Ngày 24/4 Tổng cục Thuế công bố triển khai “Hệ thống phân tích dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử” để phục vụ cho công tác quản lý rủi ro về hóa đơn. Với hệ thống này, công nghệ trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào việc ngôn ngữ tự nhiên, xác định các hóa đơn mua bán cùng loại hàng hóa, từ đó xác định hóa đơn có giá trị mua bán bất thường...
Từ ngày 22/4 đến 20/5/2023, thực hiện Tháng cao điểm chống gian lận sử dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế Quảng Nam phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho biết, các đối tượng thành lập cùng lúc nhiều doanh nghiệp (DN) hoặc mua lại DN đã hoạt động được một thời gian, sau đó đăng ký, hoặc thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật để xuất bán hóa đơn trong một thời gian ngắn (trên dưới 1 năm) và ngừng hoạt động để tránh việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thuế. Trong quá trình hoạt động, các DN này thay đổi địa chỉ liên tục, khi biết cơ quan thuế đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì DN làm thủ tục tạm ngừng hoạt động...
Cục Thuế nhận diện một số ngành nghề kinh doanh có dấu hiệu vi phạm, rủi ro cao về hóa đơn như kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng; khai thác tài nguyên; cung cấp nhân công; bán các mặt hàng cho đơn vị khác xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu (đặc biệt là xuất khẩu qua biên giới theo đường tiểu ngạch); mua bán các mặt hàng không phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng vùng…
Về năng lực sản xuất, kinh doanh: tài sản cố định không có hoặc có nhưng giá trị thấp; số lao động ít so với quy mô của doanh nghiệp; đăng ký vốn điều lệ thấp nhưng doanh thu phát sinh cao bất thường.
Cùng với đó, người đại diện pháp luật thường xuyên thay đổi hoặc trước đó cùng là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh; kế toán doanh nghiệp thường xuyên thay đổi; các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Trụ sở doanh nghiệp thường xuyên thay đổi,…
Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, trong quá trình theo dõi công tác quản lý đăng ký doanh nghiệp (DN) và đăng ký thuế, những vụ việc do cơ quan công an, cơ quan thuế và các cơ quan khác phát hiện, xử lý thì thấy rằng, có những DN thành lập không nhằm mục đích kinh doanh, mà chỉ với mục đích bán hóa đơn nhằm trục lợi, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, không có hoạt động mua bán hàng hóa dịch vụ thật.
Các DN trên thường có những dấu hiệu như: Giả mạo hồ sơ đăng ký DN; DN không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp; thay đổi thông tin người đại diện pháp luật bằng hình thức “mua lại DN” đã thành lập, nhưng trên thực tế không hoạt động...
Cục trưởng Nguyễn Văn Tiếp đã chỉ đạo cho các phòng, chi cục thuế phải vào cuộc quyết liệt rà soát, trao đổi thông tin, phân tích dữ liệu trên hệ thống quản lý hóa đơn của ngành để xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao trong mua bán và sử dụng hóa đơn.
Đồng thời đối chiếu với tình hình hoạt động kinh doanh, thực tế quản lý thuế để xác định người nộp thuế rủi ro cao về hóa đơn đưa vào danh sách phải thực hiện giám sát trọng điểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất tại trụ sử người nộp thuế theo chuyên đề chống gian lận hóa đơn. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn kịp thời xử lý, nếu vi phạm mức độ nặng chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo Bộ luật Hình sự.