(QNO) - Chiều 21.6, tại TP.Đà Nẵng diễn ra hội nghị "Khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ", do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Y tế và UBND TP.Đà Nẵng tổ chức.
Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), nhu cầu sử dụng dược liệu ở Việt Nam vào khoảng 60 đến 80 nghìn tấn/năm. Dù có nguồn dược liệu phong phú nhưng hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước do chưa khai thác hết tiềm năng.
Theo số liệu thống kê, vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có một kho tàng động thực vật phong phú với nhiều loại cây thuốc có giá trị y tế và kinh tế cao. Cụ thể, ở Tây Nguyên có 1.657 loài cây thuốc trong khi vùng Nam Trung Bộ cũng có hơn 1.000 loài. Tuy nhiên, việc ứng dụng KH&CN vẫn còn hạn chế dẫn đến công tác phát triển ngành sản xuất dược liệu của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ vẫn chưa tạo được sự đột phá.
Đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, nhiều năm qua việc khai thác dược liệu tự nhiên nhưng không chú trọng đến bảo vệ tái sinh nên nhiều loại cây thuốc đã bị cạn kiệt và đưa vào danh mục cần bảo tồn. Việc ứng dụng KH&CN để triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm để bảo vệ đa dạng sinh học là rất cần thiết.
Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển vùng dược liệu ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cũng được chỉ ra tại hội nghị như: phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống; có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác và phát triển dược liệu; xây dựng cơ chế đặc thù với công tác phát triển dược liệu ở địa phương để phục hồi...