Cuộc gặp gỡ nhân ngày giải phóng quê hương giữa các cán bộ nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam, Đặc khu Quảng Đà do Tỉnh ủy Quảng Nam, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng bởi có sự hiện diện của các tướng lĩnh ở khắp mọi miền đất nước trở về quê hội ngộ.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải với Thiếu tướng Hoàng Kim. Ảnh: ANH TRÂM |
Có người mặc sắc phục, ngực gắn đầy huân chương, có người vẫn quen mang giày cao su áo sờn màu năm cũ; tóc ai cũng bạc trắng nhưng khi chào nhau thì giọng nói vẫn ấm nồng rặt Quảng, hào sảng như cảm xúc những ngày đầu quê nhà giải phóng…
Sống...
Sáng qua 26.3, tại TP.Tam Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 38 năm giải phóng quê hương. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cùng chủ trì buổi gặp mặt. Đây là cuộc gặp mặt luân phiên thường niên nhân kỷ niệm giải phóng quê hương của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng giữa các cán bộ lão thành cách mạng, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam, Khu ủy Đặc khu Quảng Đà và các tướng lĩnh thời kỳ trước năm 1975. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi; nguyên Bộ trưởng Nội thương, Anh hùng LLVTND Hoàng Minh Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư đặc khu Quảng Đà Trần Thận; Thượng tướng Lê Thế Tiệm – nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Trung Thu – Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cùng hơn 100 cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh về hưu và đang công tác trên khắp mọi miền đất nước đã về Quảng Nam tham dự cuộc gặp mặt này. |
Họ chúc nhau tuổi già còn có niềm hạnh phúc được chào đón, hội ngộ vào ngày kỷ niệm quê hương giải phóng. Ngày mà 38 năm trước, chữ “sống” quý giá đến những phút giây cuối cùng sau cuộc chiến trường kỳ gian khổ. Trách nhiệm của những người lãnh đạo, các tướng lĩnh tiếp theo sau ngày đó là làm “sống” lại toàn bộ đời sống người dân sau những tàn phá của chiến tranh. Cũng như rất nhiều cuộc gặp mặt trước đây, cụ Trần Thận – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Đặc khu Quảng Đà luôn là người bắt đầu câu chuyện. Lần này, cụ nói thật dài, dốc cả tâm huyết kỳ vọng bằng một minh chứng cụ thể trong cuốn sách cụ đọc suốt mấy ngày nay “Tự kiểm điểm - Phan Bội Châu”. Cụ nói với tất cả, rằng cần phải giữ bản lĩnh đấu tranh của thời kỳ cũ cho đến ngày hôm nay để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia. Cụ Thận nhắc tên cụ thể từng đồng chí đã hy sinh trong những trận đánh, cụ thể đến từng địa danh, thời điểm, nguyên nhân và hoàn cảnh. Ngay trong buổi gặp mặt, lời đề nghị mặc niệm dành cho những đồng chí đã hy sinh làm ai cũng rưng rưng xúc động. “Sống trong thời chiến, bom rơi đạn nổ trên quê hương, không thể ngồi yên được mà phải chiến đấu. Bao nhiêu tranh đấu, quyết sách đã được thực hiện là nhờ cả vào tinh thần đoàn kết, thống nhất của anh em. Người còn sống ghi nhớ sẽ sống cho cả phần của những người đã hy sinh. Thế nên hôm nay chúng ta còn gặp mặt, một là để gặp nhau, hai là để nhớ những đồng đội đã mất” - cụ Trần Thận xúc động.
Phần “sống” trong câu chuyện của những lão thành cách mạng ngày hôm nay còn nhắc đến cuộc sống của người dân ở hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng sau bao nhiêu năm tháng đã thay đổi như thế nào. Ai cũng dồn tâm để hỏi “đã hết những hộ dân nghèo không cơm ăn áo mặc chưa, đã xóa bỏ hết trường học xập xệ chưa, xây cầu làm đường về những nơi lam lũ đến nay thế nào rồi?”. Câu chuyện cứ thế mà dài ra.
Tâm tình cố quận
Đứng thật lâu trước ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ trung tâm thành phố Tam Kỳ, Trung tướng Nguyễn Trung Thu – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cau mày nhắc nhở: “Các anh phải để ý đến từng chi tiết trên bia mộ của liệt sĩ; ở Quảng Nam mình làm gì có địa danh là Hòa Bình mà ở Thái Nguyên. Xem lại thật kỹ chứ viết nhầm cũng không được”. Mỗi người mỗi nén nhang ở nghĩa trang liệt sĩ, mỗi người có một cách tưởng niệm riêng biệt theo nghi lễ nhưng mắt ai cũng ngấn lệ.
Các đại biểu trong ngày gặp mặt. Ảnh: ANH TRÂM |
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Hoàng Minh Thắng tâm sự: “Tôi sống khi Hà Nội, khi Đà Nẵng, cuộc gặp mặt nào tôi cũng tham dự để điểm danh từng người. Ngoài lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, chính quyền của hai địa phương luôn duy trì cuộc gặp mặt thường niên, tôi nhường lời lại cho anh Hoàng Kim, anh ở Sài Gòn bao nhiêu năm mới trở về”. Thiếu tướng Hoàng Kim, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 vẫn giữ nét oai phong dù đã 87 tuổi. Ông nói chân thành: “Với tôi, Đà Nẵng là Quảng Nam, trong Quảng Nam có Đà Nẵng. Mỗi khi nghĩ về thời kỳ chiến đấu giành độc lập, tôi chỉ nhớ chung là quê nhà. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tham dự cuộc gặp mặt đầy đủ các vị ngày xưa ngay tại quê hương. Có người ngày trước là thủ trưởng, cấp trên của tôi mà trời ơi bao nhiêu năm rồi chúng tôi không nhận ra nhau. Đến khi nghe giọng nói mới tay bắt mặt mừng. Tôi vui lắm. Lần này được gặp lại biết bao nhiêu đồng chí cũ ở quê nhà. Duy trì mãi những lần gặp gỡ như thế này thì tốt quá!”.
Nguyện ước của Thiếu tướng Hoàng Kim trong lần trở về quê nhà chỉ mong được chuyển mộ của em gái là liệt sĩ Hoàng Thị Loan về Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên). Còn bác Nguyễn Văn Trí – Thiếu tướng, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội cứ nhắc đi nhắc lại: “Nhớ gửi cho chúng tôi những tấm ảnh kỷ niệm của ngày hôm nay, quý giá lắm đấy!”.
ANH TRÂM