(QNO) - Sản xuất ô tô của Mỹ đã giảm 19% và sản lượng ô tô của châu Âu giảm trung bình 21% trong năm 2020.
Theo số liệu Tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế (OICA) công bố ngày 25.3, sản lượng ô tô toàn cầu đã giảm 16% trong năm ngoái do tác động của đại dịch Covid-19 bất chấp những nỗ lực ngăn chặn dịch. Chủ tịch OICA - Fu Bingfeng gọi năm 2020 là “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô”.
Do ảnh hưởng bởi đại dịch, hàng loạt nhà máy phải tạm ngừng hoạt động để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các triển lãm ô tô trên khắp thế giới lần lượt hủy bỏ… khiến nhiều mẫu mã mới không thể ra mắt, từ đó khiến doanh số bán ô tô tại nhiều quốc gia liên tục sụt giảm theo.
Mỹ chứng kiến sản lượng ô tô giảm 19%, cao hơn một chút so với mức trung bình trên toàn thế giới với tổng cộng 8.822.399 ô tô và xe thương mại được sản xuất. Tại châu Âu, phần lớn các nước sản xuất chính báo cáo giảm từ 11% đến gần 40%, sản lượng giảm trung bình 21%. Nam Mỹ chứng kiến sản lượng giảm hơn 30% do Brazil chịu tác động mạnh của dịch bệnh. Trong khi đó, sản lượng xe ở châu Phi giảm hơn 35%.
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô (SMMT), sản lượng ô tô của Anh đã giảm tháng thứ 18 liên tiếp trong tháng 2.2021. Các nhà sản xuất của Anh sản xuất ít hơn 14% số xe so với cùng kỳ năm 2020.
Các nhà sản xuất châu Á - nơi chiếm đến 57% thị phần sản xuất xe toàn cầu, có kết quả tốt hơn các nhà sản xuất xe ở những nơi khác. Sản lượng ô tô ở châu Á chỉ giảm khoảng 10%. OICA cũng báo cáo rằng sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc đã giúp sản lượng xe nước này chỉ giảm 2% trong suốt cả năm.
Bên cạnh hệ quả từ đại dịch, kết quả năm 2020 là sự cộng hưởng kết quả tiêu cực từ những năm trước. Năm 2019, sản lượng ô tô thế giới giảm 5%, kết thúc chuỗi 10 năm tăng trưởng. Năm 2020 đã xóa sạch tất cả sự tăng trưởng trong 10 năm qua. Tổng cộng 78 triệu xe đã được sản xuất vào năm ngoái, tương đương với lượng xe bán ra trong năm 2010.
OICA cho biết những tháng cuối năm 2020 đã chứng kiến sự phục hồi dần dần của nhu cầu tiêu dùng đối với xe tải và ô tô con. “Nhu cầu di chuyển đối với người và hàng hóa dự kiến sẽ vẫn ở mức cao, nhưng sẽ không giống như trước đây” - ông Bingfeng lạc quan.