Ngành tiểu thủ công nghiệp tại Hội An: Cần cải tiến sản phẩm

LÊ HIỀN 03/11/2014 08:56

Tuy không có lợi thế phát triển công nghiệp như nhiều thành phố khác, song đô thị cổ Hội An lại có cơ hội để phát triển ngành hàng tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm vẫn còn hạn chế, chưa theo kịp đòi hỏi của thị trường.

Cần đa dạng mẫu mã sản phẩm

Làng gốm Thanh Hà được hình thành từ thế kỷ 15, phát triển mạnh cùng với cảng thị Hội An. Các nghệ nhân làm sản phẩm gốm từ đất sét, tạo ra các đồ dùng quen thuộc như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, con thổi... Nhiều năm qua, làng gốm Thanh Hà trở thành bảo tàng sống, nguồn tư liệu quý về lịch sử nghề gốm cổ truyền của Việt Nam, thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thị trường, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch, hiện nay các sản phẩm của làng nghề cũng cần được cách tân, sáng tạo theo hướng trau chuốt, tinh xảo hơn. Vì vậy, bản thân những nghệ nhân làm nghề tại đây đang mong muốn vừa mở rộng quy mô sản xuất, vừa học hỏi kỹ thuật phối màu, thiết kế mẫu mã mới. Có như vậy mới tránh sự đơn điệu khi chỉ sản xuất được các mặt hàng lưu niệm như bấy lâu nay. Bà Lê Thị Một (người làm gốm ở làng Thanh Hà) nói: “Học cái nghề pha chế màu sắc làm răng để vật liệu của mình cho sản phẩm nổi bật, thu hút du khách. Gốm bây chừ còn quá mộc mạc, chỉ làm ra sản phẩm như hồi nào đến giờ chứ chưa học hỏi được nhiều”.

Sản xuất gốm ở làng  Thanh Hà.Ảnh: L.HIỀN
Sản xuất gốm ở làng Thanh Hà.Ảnh: L.HIỀN

Khác với làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng của Hội An đang rất cần sự liên kết của các cơ sở sản xuất. Cùng với nguyên nhân khách quan kinh tế suy thoái, sức mua giảm sút thì việc các gian hàng tại trung tâm làng nghề sản xuất và kinh doanh theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa chú trọng đến chất lượng, uy tín sản phẩm… đã vô tình gây nguy cơ mai một làng nghề. Thực tế, số cơ sở duy trì tốt hoạt động sản xuất và tiêu thụ tại làng Kim Bồng hiện nay tương đối ít. Nhiều ki ốt ở trung tâm làng mộc thường xuyên đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là sức hút của sản phẩm đối với du khách giảm sút. Vấn đề chất lượng, giá thành, xuất xứ của các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp hiện vẫn còn nhiều bất cập. Ông Huỳnh Sướng (nghệ nhân làng mộc Kim Bồng) chia sẻ: “Đầu tiên mình phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, thứ hai là uy tín thị trường. Giá thành sản phẩm không phải là quan trọng. Quan trọng nhất là chúng ta có thể hiện thương hiệu, giá trị, chất lượng của sản phẩm hay không. Chúng ta phải đào tạo lại đội thợ. Bởi vì làm mỹ nghệ khác với đồ dân dụng, đồ mỹ nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, tinh xảo hơn”.

Nâng chất lượng, tìm kiếm đầu ra

Thời gian qua, Hội An đã thực hiện chương trình khuyến công, mở hàng chục lớp tập huấn, đào tạo nghề cho người lao động. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các trung tâm thông tin du khách, hội chợ triển lãm cũng đã được quan tâm. Mỗi năm, thành phố còn mở hội thi sáng tác hàng lưu niệm, giới thiệu sản phẩm thẩm mỹ cao tới du khách, mở rộng thị trường... Mới đây, dự án “Phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn di sản Quảng Nam” do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội thực hiện ở 7 cơ sở tại Hội An đã tạo ra những sản phẩm mới. Nhiều sản phẩm đã được định danh, tạo thương hiệu riêng cho phố Hội như đèn lồng, đồ gốm, gỗ mỹ nghệ, hàng may mặc… Song, để nâng cao sức tiêu thụ sản phẩm, cùng với sự liên kết, xâu chuỗi chặt chẽ với nhau, bản thân các cơ sở sản xuất cần phải đảm bảo chất lượng, giữ vững uy tín thị trường. Ông Đỗ Đình Phô - Phó phòng Kinh tế TP.Hội An nhìn nhận: “Đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mà không có chiến lược quảng cáo, tiếp thị tốt thì nó cũng chỉ dừng lại là sản phẩm làm mẫu thôi. Ngoài ra đòi hỏi các cơ sở trong việc trau chuốt sản phẩm của mình, cần cải biến thêm những mẫu mã mới hơn, phù hợp với thị trường”.

Theo thống kê, đến nay Hội An có 43 doanh nghiệp tư nhân và 1.466 hộ kinh doanh cá thể ngành hàng tiểu thủ công nghiệp. Mỗi năm, lĩnh vực này đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lượt lao động, chủ yếu ở các nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, điêu khắc chạm trổ, mộc dân dụng, may mặc, gia công giày dép, túi xách, mây tre, thực phẩm, bánh, nước uống tinh khiết...  Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của toàn thành phố ước đạt gần 477 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Kinh tế thành phố, ngành tiểu thủ công nghiệp hiện tại vẫn chưa thực sự phục hồi như trước, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, sức mua yếu, đơn đặt hàng chưa nhiều. Đa số doanh nghiệp có quy mô tương đối đều hoạt động cầm chừng để duy trì sản xuất, khả năng đầu tư mới hoặc mở rộng còn hạn chế. Việc nâng cao chất lượng, đảm bảo uy tín, tạo mối liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề đặt ra với ngành hàng tiểu thủ công nghiệp tại Hội An hiện nay.

LÊ HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngành tiểu thủ công nghiệp tại Hội An: Cần cải tiến sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO