhân dân triển khai sản xuất theo quy hoạch được duyệt và chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân theo cơ cấu lịch thời vụ chung của tỉnh. Chỉ đạo lên phương án chống hạn, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất cuối vụ” - ông Mẫn cho hay.