Ngạt ngào hương lá

CHÂU NỮ 11/06/2016 08:26

Công việc tất bật trong khi ngày tháng cứ mải miết trôi. Bất chợt nhận ra Tết Đoan Ngọ về khi vừa đến đầu chợ đã nghe hương lá mùng Năm thoang thoảng...

Một góc chợ bán lá mùng 5. Ảnh: CHÂU NỮ
Một góc chợ bán lá mùng 5. Ảnh: CHÂU NỮ

Đoan Ngọ năm nay dường như đến sớm hơn, từ cuối tháng tư âm lịch, khi hương thơm ngào ngạt của hàng chục loại thảo dược lan tỏa từ một góc chợ. Được mời chào mua lá, tôi chợt nghĩ bán lá mùng Năm nào có cần đon đả, vì tự mùi thơm  và dược tính của lá đã đủ sức gọi mời, níu chân các bà đi chợ rồi. Vừa uống nước, vừa chữa bệnh, tiện cả đôi đường. Người mua vài ba bó cho thêm hương vị mùng Năm, cũng có người khệ nệ cả bao. Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân ở xã Tam Đàn, Phú Ninh cho biết năm nào chị cũng dành tiền mua mấy bao lá mùng Năm về chặt, rửa, phơi khô, để dành dùng dần và gửi cho 2 đứa con ở TP.Hồ Chí Minh. “Ở trong đó tưởng như đủ đầy vậy chứ lá uống làm thuốc như ở quê mình đâu có dễ kiếm” - chị phân trần.

Ở Quảng Nam bây giờ, uống nước lá mùng Năm dường như đã và đang trở thành “phong trào”; người Quảng dùng nước lá mùng Năm quanh năm nên người bán cũng có thêm mối. Ôm mớ lá khoảng trên dưới chục loại gồm: rẽ quạt, chó đẻ, bầu đường, hương nhu, vối... bày bán ở chợ Hòa Hương (Tam Kỳ), bà Nguyễn Thị Thu ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành cho biết, hầu hết lá này bà hái trong vườn, chỉ mua thêm ít lá chổi, hoa thám để có nhiều loại cho người mua chọn lựa. Cũng vậy, trong vườn nhà trồng sẵn một số loại như ổi, rau mơ, tía tô, sả, chanh..., chị Phan Thị Năm ở xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn) còn lên cánh rừng gần nhà đào bới rễ dủ dẻ và hái nhánh huỳnh đàn, bổ sung cho gánh hàng lá của mình ở chợ Bà Rén, vì đa số người thích chọn mỗi loại một ít. Mỗi bó lá đủ loại chỉ vài chục ngàn đồng, lặn lội đào, hái, mỗi ngày chị Năm thu nhập chừng 100 nghìn đồng. Với chị, việc hái lá mùng Năm không chỉ để mưu sinh mà là niềm đam mê từ hơn chục năm qua. Chị kể, hồi nhỏ chị thường theo mẹ vào rừng hái lá mùng Năm, riết rồi đâm “nghiện” lúc nào không hay. Cứ đến giữa tháng 4 âm lịch, chị lại dành năm bảy ngày vào rừng hái lá, phần để dùng, phần chuẩn bị cho chợ mùng Năm. Mỗi bó lá giá từ 2 đến 10 nghìn đồng, đắt giá nhất là hoa thám, dùng để trị ho, giải cảm, 15 nghìn đồng/bó. Bán lá mùng Năm nhỏ lẻ ở chợ như bà Thu kiếm vài chục ngàn đồng mỗi ngày. “Nghề này không bỏ vốn, chỉ tốn công. Ai hái được thứ gì, bán thứ ấy, nhưng cũng phải có kinh nghiệm mới tìm được các loại có vị thuốc” - bà Thu nói. Trong khi đó, những người buôn bán quy mô lớn ở chợ Tam Kỳ thường lấy lá mùng Năm của bạn hàng ở Tiên Phước, mỗi ngày lãi trên dưới trăm nghìn đồng.

Có thể nói, đa số các loại cây lá vườn nhà đều có vị thuốc, từ giải cảm, lợi tiểu đến kích thích tiêu hóa, tan mỡ máu, nấu nước tắm trị rôm sảy cho trẻ em... Lá mùng Năm bày bán ở chợ thường là những thứ lá quen thuộc với người dân xứ Quảng: lá ổi, bồ xít, sả, bạc hà, tía tô, mã đề, ngải cứu, vối, râu bắp, mơ lông, dủ dẻ, lá vông, lá lao, bầu đường, măng sậy, đinh lăng... Gần gũi là vậy, nhưng để có nhiều loại lá bày bán trong phiên chợ Đoan Ngọ, người ta phải lặn lội đi hái từng thứ một trong cái nắng gay gắt mùa hè.

Có quá nhiều thứ để gợi nhớ về Đoan Ngọ. Nhưng hương thơm của lá, vị đắng, hậu ngọt của nước lá mùng Năm mới là thứ vấn vương dai dẳng. Lá mùng Năm dường như thơm hơn, có lẽ nhờ được hái bởi đôi tay tảo tần, bởi đôi chân băng  băng mặc nắng gắt buổi trưa hay dông gió trời chiều để cho phiên chợ lá Đoan Ngọ đến hẹn lại... thơm.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngạt ngào hương lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO