Ngành thông tin - truyền thông: Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

HOÀNG LIÊN 30/01/2019 07:31

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; khắc phục tồn tại về tần số vô tuyến điện... là những “đầu việc” quan trọng của ngành thông tin - truyền thông (TT-TT) trong năm 2019.

Khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực thông tin - truyền thông. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực thông tin - truyền thông. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Chấn chỉnh vi phạm tần số

Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III đã phối hợp với Sở TT-TT xử lý hàng trăm vụ can nhiễu vô tuyến điện cho các mạng thông tin vô tuyến đang khai thác hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Trương Công Hạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực III, hiện vẫn còn nhiều tồn tại trên lĩnh vực này. Cụ thể là vẫn còn 10 vi phạm trên lĩnh vực tần số ở địa bàn Hội An; 11 đài truyền thanh không dây chưa đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật. “Trước đó, trung tâm đã đề nghị những cơ sở, đơn vị không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tần số vô tuyến điện khắc phục trước 31.12.2018 nhưng nhiều đơn vị xin gia hạn vì không có kinh phí thực hiện. Quy định thời hạn cuối cùng là 31.3.2019, nếu các đơn vị này không khắc phục phải đình chỉ hoạt động, tránh tình trạng ảnh hưởng, gây can nhiễu sóng các đài khác” - ông Hạnh nói.

Ghi nhận nỗ lực của toàn ngành TT-TT với những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cũng đã chỉ ra những tồn tại cần khắc phục kịp thời. Thời gian tới ngành TT-TT cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phát triển du lịch, xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử… “Đến tháng 6.2019 phải triển khai kết nối, liên thông toàn tỉnh; triển khai phần mềm hành chính công cấp huyện nghiêm túc, tiếp tới triển khai đến cấp xã. Hạn cuối cùng là 30.6.2019, các địa phương phải liên thông được. Mặt khác, muốn có chính quyền điện tử thì phải có công dân điện tử, phải đồng bộ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III, việc khai thác sử dụng thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện cần phải tuân thủ các quy định: không mua và sử dụng các loại điện thoại không dây chuẩn DECT hoạt động trong dải băng tần 1920MHz đến 1930MHz; chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động (Viettel, MobiFone, Vinaphone) có giấy phép sử dụng băng tần, được lắp đặt sử dụng thiết bị phát lặp trong hệ thống thông tin di động; việc sử dụng thiết bị bộ đàm phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và cài đặt các thông số đúng giấy phép; thiết bị bộ đàm phải hợp pháp, hợp quy, gắn tem hợp quy.

Hoàn thiện kết nối, liên thông

Theo ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT, đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử đã đạt được kết quả tích cực. Năm 2018, Sở TT-TT đã ban hành 12 văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh về ứng dụng CNTT, quản lý nhà nước trên lĩnh vực CNTT, đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Hoàn thành việc kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản Q-Office đến 100% các đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với Văn phòng Chính phủ qua trục liên thông quốc gia. Hầu hết đơn vị, cơ quan trên địa bàn tỉnh triển khai gửi nhận văn bản thư điện tử, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị sử dụng còn hạn chế (Phước Sơn, Bắc Trà My). Một số đơn vị triển khai tốt hệ thống thư công vụ của tỉnh như Thăng Bình, Tiên Phước. Sở TT-TT đã cấp chứng thư số chuyên dùng cho 285 tổ chức, 399 cá nhân.

Hiện vẫn chưa liên thông dữ liệu và các hệ thống phần mềm dùng chung cũng như phần mềm dùng chung với phần mềm chuyên ngành. Công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiệu quả chưa cao, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến còn thấp. Trung tâm CNTT-TT của tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành hạ tầng CNTT của tỉnh (data center, hệ thống WAN, LAN, hội nghị truyền hình trực tuyến), quản lý vận hành tốt các phần mềm dùng chung của tỉnh. Bước đầu triển khai liên thông 3 cấp phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp (Q-Office) từ tỉnh xuống huyện tới xã, các đơn vị phục vụ trao đổi nhận hồ sơ, kết nối với Chính phủ.

Bên cạnh đó, Sở TT-TT cung cấp 526 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và 69 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Cổng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời phối hợp với Viện CNTT-TT CDIT (Bộ TT-TT) triển khai thử nghiệm phần mềm SmartCity ezLife, cho phép ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép trao đổi thông tin, tương tác giữa chính quyền - người dân - du khách. Sở cũng hoàn thành thủ tục triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu và hệ thống bảo mật thuộc dự án Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh. Đã thành lập tổ ứng cứu sự cố máy tính trên địa bàn tỉnh; tổ chức diễn tập an ninh mạng; hợp tác với Bộ Tư lệnh 86 và Trung tâm CNTT - Giám sát ATTT - Ban Cơ yếu Chính phủ trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, tổ chức kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngành thông tin - truyền thông: Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO