Bảo An là một ngôi làng cổ có tuổi hơn 400 năm, tọa lạc trên vùng Gò Nổi - Điện Bàn. Nơi đây ghi dấu bao sự kiện lịch sử cùng những bậc tài danh nổi tiếng, vang bóng một thời...
Nhắc đến Bảo An, không thể nào quên truyền thống các tộc họ đã có nhiều người con tuấn kiệt giúp ích cho đời. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn các nhà yêu nước Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Bôi, học giả Phan Khôi...; là nguyên quán cố xứ của các nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, Ngô Điền; các nhà giáo dục và làm khoa học như Phan Bá Lân, TS. Nguyễn Tùng, TS. Nguyễn Minh Thọ... Chỉ nhắc sơ bộ vậy đã thấy bề dày truyền thống của Bảo An, và cả sự lạ lùng của một ngôi làng mang cả trong mình niềm tự hào là cội nguồn quê hương của những nhà chính trị nổi tiếng, nhà yêu nước và cách mạng, học giả, nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ...
cử tri tham gia bầu cử Quốc hội khóa 1 và 2. (ảnh: TTXVN) |
Trong mấy trăm năm thăng trầm cùng lịch sử, bao sự kiện của làng Bảo An làm sao kể hết. Chỉ biết rằng cách đây 70 năm, tại làng Bảo An đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên và Hội đồng nhân dân các cấp với nhiều ấn tượng khó phai mờ về các vị đại biểu của dân.
Bài ca và ngôi đình
Trong những ngày cuối năm 1945, đầu năm 1946, ở Bảo An, không khí chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khá rộn ràng và khí thế. Nhiều cuộc mít tinh đã được tổ chức để cổ động, vận động bầu cử. Theo tư liệu của ông Phan Nam, quê làng Bảo An, bài ca vận động bầu cử đã được lan truyền khắp nơi, rằng: “Tổng tuyển cử đã đến rồi/Vì quyền, vì lợi, mấy lời nên ghi/Trung Bộ có Trần Ðình Tri/Anh Lê Văn Hiến vậy thì đồng song/Phan Bôi một dạ một lòng/Anh Huỳnh Ngọc Huệ vốn dòng đấu tranh/Cứu tế có chị Phan Thanh/Ðến Lâm Quang Thự cùng anh Phạm Bằng/Trần Tống tuổi trẻ sức hăng/Phan Thao, Võ Sạ từng quen ta nhiều/Quế Sơn đồng chí Phan Diêu/Anh Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân/Trần Viện nhiều nỗi gian truân/Với Nguyễn Thế Kỷ mười phần quyết tâm/Ðồng bào thận trọng lá thăm/Nhớ cho định rõ mà chăm bỏ vào/Ðể giành quyền lợi tối cao/Mới yên số phận đồng bào Việt Nam”. Lối kể vần vè như thế rất dễ nhớ, dễ thuộc và lan đi rất nhanh trong các giới đồng bào. Thêm nữa, ai đó đã ghép tên các vị ứng cử viên thành hai vế như câu đối là: “Xuyến Hiến Viện Diêu Bôi Kỹ Sạ/ Huệ Thao Tống Thự Nhĩ Bằng Tri”. Vì thế ai cũng rõ đây là danh sách 14 ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu ra tranh cử. Có lẽ lịch sử vận động tranh cử sẽ phải ghi điều này như một điểm son về sự độc đáo và hiệu quả.
Ngoài chuyện sử dụng bài vè thì việc vận động tranh cử còn khéo léo khi chọn ngôi đình - một thiết chế văn hóa tiêu biểu của làng quê, để làm nơi diễn thuyết những nội dung mà ngày nay ta gọi là “trình bày chương trình hành động”. Ngôi đình Bảo An, trước ngày bầu cử đã được chọn làm nơi để giới thiệu ứng cử viên Trần Tống, đại diện cho 14 ứng cử viên Mặt trận Việt Minh về diễn thuyết, hứa với đông đảo cử tri sẽ làm tròn trách nhiệm để phục vụ nhân dân, kêu gọi đồng bào ủng hộ tích cực cho các ứng cử viên vì nước, vì dân và hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội khóa I.
Một làng, ba đại biểu
Tư liệu của các vị lão thành cách mạng và nhiều người làng Bảo An còn lưu lại về sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên. Trong đó, mô tả về “ngày hội non sông” ở Bảo An thật ấn tượng. Đó là ngày 6.1.1946, từ sáng sớm đã có từng đoàn người náo nức tiến về điểm bầu cử. Tại điểm Bảo An bấy giờ có hơn 3 nghìn cử tri. Đình làng Bảo An lại được chọn làm nơi đặt thùng phiếu, có bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm, nổi bật lá cờ đỏ sao vàng và chân dung Hồ Chủ tịch. Anh chị em tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ giữ hàng ngũ chỉnh tề, nghiêm trang.
Đứng trước đồng bào đến bầu cử, vị chủ tịch xã khai mạc mấy lời ngắn gọn rồi đại diện Việt Minh kêu gọi và nói rõ thêm thể lệ bầu cử. Sau đó, các cụ phụ lão tiến vào bỏ những lá phiếu đầu tiên, tiếp đến các cử tri lần lượt bỏ phiếu trong trật tự. Sau khi bỏ phiếu xong, bà con chưa về nhà ngay mà nán lại bên ngoài để chuyện trò, trao đổi vui vẻ, ai ai cũng biểu lộ niềm hân hoan, phấn khởi vì mình được thực hiện quyền công dân, lựa chọn đại biểu xứng đáng để xây dựng chính quyền của dân, vì dân.
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I thắng lợi, 14 ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu và một ứng cử viên tự do, đều đạt số phiếu cao (lúc này toàn tỉnh Quảng Nam có 25 ứng cử viên). Đáng nói là, với kết quả này, làng Bảo An có đến ba người trúng cử đại biểu Quốc hội là bà Lê Thị Xuyến (con dâu của làng, vợ ông Phan Thanh), ông Phan Bôi và ông Phan Thao.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, làng Bảo An cùng các thôn Xuân Đài, Phi Phú, Điện Phú được nhập vào xã mới là Hoàng Diệu và tổ chức bầu Hội đồng nhân dân xã, Hội đồng nhân dân tỉnh vào ngày 27.2.1946. Hội đồng nhân dân xã Hoàng Diệu sau bầu cử đã nhóm họp vào ngày 1.5.1946 để bầu Ủy ban dân chính xã, ông Phan Bá Lân (người làng Bảo An) làm chủ tịch và Trần Ngạc (người làng Phi Phú) làm phó chủ tịch.
Đã 70 năm trôi qua, sự kiện “ngày hội non sông” ở làng Bảo An vẫn còn để lại giá trị lịch sử về bài học trong phương cách vận động bầu cử, xây dựng chính quyền thực sự dân chủ, do dân và vì dân. Một ngôi làng ở rất xa Hà Nội như Bảo An mà cử tri vẫn có thông tin đầy đủ, công khai minh bạch và ủng hộ tích cực cho những người theo cụ Hồ, bầu ra Quốc hội lập quốc, khai sinh nền cộng hòa dân chủ nhân dân.
NGUYỄN ĐIỆN NAM