(QNO) - Theo dữ liệu quản lý của ngành thuế Quảng Nam, đến cuối năm 2023, có 66 doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản đang hoạt động kê khai thuế.
Ngày 12/9, ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Quảng Nam chủ trì phiên giám sát Cục Thuế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, giai đoạn 2017 - 2023.
Theo dữ liệu quản lý thuế, đến cuối năm 2023, có 66 doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản đang hoạt động kê khai thuế, với khoảng 80 mỏ khai thác.
Giai đoạn 2017 - 2023, số thu ngân sách đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản có sự dao động. Số thu thấp nhất vào năm 2017 (182,5 tỷ đồng) và đạt cao nhất năm 2021 (274,7 tỷ đồng). Số thu này chiếm khoảng 1%/tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm của Quảng Nam.
Cục Thuế cho hay, thời gian qua đã tăng cường công tác quản lý thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về kê khai nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản.
Ngành thực hiện đầy đủ nội dung liên quan đến thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, sổ sách, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc mua, bán khoáng sản của các doanh nghiệp.
Cục Thuế thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn chính sách thuế tài nguyên; chỉ đạo tăng cường trách nhiệm quản lý thuế, rà soát biến động thuế tài nguyên, kê khai sản lượng khai thác, giá tính thuế tài nguyên ngay tại các địa phương cấp xã nơi có mỏ khai thác.
Thực hiện các giải pháp chống thất thu đối với lĩnh vực khoáng sản, Cụ Thuế báo cáo, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các biện pháp quản lý thuế tài nguyên; tham gia góp ý các dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến quản lý khai thác khoáng sản; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra trạm cân, camera của doanh nghiệp hoạt động khai thác trên địa bàn...
Cục Thuế quản lý đối tượng và theo dõi nghĩa vụ kê khai của các doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản qua việc thường xuyên rà soát, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp.
Tăng cường các biện pháp phân tích rủi ro hồ sơ khai thuế nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu kê khai sai, gian lận về thuế… phục vụ công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế và thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế...
Ông Nguyễn Việt Xuân - Phó Cục trưởng Cục Thuế nói, cơ quan thuế đề xuất UBND tỉnh tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính hướng dẫn xác định chi phí được trừ phát sinh của công đoạn chế biến từ sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp đối với sản phẩm vàng công nghiệp của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn.
UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời điều chỉnh, bổ sung giá tính thuế đối với tài nguyên cát làm vật liệu xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Xây dựng bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng tại địa phương hằng năm.
Chỉ đạo giám sát việc lắp đặt, vận hành camera, trạm cân tại nơi khai thác khoáng sản. Kiểm tra, rà soát xác định sản lượng tài nguyên thực tế doanh nghiệp khai thác, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế làm cơ sở đối chiếu với sản lượng tài nguyên tính thuế mà doanh nghiệp đã kê khai thuế và sản lượng tài nguyên được cấp phép khai thác để xử lý theo quy định.
Ngoài ra, Cục Thuế kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định giá tính thuế tài nguyên theo hướng: thống nhất một mức giá tính thuế tài nguyên theo giá đơn vị sản phẩm tài nguyên nguyên khai thác, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Theo đó, quy định cho từng loại tài nguyên, quy định theo vùng, không theo giá thị trường, không quy định theo Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh ban hành.
Bộ Tài chính nên có quy chế phối hợp với Bộ TN-MT trong việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động khai thác tài nguyên, sản lượng tài nguyên thực tế khai thác.
Cục Thuế cũng kiến nghị Sở Tài chính tiếp tục rà soát, xác định lại mức giá tính thuế tài nguyên của nhóm tài nguyên khoáng sản cát xây dựng trên địa bàn tỉnh và tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên...
Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Dương Văn Phước, ngành thuế cần tăng cường hơn nữa trong việc thực thi chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản.
Kiểm soát chặt các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, đốc thu vào ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa việc thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách...