(QNO) - Trước khi đưa các con đi xem bộ phim “Tấm Cám – chuyện chưa kể”, tôi nhắc nhở “xem như hôm nay là bữa chia tay mấy tháng hè, chuẩn bị khởi động năm học mới vui tươi, phấn khởi nhé các con”. Các con đồng ý bằng cách giơ cả hai tay, và tỏ ra háo hức vì đấy không chỉ là câu chuyện cổ tích mà các con đã đọc, nay được xây dựng thành một kịch bản phim hoành tráng, với dàn diễn viên “sao” con rất ngưỡng mộ, mà còn muốn khám phá “chuyện chưa kể” là chuyện gì. Kết thúc phim, các con bảo “chuyện chưa kể” đó là những chi tiết trong phim có mà trong cổ tích không có, cũng như những chi tiết trong cổ tích có mà trong phim không có”. Rồi hai đứa thi nhau đưa ví dụ về những chi tiết có – không ấy. Cảm nhận của trẻ con thế cũng ổn, tôi vui vì các con đã rất chú ý xem phim, còn biết nhận xét những tình tiết râu ria khác.
Những ngày đầu tháng chín, gió heo mây và nắng vàng rất dịu. Trời thu đẹp tựa hồ cô gái trang điểm nhẹ nhàng, vẫn toát lên vẻ thanh thoát, yêu kiều. Từng là ngày tựu trường của bao thế hệ học sinh, buổi khai giảng đã cho tôi thật nhiều xúc cảm, để mỗi khi nhớ về, lòng lại trào dâng bao kỷ niệm hoa bướm, trong vắt màu học trò, ngây thơ như cỏ dại. Các con tôi có lẽ cũng thế, suốt đêm con trằn trọc, khó ngủ, cứ thao thức chờ trời sáng. Đồng cảm cùng con, tôi không rầy la mà còn tự nhủ “mất ngủ một đêm vì một lý do chính đáng, cũng chẳng hề hấn gì”. Hai con gái tôi có lẽ cũng mơ màng ngày gặp lại thầy cô, bạn bè sau ba tháng hè xa cách. Hết đứa này tới đứa kia thay nhau mở cửa phòng, tiếng công tắc đèn, tiếp dép lê dù đã nhẹ nhàng hết mức có thể, vẫn vang lên rõ ràng trong đêm thanh vắng. Ngày khai giảng quả là vi diệu. Ngay cả những đứa bạn tôi vốn quậy phá, ngày ấy bỗng hiền ra, dễ thương như thể “chỉ trừ ngày hôm nay thôi nhé”.
Tôi không phải bà mẹ cầu toàn. Đối với việc học hành của con, tôi cũng không gây áp lực, đơn giản là vì tôi có một tuổi thơ đẹp, có thời gian vừa học vừa chơi. Tuổi thơ của tôi nơi bãi mía, ruộng lúa, nơi những dòng mương nho nhỏ mát xanh. Tuổi thơ của tôi là ở triền đồi, chiều chiều theo bạn đi hái sim, hái hoa dủ dẻ. Tuổi thơ của tôi là những bữa cơm ấm áp tình thâm. Tuổi thơ của tôi là con đường đến trường ngập hoa ngũ sắc thêu dệt ước mơ. Tuổi thơ của tôi không hề bị áp lực chuyện học hành. Tôi vẫn còn nhớ lời ba tôi tôi nói với mẹ “đôi khi một lời nhắc nhở, có giá trị hơn ngàn lần đe dọa”. Có lẽ nhờ thế mà tuổi thơ của tôi đẹp tựa cổ tích. Vậy hà cớ gì tôi lại tước đoạt tuổi thơ các con?
Hai con gái song sinh của tôi bước vào năm cuối của bậc trung học cơ sở. Con đã tự đi học bằng xe đạp. Nhưng cứ vào ngày khai giảng, tôi luôn dành thời gian đưa con tới trường. Vui với niềm vui của con, cũng để tìm lại ký ức học trò. Chừng như tôi thấy bóng dáng tôi dưới hàng phượng vĩ vừa tàn, thấy tôi trong đám trẻ con xếp hàng dài dự lễ. Nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm rong rêu… Tôi cũng tin rằng, đời học sinh của mỗi người dài ngắn khác nhau, nhưng cảm xúc ngày tựu trường hẳn rất dạt dào, giống nhau đến từng chi tiết. Tôi có cảm giác, ngay cả tiếng trống trường mấy tháng hè nghỉ ngơi, hôm ấy cũng được dịp thổn thức, vang lên những nỗi niềm nhớ nhung, mừng rỡ.
Sau khi xem bộ phim “Tấm Cám – chuyện chưa kể” kéo dài hai giờ đồng hồ, từ rạp phim về nhà, sợ con quên, tôi hỏi ngay: các con có nhớ lúc ông Bụt trang bị đầy đủ ngựa, hài, quần áo, trang sức cho cô Tấm, rồi bảo cô Tấm hãy đi tìm hạnh phúc cho mình. Sau đó thì ông Bụt đã nói gì với cô Tấm?”. Hai con không nói nguyên văn lời ông Bụt, mà chỉ nói đại ý. Điều đó cũng khiến tôi rất hài lòng. Tôi nhắc lại lời ông Bụt “hạnh phúc càng lớn thì thử thách càng nhiều”. Rồi tôi hỏi “các con có hiểu câu nói ấy không?”. Hai đứa lại tranh nhau trả lời. Tôi tự nhủ “trẻ con hiểu thế là tốt rồi!”. Con đã học được một bài học cụ thể, rất nhân văn và gần gũi, từ một bộ phim cổ tích chứ không phải từ sách vở!
Trẻ em hay bị ám ảnh những chuyện không hay, nhưng luôn ấn tượng với những điều tốt đẹp. Mụ dì ghẻ và Cám là hai nhân vật đáng ghét. Cô Tấm hiền lành và Thái tử của muôn dân sẽ là mãi hình ảnh đẹp trong ký ức trẻ thơ. Cũng giống như ngày khai giảng mãi là ngày đẹp nhất, ấn tượng nhất trong cuộc đời cắp sách đến trường của mỗi người.
Tôi gọi ngày ấy là ngày cổ tích.
SONG NGUYÊN