Ngày của riêng mình

VU GIA 17/09/2016 13:05

Hồi còn trẻ thì “ngày chủ nhật là ngày của riêng mình” như lời một bài hát. Cái “riêng mình” ngày ấy là ngày chỉ riêng hai chúng mình. Bây giờ khác lắm rồi. Thời gian bào mòn tuổi xuân, nhìn lại chưa thấy mình làm được gì nhiều cho cuộc đời này, tôi có chút áy náy. Song nói phách một chút như người dân quê tôi: “Nhìn lên thì chẳng bằng ai/ Nhưng khi nhìn xuống mấy ai bằng mình”. Nghĩ rứa là vui và… cười một mình.

Ngày của riêng mình làm chi cho hết thời gian? Đọc sách! Ngày còn trẻ, đọc sách do nhu cầu công việc. Bây chừ, đọc sách để phòng bệnh mất trí nhớ. Vài năm trước, tôi bị “tắc nghẽn mạch máu não thoáng qua” và đi mần hơn chục cái xét nghiệm. Bác sĩ nói tôi có hiện tượng Alzheimer, khuyên tôi nên đọc mỗi ngày ít nhất vài chục trang sách, nếu không chịu đọc thì lâu ngày chầy tháng, tôi quên sạch sành sanh. Rứa là thêm động cơ để đọc sách. Và mong đừng có ai tới quấy rầy ngày của riêng mình. Tôi tin như rứa, vì một khi đã bỏ phố về quê thì chắc là được yên. Nhưng yên chi được. Đọc chưa xong trang sách thì tiếng ồn ào vang lên từ cổng ngõ, hối tôi nấu nước sôi pha cà phê. Cà phê hòa tan được anh em mang tới. Chủ nhật mà nằm nhà đọc sách thì đúng là… nhà quê! Thời thực dân, nói tới “nhà quê!” đồng nghĩa với tiếng chửi bọn ngu muội, song bây giờ nhà quê cũng có đèn xanh đèn mờ, cũng có khoe đùi, khoe ngực; phố có gì thì nhà quê có nấy, nên cụm từ “nhà quê” mà anh em dành cho tôi là lời trách thân thương.

Ngụm cà phê chưa nuốt qua khỏi cổ họng, anh bạn lắm chuyện hỏi tôi chữ “đạo” là gì, vì có người khuyên thầy cô giáo giữ vững chữ “đạo”. Thấy cuộc trò chuyện không phải vô bổ, nên tôi nói theo hiểu biết của mình là mở đầu Đạo đức kinh, Lão Tử có viết: “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Với Lão Tử, đạo là một cái gì rất huyền vi, chính ông không hiểu rõ được và loài người không có ngôn ngữ gì diễn tả được, cho nên ông không thể giảng cho ta được, chỉ gợi ý để ta tự tìm hiểu lấy. Do đó, chữ “đạo” mà mấy anh vừa hỏi chắc là đạo đức của người thầy.

- Nhưng đạo đức của người thầy là theo đạo đức Khổng giáo hay đạo đức Xã hội chủ nghĩa? Chú đừng nói không biết nghe.

Đúng là “Quảng Nam hay cãi”, chuyện tưởng không có gì nhưng khi rấn ráo lên thì thành chuyện to như chơi, không khéo vì ly cà phê mà mình bị ép tới chân tường cũng chừng. Tôi nói Bác Hồ từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, nên đạo đức này phải là đạo đức Xã hội chủ nghĩa. Ai nấy đều nhìn tôi cười hì hì và thống nhất kiểu “Đạo khả đạo phi thường đạo”, nghĩa là chỉ tự tìm hiểu lấy.

Tới đây, tôi tưởng rằng được yên, nhưng nào có yên. Một người lại hỏi tiếp là một lần đọc trên mạng thấy ai cũng chữ nghĩa thấm ra da. Một người viết từ điển từ Hán - Việt dành cho học sinh phổ thông; một người dùng từ điển Hán - Việt của các cụ thâm nho, bắt bẻ lại. Đại thể như chữ “biệt” là riêng, ly biệt; người thì nói từ điển Hán - Việt không chỉ có nghĩa như thế mà còn nhiều nghĩa khác. Anh em tôi thấy người bắt bẻ đọc nhiều hơn và… không thể cãi!

Tôi cười, cho rằng rất nhiều người lầm tưởng từ Hán Việt là những từ trong từ điển Hán - Việt. Từ Hán - Việt là những từ đã đi vào đời sống, vào tâm thức của người dân Việt, nói ra ai cũng hiểu dù người không biết chữ nhất là một, như: Ngân hàng, độc lập, âm mưu…, còn những từ trong từ điển Hán - Việt cũng giống như những từ trong từ điển Anh - Việt, Pháp - Việt… Những từ điển này là “đối dịch” hai ngôn ngữ của hai dân tộc, chứ không phải những từ đã đi vào đời sống, vào tâm thức của người dân. Nghe vậy, ai cũng gật gù; có người rít hơi thuốc, từ từ nhả khói ra với cặp mắt mơ màng ra chiều… thú vị lắm. Thấy rứa, lòng tôi cũng vui vui. Đây cũng là cách luyện trí chẳng khác chi đọc sách.

- Tôi hỏi thêm chú chuyện ni nữa, rồi về nhà tranh thủ cuốc cỏ vạt bắp trước sân để được cái nắng trưa. Chuyện là có người viết chữ “việt” trong tên gọi nước mình (Việt Nam) là “cái búa” với ý nghĩa dân tộc mình luôn phải chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lấn. Theo chú có đúng không?

Tôi hỏi ý chung của các anh, thì có người mần thinh ra chiều suy nghĩ, nhưng đa số đều nói là đúng. Lịch sử dân tộc mình là như thế. Năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hiện nay, dân tộc ta đã chiến đấu và chiến thắng những ba nước. Nếu không là “cái búa’ thì chịu chi thấu.

Tôi cũng lấy làm vui với suy nghĩ ấy và nói với các anh rằng chữ Hán có lắm chữ biết tôi mà tôi không biết hắn, còn chữ “việt” ni thì về cơ bản tôi biết hắn. Đại thể, chữ “việt” (bộ mộc) là chỗ hai tàn cây giao nhau, khách viếng cảnh chùa hoặc người làm công đức cũng dùng chữ “việt” này, gọi là “đàn việt”; chữ “việt” (bộ mễ) hay chữ “việt” (bộ tẩu) là “đất Việt”, “nước Việt”, nhưng tôi thấy người ta thường viết chữ “việt” (bộ tẩu) khi viết tên nước. Cụ thể, cụ Phan Bội Châu viết chữ “việt” (bộ tẩu) trong cụm từ “Việt Nam Quang phục hội”. Nếu viết chữ “việt” (bộ kim) là “cái búa” khi viết tên nước, tôi nghĩ người viết học không nhiều, nói như ông cha ta là lỏng chữ, như chúng ta bây giờ viết sai chính tả vậy. Trong võ nghệ cũng có đánh búa, gọi là “phủ”, nhưng những người làm nghề “phá sơn lâm” mới học, bởi cái búa vừa là phương tiện hành nghề cũng vừa là vũ khí phòng thân, chứ không mấy ai học “phủ”. Nếu chữ “việt” (bộ kim) dùng cho tên nước, thì theo tôi nên nghĩ tới nghĩa thứ hai của nó là “sao mai”. Chúng ta đặt tên con, tên làng đều muốn dùng “mỹ từ”, huống chi là tên nước.

Chia tay, có anh hát khe khẽ: “Ngày vui mừng, ôi chủ nhật tươi nắng hồng”…

VU GIA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày của riêng mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO