“Ngạo cốt không nên thiếu, mà ngạo tâm thì không nên có; không có ngạo cốt thì gần với hạng người thô lậu, mang ngạo tâm thì không thể làm bậc quân tử” (Ngạo cốt bất khả vô, ngạo tâm bất khả hữu. Vô ngạo cốt tắc cận ư bỉ phu, hữu ngạo tâm bất đắc vi quân tử). Đây là câu nói rất hay của Trương Trào mà tôi đọc được trong tác phẩm U Mộng Ảnh. Đều là ngạo cả mà một cái thì nên có, một cái lại nên không. Cũng là chuyện thú vị.
1. Thông thường, trong giao tế xã hội, hễ ai dính dáng đến chữ ngạo đều khó gây được thiện cảm. Những người có thực tài mà ngạo đã khiến ta khó chịu rồi, nhưng dù sao cũng còn tạm chấp nhận, cũng như một cô gái đẹp thì ưa “chảnh”. Đến như những kẻ chỉ có tài mọn mà cũng học đòi ngạo thì quả là khôi hài, không sao chịu nổi. Ấy vậy mà những kẻ kém tài nhưng kiêu ngạo đó thường lại nhan nhản trong thiên hạ. Cho nên nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan mới có câu thơ dí dỏm nhưng sâu sắc, mà thuở sinh tiền anh vẫn thường đọc mỗi khi ngồi nhậu: “Ra đường gặp chín thiên tài. Lâu lâu mới có được vài thằng ngu”. Mà quả đúng là thế thật!
Cũng đều là ngạo cả, nhưng sự khác biệt lại nằm ở hai chữ cốt và tâm. “Ngạo cốt không nên thiếu, mà ngạo tâm thì không nên có”. Ngạo cốt là muốn nói đến cốt cách bất khuất, còn ngạo tâm là muốn nói đến thói kiêu ngạo, lòng kiêu ngạo. Ngạo cốt thuộc khí chất, ngạo tâm thuộc tâm tính.
Khi đánh giá phần quan trọng của một vấn đề, ta thường gọi đó là phần “cốt lõi”. Khi nhận định phong cách của một người nào, ta thường nói đến cái “cốt cách”. Phần tinh túy của một nền triết học hay khoa học nào đó cũng gọi là “cốt tủy”. Cốt - nghĩa đen là xương, giống như bộ khung chống đỡ. Con người không có khung xương thì không đứng được. Không có ngạo cốt thì phong cách trở nên xoàng xĩnh, dễ biến thành tầm thường. Nhưng ngạo cốt của những kẻ có chân tài thực học là phong cách biểu hiện tự nhiên của tài hoa tiềm ẩn, như con hạc nổi bật một cách tự nhiên giữa đàn gà. Nó hoàn toàn khác với cái gọi là “ngạo cốt” của những người có đôi chút tài mọn, nhưng lại thích làm ra vẻ khác người của những “vĩ nhân tỉnh lẻ”, mà ta thấy nhan nhản trong giao tế hàng ngày. Kẻ mang ngạo tâm thì luôn nghĩ mình cao hơn thiên hạ, dù đôi khi họ không biểu hiện cái ý tưởng đó ra bên ngoài. Ngẫm cho cùng, ngạo tâm cũng chỉ là một dạng selfie tinh thần đáng thương kiểu A.Q của hai hạng người. Hạng thứ nhất, là những người có học và hiểu biết, nhưng chưa được đến nơi đến chốn, luôn quanh quẩn trong cái ao làng theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, không biết đến biển rộng sông dài. Hạng thứ hai, là những người mang tâm lý tự ti mặc cảm vì sợ người khác xem thường mình.
Chỉ những người có cơ duyên đến được cửa biển mới hiểu được sự nhỏ bé của ao hồ. Nhưng dẫu là kẻ có tài năng lỗi lạc mà mang ngạo tâm cũng là đã đánh mất đi đức tính khiêm tốn của “người quân tử”, vì “người quân tử” là biểu tượng mẫu mực về con người có tài và đức trong Nho giáo. Bình rỗng mới chứa được nhiều nước, tâm khiêm tốn mới tiếp thu được lẽ phải điều hay.
2. Có giai thoại lý thú về chuyện cụ Bùi Hữu Nghĩa “sửa lưng” một “thiên tài tỉnh lẻ”. Cụ Bùi Hữu Nghĩa, tức Thủ khoa Nghĩa, lúc về già cáo quan, sống ẩn dật tại Bình Thủy (Cần Thơ) nhưng vẫn nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ về tài thơ phú. Lúc bấy giờ ở đất Gia Định có tú tài Văn Bình luôn kiêu ngạo cho rằng mình tài cao học rộng, chẳng qua là do học tài thi phận nên khoa bảng lận đận. Nghe thiên hạ ca ngợi cụ Thủ khoa Nghĩa, anh ta không phục nên tìm đến tận Cần Thơ để thử tài. Văn Bình qua cầu Bình Thủy, trên đường đi tìm nhà cụ Bùi, anh ta thấy một ông già nhà quê đang ngồi đan sọt tre trước nhà, nên ghé lại hỏi đường.
Ông già ngước lên, hỏi:
- Cậu là ai, kiếm ông thủ khoa mần chi?
Văn Bình hãnh diện đáp:
- Tôi là tú tài Văn Bình nổi tiếng ở Gia Định. Nghe đồn ông thủ khoa là người giỏi thi phú nên đến tìm gặp, coi thử thực hư thế nào.
Ông già cười xòa:
- Mời cậu vô ngồi chơi uống nước đã, rồi tôi biểu thằng cháu nó dắt đường cho. Nhà ông thủ khoa còn xa lắm!
Văn Bình vô nhà ngồi uống trà, thấy trên vách có dán mấy câu đối. Ông già giải thích:
- Đó là mấy câu đối của ông Thủ khoa đó. Tôi thích nên treo chơi. Tôi cũng thích đối, nhưng già mà ít học, nên không đối được câu dài, mà chỉ biết đối từng chữ một thôi. Cậu thử đối với tôi từng chữ một cho vui nghe.
Văn Bình tủm tỉm cười, chấp nhận, trong khi chờ thằng cháu ông già dẫn đường.
Ông già chậm rãi hớp trà, rồi mở đầu:
- Võ
Văn Bình đối ngay:
- Văn
Ông già lại ra tiếp:
- Trắc
Văn Bình đối:
- Bình
Ông già ra tiếp:
- Vãng
Văn Bình đối:
- Lai
Ông già lại ra tiếp:
- Nam
Văn Bình đối:
- Bắc
Ông già ra tiếp:
- Cô
Văn Bình đối:
- Cụ
Tới đây, ông già ngừng lại, rồi khề khà nói:
- Vậy đủ rồi, tui thiệt phục cậu quá xá. Đúng là tú tài! Đối chữ nào nghe cũng chuẩn. Bây giờ mỗi người đọc lại hết các chữ trong câu đối nghe. Câu của tui là “Võ Trắc Vãng Nam Cô”, nghe thì được nhưng lại chẳng có nghĩa chi hết. Còn cậu, thử đọc lại câu của cậu coi sao.
Văn Bình lớn giọng đọc:
- Văn Bình lai bắc cụ.
Vừa đọc xong, Văn Bình đỏ mặt, vì câu của mình có nghĩa là: “Văn Bình tới đây để bắc cụ”! (dân Quảng Nam mà đọc là hiểu liền!).
Văn Bình giật mình, chắp tay xá ông già và nói:
- Con xin lỗi bác! Bác chính thiệt là Thủ khoa Nghĩa rồi!
Không biết qua giai thoại văn chương này, giữa cụ Thủ khoa Nghĩa với tú tài Văn Bình, ai là người mang ngạo cốt, ai là kẻ có ngạo tâm?