Nông nghiệp

Ngành nông nghiệp Quảng Nam triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng nông sản

NGUYỄN QUANG 12/12/2024 09:30

Ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản (gọi chung là nông sản) trên địa bàn tỉnh.

rau2.jpg
Nông dân Quảng Nam canh tác rau theo phương pháp VietGAP. Ảnh: Q.VIỆT

Nhiều hạn chế

Ngành nông nghiệp Quảng Nam đang từng bước vận động phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, đông trùng hạ thảo, các loại dược liệu khác đã chinh phục người tiêu dùng nước ngoài.

Tuy vậy, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán. Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, liên thông. Chính sách tích tụ tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa lớn là hướng đi tất yếu nhưng triển khai trên địa bàn tỉnh còn vướng về cơ chế chính sách, cách làm, nhất là nông dân chưa mặn mà. Các doanh nghiệp lớn không mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Rất đáng mừng là đến thời điểm này, Quảng Nam có 5ha diện tích sản xuất nông nghiệp được chứng nhận hữu cơ. Vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) có quy mô 1ha với 10 hộ gia đình sản xuất theo 2 phương pháp đặc trưng là luân canh và xen canh để đa dạng hệ sinh thái cây trồng với hơn 30 loại cây trồng đã được cấp chứng nhận PGS (hữu cơ).

Ở thôn 1 (xã Tiên Lãnh, Tiên Phước), các hộ dân đã canh tác lòn bon trên diện tích 2ha được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Tuy vậy, sản xuất theo các tiêu chuẩn ATTP (GAP, hữu cơ…) và truy xuất nguồn gốc nông - lâm - thủy sản chưa rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Xu thế hiện nay là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp chưa thành hình rõ ràng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản (Sở NN&PTNT) cho biết, trăn trở trong công tác quản lý là người sản xuất chưa thấy được hết quyền và lợi ích khi được cấp mã số vùng trồng. Từ đó rất khó để thay đổi nhận thức và thực hiện các quy định về mã số vùng trồng, nhất là ghi chép hồ sơ nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Vùng trồng được cấp mã số sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (VietGAP, hữu cơ, HACCP…) nhưng sản phẩm lưu thông trên thị trường chưa được dán tem truy xuất nguồn gốc nên rất khó khăn cho người tiêu dùng trong việc nhận diện chất lượng sản phẩm.

Những giải pháp

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, các giải pháp tuyên truyền vận động, kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản là hết sức cấp bách. Ngành chức năng sẽ đẩy nhanh giám sát các chỉ tiêu ATTP trên lĩnh vực sản xuất này.

rau.jpg
Giải pháp tuyên truyền vận động nông dân nâng cao chất lượng nông sản là hết sức cấp bách trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT

Quảng Nam sẽ triển khai hiệu quả hơn các chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn. Công tác thanh tra liên ngành, chuyên ngành, kiểm tra hậu kiểm về chất lượng sẽ được triển khai đồng bộ hơn. Ngành sẽ thường xuyên tiếp nhận, kiểm tra, hướng dẫn, tổng hợp, đăng tải các bản tự công bố phù hợp về ATTP trên lĩnh vực nông sản cho tổ chức, cá nhân.

Thời điểm cuối năm, các mặt hàng nông sản sẽ được đẩy nhanh ra thị trường phục vụ dịp lễ, tết vốn sôi động hơn ngày thường. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các đơn vị của sở sẽ tập trung vào công tác thẩm định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh; thường xuyên lấy mẫu giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Cùng với khẩn trương lấy mẫu hậu kiểm, phân tích các chỉ tiêu ATTP, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các hàng hóa nông sản an toàn.

Hiện nay, ngành quản lý chất lượng cấp huyện chưa có thẩm quyền lấy mẫu giám sát ATTP nông sản. Để khắc phục điều này, ông Nguyễn Xuân Vũ kiến nghị Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường tham mưu Bộ NN&PTNT sửa đổi Thông tư số 08, ngày 1/6/2016 của Bộ NN&PTNT quy định giám sát ATTP nông sản. Qua đó đảm bảo cấp huyện có thẩm quyền lấy mẫu giám sát ATTP nông sản.

Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường cần tham mưu Bộ NN&PTNT nghiên cứu rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn, hữu cơ giúp địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.

Bộ NN&PTNT cần kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, ATTP nông sản thống nhất từ trung ương đến địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng, gia tăng chế biến, phát triển mạnh thị trường.

Hiện nay quản lý ATTP nói chung trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ. Cán bộ thực thi nhiệm vụ còn kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác. Từ cấp huyện đến cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý ATTP nông sản; cán bộ kiêm nhiệm chưa qua đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ không chuyên sâu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngành nông nghiệp Quảng Nam triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO