Ngành thuế chống gian lận hóa đơn điện tử

TRỊNH DŨNG 26/05/2023 08:12

Ngành thuế đã mở “cuộc chiến” chống gian lận hóa đơn. Những vi phạm sẽ bị chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự.

Cơ quan thuế từng thanh tra, kiểm tra và lên danh sách các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn. Ảnh: T.D
Cơ quan thuế từng thanh tra, kiểm tra và lên danh sách các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn. Ảnh: T.D

Độ điện tử hóa cao

Cây xăng Bình An ven quốc lộ 1 qua thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) không khi nào vắng người vào đổ xăng. Khách hàng lần lượt trả tiền, rời trạm. Nhân viên cây xăng nói chỉ cần cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin định danh (mã số thuế/CCCD/CMND/hộ chiếu), trạm xăng sẵn sàng xuất hóa đơn cho khách hàng. Nhưng không mấy người yêu cầu việc lấy hóa đơn.

Hình ảnh này dễ dàng nhìn thấy ở bất cứ trạm xăng hay cửa hàng bán lẻ nào trên khắp Quảng Nam (kể cả các depot vật liệu xây dựng). Trên thực tế, trừ những giao dịch với số tiền lớn, còn mua hàng với số tiền nhỏ, không mấy người lấy hóa đơn.

Thống kê từ Cục Thuế, kể từ 1/7/2022 áp dụng sử dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ người nộp thuế, Quảng Nam có 9.303 doanh nghiệp đang hoạt động (8.303 doanh nghiệp có mã số thuế 10 số và 995 chi nhánh doanh nghiệp).

Từ đăng ký, khai, nộp, hoàn thuế của các doanh nghiệp đều bằng phương thức điện tử, và đã có 100% doanh nghiệp giao dịch điện tử nộp thuế (không còn dùng tiền mặt). Thông qua chương trình “Hóa đơn may mắn” (3 kỳ), cơ sở dữ liệu thuế đã ghi nhận có hơn 1,5 triệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã được xác lập tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam nói, con số này cho thấy mức độ điện tử hóa rất cao trong nộp thuế. Tất cả doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Điều này hạn chế tiêu cực, tiết giảm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Tổng cục Thuế đã khen thưởng Cục Thuế Quảng Nam là một trong các cục thuế đi đầu trong thực hiện hóa đơn điện tử!

Theo Cục Thuế Quảng Nam, việc khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế chỉ mới khởi đầu với 100 đơn vị được kết nối. Cơ quan này đã tuyên truyền mở rộng. Kết quả ít ỏi này chủ yếu vận động, khuyến khích vì pháp luật chưa bắt buộc.

Ngành thuế đã từng kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp khi triển khai hóa đơn điện tử. Bởi, tất cả giao dịch đều được lưu ở cơ quan thuế. Mọi phân tích về dữ liệu hay đối soát vi phạm đều ở cơ quan thuế...

Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, việc gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử vẫn xảy ra. Cho dù, Tổng cục Thuế đã vận hành một trung tâm cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, nhằm phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành, sử dụng, giúp truy tìm, ngăn chận doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Gian nan “cuộc chiến”

Thông tin về các doanh nghiệp lập công ty “ma” mua bán hóa đơn, lập chứng từ khống, hóa đơn không phản ánh đúng thực tế phát sinh khi giao dịch hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp... với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đã bị bắt, xử lý tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đăng tải đầy trên các mặt báo.

Tổng cục Thuế quyết định triển khai “Hệ thống phân tích dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử” (ngày 24/4/2023). Công nghệ trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào hệ thống, xác định các hóa đơn, cùng các loại hàng hóa có giá trị mua, bán bất thường... phục vụ công việc quản lý rủi ro về hóa đơn của ngành thuế

Tại Quảng Nam, cơ quan thuế đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, tham mưu ban hành văn bản tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra, ngăn chặn gian lận sử dụng hóa đơn.

Yêu cầu doanh nghiệp khai thác khoáng sản lắp đặt, duy trì hoạt động của camera, trạm cân... Xây dựng công cụ nhận diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu dăm gỗ có rủi ro về thuế hoặc kết nối thiết bị điện tử và hệ thống camera quản lý thuế hoạt động casino của Công ty phát triển Nam Hội An...

Cục Thuế nhận diện việc kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên, cung cấp nhân công, mua, bán hàng hóa cho các đơn vị xuất khẩu, trực tiếp xuất khẩu, mua bán các mặt hàng không phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng vùng có dấu hiệu vi phạm, rủi ro cao về hóa đơn.

Các doanh nghiệp năng lực sản xuất, kinh doanh không có hoặc có tài sản cố định nhưng giá trị thấp, số lao động ít so với quy mô của doanh nghiệp, đăng ký vốn điều lệ thấp nhưng doanh thu phát sinh cao bất thường… đều nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan thuế.

Ngoài ra, doanh nghiệp thường xuyên thay đổi người đại diện pháp luật, mua lại doanh nghiệp (nhưng không hoạt động), bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi kế toán, thay đổi thông tin đăng ký thuế... hay làm thủ tục tạm ngừng hoạt động (khi biết cơ quan thuế đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra)... đều được rà soát, xem xét.

Không công bố, nhưng Cục Thuế cho biết đã xuất hiện vài vụ gian lận, chuyển cho cơ quan điều tra để xem xét tùy mức độ vi phạm xử lý.

Ngành thuế đã vào cuộc, tuyên chiến với nạn hóa đơn giả, gian lận. Sẽ phân tích dữ liệu trên hệ thống quản lý hóa đơn, đối chiếu hoạt động kinh doanh, thực tế quản lý thuế để xác định người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn, đưa vào danh sách phải thực hiện giám sát thường xuyên hay trọng điểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất tại trụ sở doanh nghiệp theo chuyên đề về gian lận hóa đơn...

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam nói, mọi hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp sẽ không thoát khỏi sự truy vết của cơ quan thuế vì sẽ rà soát, xử lý theo các tiêu chí rủi ro trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý hành chính; gian lận số lượng hóa đơn nhiều, giá trị lớn sẽ chuyển cơ quan điều tra, xem xét, xử lý hình sự...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngành thuế chống gian lận hóa đơn điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO