Vừa tròn 40 năm giải phóng Tam Kỳ. Với những người trong cuộc góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang đó, ký ức chiến tranh như mới ngày nào. Xúc động, nghẹn ngào nhớ lại đồng đội cũ đã ngã xuống nhưng cũng đầy hào sảng khi nói về những chiến công, đặc biệt là ngày chiến thắng 24.3.1975.
Chứng nhân lịch sử
Trong ký ức của ông Trần Phú Ninh (SN 1946, hiện ở tại phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ), những ngày tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là ngày giải phóng thị xã Tam Kỳ 24.3.1075, vẫn còn nguyên vẹn. Cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày 5.2.1964, người thanh niên Trần Phú Ninh được ông Nguyễn Bá Tuân - Chủ tịch xã Kỳ Hương (cũ) nhưng là cơ sở của cách mạng, làm giấy cho đi học ở Nha Trang, tuy nhiên thực tế là “nhảy núi” theo cách mạng. Ông cùng các đồng đội Cao Đa, Nguyễn Tuận (còn gọi là Liêm) được điều về đơn vị đặc công 75A. Với chàng trai mới 18 tuổi, được theo các chú, các anh tham gia hoạt động cách mạng, đánh địch là niềm vui và tự hào. Nhiều trận đánh tại nội ô Tam Kỳ do đơn vị ông thực hiện bao phen làm địch vía khiếp hồn kinh, tiêu biểu như trận đánh Sư bộ Sư đoàn 2 của địch (đóng tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung hiện nay) vào đêm 28.5.1965. Ông Ninh nhớ lại: “Đêm đó, 16 chiến sĩ đặc công chia làm 4 mũi đánh cảm tử và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi rút quân, vì trời quá tối nên tôi không may bị rớt xuống giếng và bị địch bắt”. Lần lượt qua hết nhà lao Con Gà (Đà Nẵng), trở về Quảng Tín rồi ra Non Nước, đến năm 1968, ông Ninh bị đưa ra nhà lao Phú Quốc. Kéo dài đằng đẵng 8 năm trong các ngục tù, đến năm 1973 khi Hiệp định Paris ký kết ông Ninh mới được trao trả và Quân khu 5 đón về.
Ông Trần Phú Ninh - người cắm cờ chiến thắng lên nóc tỉnh đường Quảng Tín. |
Nguyện vọng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cũ, ông Ninh được chuyển về đơn vị cũ, lúc này đổi tên thành V18. Sau đó, do yêu cầu công tác, ông được điều chuyển qua Đội công tác phường 4 khu I do ông Phan Bá Cung làm đội trưởng với nhiệm vụ hoạt động cơ sở, xây dựng lực lượng ngay trong lòng địch.
Ông Nguyễn Văn Phương say sưa kể về không khí ngày 24.3.1975. |
Trong sự kiện giải phóng Tam Kỳ diễn ra vào ngày 24.3.1975, ông Trần Phú Ninh trở thành một trong những chứng nhân của thời khắc lịch sử. Đêm ngày 23.3, ông bất ngờ được Đội trưởng Phan Bá Cung gọi lên giao lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và giao nhiệm vụ dẫn một đơn vị tiến về tỉnh đường Quảng Tín. Đúng 5 giờ sáng 24.3, đội quân do ông Ninh dẫn đường vượt sông Trường Cửu và đến 10 giờ 30 phút, ông Ninh đã có gặp tại Tỉnh đường Quảng Tín rồi thực hiện nhiệm vụ lịch sử: cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc tỉnh đường, báo hiệu quân giải phóng đã làm chủ Tam Kỳ. “Ngày giải phóng, trời Tam Kỳ nắng đẹp, cánh đồng lúa chung quanh đã nhuộm vàng. Người dân ùa ra đường, khi đó lòng ai cũng phấn chấn, vui mừng. Ngày hôm sau, đường phố đông vui khi rất nhiều người chạy trốn đạn bom đã trở về nhà trong niềm hân hoan” - ông Ninh nhớ lại.
Ông Phan Thê xem lại hình ảnh những đồng đội cũ trong cuốn tài liệu viết về Hội Thanh niên học sinh - sinh viên giải phóng Trung Trung Bộ.Ảnh: XUÂN PHÚ |
Âm vang Ngày chiến thắng
Đã 76 tuổi, tự nhận trí nhớ đã giảm sút nhiều sau lần bị tai biến cách đây vài năm, nhưng khi kể lại những ngày tháng hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Văn Phương (hiện ở tại phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) nhớ khá kỹ từng chi tiết. “Hồi đó ai làm nấy biết, không tiết lộ với ai. Tham gia cách mạng không biết ngày trở về. Riêng với những người xung phong đánh cảm tử thì xác định đi là không về nên mới có chuyện làm lễ truy điệu sống và đóng sẵn hòm để chờ đón thi thể” - ông Phương mở đầu câu chuyện. Trong trận đánh Sư bộ Sư đoàn 2 của địch ngày 28.5.1965, ban kinh tế ông Phương có chuẩn bị sẵn 16 cái hòm cho 16 chiến sĩ chuẩn bị ra trận đánh cảm tử. Trước trận đánh, Thị ủy làm lễ truy điệu sống cho các cảm tử quân. Trận đó quân ta giành chiến thắng vẻ vang và không có thiệt hại về người, chỉ có ông Trần Phú Ninh bị bắt. Kể về sự kiện giải phóng Tam Kỳ, ông Phương cho biết, khi đó ông là Thị ủy viên, Đội trưởng Đội công tác phường 2, làm nhiệm vụ phân công người dẫn đường cho quân chủ lực và xe tăng tiến vào Tam Kỳ qua 2 ngả là phường Trường Xuân và cầu Tam Kỳ. Ngày 24.3.1975, quân ta tiến vào nội ô Tam Kỳ và tỉnh đường Quảng Tín với khí thế bừng bừng, gần như không gặp sức kháng cự nào. Ngay sau đó, các cơ quan trực thuộc Thị ủy Tam Kỳ vào tiếp quản. Các đội công tác được phân công bám địa bàn chiếm lĩnh mục tiêu, tiếp quản từng khu vực phụ trách, hướng dẫn cho du kích B truy bắt tù binh, thu vũ khí. “Trước đó nhiều người nằm mơ được một ngày mang ba lô đi trên quốc lộ 1; thấy người ta nằm ngủ trên phản mà thèm. Mình lên núi làm cách mạng khổ một, người thân của mình ở dưới này khổ đến mười. Mẹ, vợ tôi nhiều lần bị địch bắt, đánh bầm dập cả thân mình. Người dân chịu cảnh chiến tranh cũng khổ lắm và họ rất thương mình, coi như con em trong nhà, che chở, cho ăn uống. Vì vậy, ngày quê hương được giải phóng ai mà không sướng” - ông Phương chia sẻ.
Tiếng nổ giữa lòng thị xã
Năm nay đã 76 tuổi, bà Thạnh (hiện ở phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ). Theo bà, mục tiêu chủ yếu của việc đặt thuốc nổ là gây tiếng vang, làm hoang mang quân địch. Có 2 vụ đáng nhớ và tạo được tiếng vang nhất là vụ đặt thuốc làm nổ tung hiệu vải Lan Bình Định và hiệu buôn Song Mai vào năm 1967. Thời gian đó, bà Thạnh là Tổ trưởng du kích B gồm có ông Đỗ Xuân Lập và ông Phan Văn Trị. Năm 1968, bà bị địch bắt giam và đến năm 1972 mới được thả. Sau ngày giải phóng, bà được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. |
Với ông Phan Thê (SN 1941, hiện ở phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ), một trong những người từng hoạt động sôi nổi trong phong trào Hội Thanh niên học sinh - sinh viên giải phóng Trung Trung Bộ (với bí danh Phi Sơn) và đội du kích B nội thành Tam Kỳ, những ngày tháng trước năm 1975 đầy gian khổ nhưng lại vô cùng tự hào. Bị địch bắt giam 2 năm vì “tội” hoạt động trong phong trào Hội Thanh niên học sinh - sinh viên giải phóng Trung Trung Bộ, tuy nhiên chàng thanh niên 26 tuổi Phan Thê không những không nhụt chí mà trái lại càng thêm yêu nước. Ngay sau khi được ra khỏi nhà tù năm 1967, ông lại đứng vào một tổ chức mới là đội du kích B. “Với nhiệm vụ xây dựng phong trào, nắm tình hình của địch rồi báo về cho cơ sở, du kích B chúng tôi được ví là những người ban ngày quốc gia nhưng ban đêm là cộng sản, góp phần giúp cho quân ta có được nhiều lợi thế trên chiến trường và giành chiến thắng lịch sử trong ngày 24.3.1975” - ông Thê kể. Nhớ lại cảnh tượng quân địch hỗn loạn bỏ chạy trên đường phố trong buổi sáng ngày quân ta tiến vào giải phóng Tam Kỳ, ông Thê nói: “Bao nhiêu năm đấu tranh gian khổ, vì vậy ngày chiến thắng thật xúc động. Người dân đổ ra đường ăn mừng, còn du kích B chúng tôi sau giây phút sung sướng lại tiếp tục lao vào làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường và tham gia tiếp quản”.
XUÂN PHÚ