(QNO) - Việc ứng dụng các công nghệ mới giúp Indonesia đạt nhiều thành quả trong nuôi trồng thủy sản, củng cố vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này.
Sản lượng gia tăng
Ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua, riêng năm 2017 đạt 6,2 triệu tấn và chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ về sản lượng.
Trong khi sản lượng khai thác thủy sản biển tăng khoảng 34% từ năm 2008 đến 2017, thì ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia đã bùng nổ 264% trong giai đoạn đó - theo dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO).
Ngành nuôi trồng thủy sản tuyển dụng khoảng 3,3 triệu người lao động trực tiếp, dự kiến sẽ cung cấp gần 2/3 lượng tiêu thụ cá toàn cầu vào năm 2030. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ hiệu quả như phân tích dữ liệu và hệ thống kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT) giúp ngành này tiếp tục tăng trưởng, bền vững.
Indonesia có 26 triệu héc ta ven biển, ngoài giá trị đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ sinh thái là nền tảng của các ngành kinh tế như thủy sản và du lịch.
Ứng dụng công nghệ
Những năm gần đây, các công ty khởi nghiệp tại Indonesia trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nuôi trông thủy sản phát triển mạnh. Như eFishery ra đời vào năm 2013 giúp nông dân tiết kiệm chi phí, sức lao động nhưng tăng cả về sản lượng và chất lượng của giống vật nuôi.
eFishery cung cấp một hệ thống cho ăn tự động, cùng mạng lưới IoT. Qua đó, một hệ thống cho ăn cảm biến dựa trên sự rung động trong nước, kết hợp với công nghệ học máy (machine learning), người chăn nuôi có thể xác định được khi nào là thời gian thích hợp để cung cấp thức ăn cho giống vật nuôi.
Ví như, thức ăn cho tôm, cá thường chiếm 60 đến 90% tổng chi phí sản xuất trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, công nghệ mới như của eFishery giúp vật nuôi tiêu thụ thức ăn đúng mức, không lãng phí thức ăn và không tác động xấu đến môi trường. Máng ăn thông minh của eFishery rút ngắn chu kỳ thu hoạch, tăng sản lượng và cải thiện chất lượng nguồn nước.
Rio Albab - chủ trại nuôi tôm ở Karawang, tỉnh Tây Java cho biết, hiện có 3.000 ao nuôi tôm tại Indonesia sử dụng công nghệ của eFishery, với sản lượng gia tăng hằng năm là 20%.
Một công ty khởi nghiệp khác là Jala - chuyên cung cấp các thiết bị IoT theo dõi trực tiếp chất lượng nước trong các ao nuôi, giúp chủ trại quản lý, xử lý để giảm thiểu rủi ro trong nuôi giống và thu hoạch.
Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp như Aruna đóng vai trò là nền tảng thương mại điện tử giúp nông dân nắm rõ hơn về thị trường, bán sản phẩm của họ trực tiếp cho cơ sở thu mua mà không qua thương lái. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản giúp các nhà đầu tư đánh giá được quy trình sản xuất để mạnh dạn hơn trong đầu tư.