Ngày dân số việt nam 26.12: Nâng cao chất lượng dân số

CHIÊU THỤC ANH 26/12/2014 08:49

Dù đang trong giai đoạn “dân số vàng” nhưng chất lượng dân số của tỉnh vẫn còn khá thấp.

Mất cân bằng giới tính

 Theo kết quả thống kê dân số và nhà ở giữa kỳ vừa được Tổng cục Thống kê thông báo, nước ta tiếp tục ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi dân số dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ 23,5%, dân số hơn 65 tuổi đạt mức 7,1%, hệ số phụ thuộc chung đạt 44%. Ông Arthue Erken - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc UNFPA tại Việt Nam cho rằng, dân số vàng có nghĩa là 2/3 người dân trong độ tuổi lao động, 1/3 người phụ thuộc là trẻ em và người trên 65 tuổi. Thời kỳ dân số vàng thường kéo dài 30 năm, Việt Nam đã trải qua 5 năm thời kỳ dân số vàng và còn 25 năm để tận dụng ưu thế này nhằm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. “Sự đầu tư đúng hướng chính là việc nâng cao chất lượng dân số, thể hiện qua các chỉ số về sức khỏe, tinh thần, trí tuệ. Tuy nhiên, do trình độ dân trí vẫn chưa cao nên khá nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng dân số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi…” - ông Mai Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, chia sẻ. Việc tầm soát bệnh, sàng lọc trước sinh đã có những cải thiện đáng kể, số lượng trẻ được phát hiện bệnh và có biện pháp can thiệp kịp thời đã được mở rộng. Đến tháng 12, đã có gần 3.000 mẫu sàng lọc sơ sinh, phát hiện 60 trẻ có nguy cơ mắc bệnh, đưa đi điều trị kịp thời tại các bệnh viện đủ khả năng điều trị trong khu vực.   

Chăm sóc sức khỏe định kỳ, thường xuyên là việc cần làm của mỗi người dân.
Chăm sóc sức khỏe định kỳ, thường xuyên là việc cần làm của mỗi người dân.

Thực trạng mà ông Mười nhắc đến chính là tâm lý thích sinh con trai mà quên đi điều quan trọng hơn chính là việc chăm sóc, giáo dục con trưởng thành không phải là dễ dàng trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Chị Nguyễn Thị Lan - cộng tác viên dân số xã Cẩm Hà, TP.Hội An, cho biết, dù ở thành phố nhưng vẫn còn chị em có con lớn học đại học, cao đẳng nhưng vẫn cố sinh đứa thứ ba với tâm lý, nghỉ sinh lâu khi sinh lại nhất định ra con trai dù đã qua ngưỡng tứ tuần. “Thời buổi này, sinh một đứa trẻ phải đủ điều kiện về kinh tế để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho con như sữa để bé cao lớn, tạo cho trẻ được sinh hoạt và sống trong môi trường lạnh mạnh vui chơi giải trí… Ở góc nhìn cá nhân thì sự thua thiệt về thể chất, trí tuệ, tinh thần sẽ gây ra những hạn chế không đáng có trong tương lai của một đứa trẻ” - bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Hương Linh (thôn 1, Tiên Thọ, Tiên Phước) bộc bạch suy nghĩ về việc chăm sóc con cái. Chính tâm lý ham con trai nên tỷ số giới tính khi sinh hiện nay ở Quảng Nam là 110 bé trai/100 bé gái.

Nhiều giải pháp

Mất cân bằng giới tính trở thành vấn đề nóng, ngày càng phức tạp. Nhiều chuyên gia nhận định, dù Pháp lệnh Dân số có nội dung cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhưng thời gian qua, tỷ lệ mất cân bằng giới tính vẫn tăng cao ở nhiều địa phương. Dự báo, với xu hướng mất cân bằng giới tính như hiện nay, đến năm 2035 Việt Nam sẽ dư thừa 10% nam giới trưởng thành so với số lượng nữ giới. Nếu không kìm chế tình trạng này, tất yếu phải gánh chịu hậu quả khôn lường, tác động tiêu cực tới cấu trúc dân số trong tương lai. Tình trạng thừa nam, thiếu nữ sẽ làm gia tăng áp lực và buộc phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, nam giới khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời, làm gia tăng mức độ bất bình đẳng giới trong cơ hội tiếp cận việc làm, tệ nạn xã hội trở nên phức tạp, khó kiểm soát.

Thời gian qua, để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, Quảng Nam đã và đang thực hiện các dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; dự án Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; thực hiện Đề án kiểm soát dân số các vùng biển đảo, ven biển (gọi tắt là Đề án 52)… Riêng Đề án 52, trẻ em ở vùng biển đảo đã được thụ hưởng trên 20 nghìn ly sữa TH true MILK, trị giá hơn 200 triệu đồng từ chương trình “Đồng hành với dân số biển đảo”. Tiến sĩ Mai Văn Mười - Chi cục trưởng DS-KHHGĐ tỉnh cho rằng: “Lâu nay khi nói về dân số, chúng ta thường chú trọng đến các chỉ số về tốc độ gia tăng, số người sinh con thứ 3, tỷ lệ mất cân bằng giới tính… mà ít quan tâm đến chất lượng dân số. Trong khi xét đến cùng, chất lượng dân số là mục tiêu phấn đấu của các cộng đồng, quốc gia. Bởi vậy, việc xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới là một vấn đề cấp bách không chỉ riêng Quảng Nam mà mang tầm quốc gia”. Mục tiêu trước mắt trong năm 2015 là tăng cường tầm soát trước sinh và sơ sinh, đưa tỷ lệ giới tính xuống mức 108 bé trai/ 100 bé gái.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày dân số việt nam 26.12: Nâng cao chất lượng dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO