Ngày giỗ làng Khe Chữ

Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG 08/11/2018 02:21

Tròn một năm trước (6.11.2017) núi ầm ào đổ xuống. Tang thương bao trùm. Nay Khe Chữ đã thành hình hài của một làng dân cư kiểu mẫu, người Khe Chữ gói nỗi đau vào trong, để xây dựng cuộc sống mới...

Một góc làng Khe Chữ. Ảnh: N.D
Một góc làng Khe Chữ. Ảnh: N.D

Thương lắm, nhớ lắm...

Ngày cả ngọn núi ở thôn 2 xã Trà Vân, Nam Trà My đổ xuống làm 4 người chết, 13 người bị thương, tang thương phủ khắp ngôi làng. Người dân vì sợ, bỏ xứ mà đi. Làng Khe Chữ cũng hình thành từ đó.
Ngày họa núi đè, gia đình anh Hồ Văn Ngọ đang ở trong ngôi nhà nhỏ bên sườn đồi. Núi bất ngờ đổ xuống, vùi lấp cả ngôi nhà. Anh Ngọ cùng đứa con gái đầu lúc đó 3 tuổi, tuy thoát chết nhưng bị thương rất nặng. Còn vợ anh Ngọ là Hồ Thị Vệ và đứa con gái sau mới chỉ được 3 tháng tuổi thì bị vùi sâu trong đất đá. Khi bà con đưa được họ ra ngoài, dùng võng cõng xuống trạm y tế được nửa đường thì quay về. Họ đã không còn thở nữa. Ngày đưa tang vợ con, anh Ngọ phải đứt ruột ngược xuôi Tam Kỳ rồi Đà Nẵng theo đứa con gái đang bị thương nặng. Nhà nghèo, lại vừa mất trắng, đành nuốt nước mắt nhìn hai mẹ con nằm trong võng vải, quấn bằng chiếc chiếu phơi lúa rồi bỏ xuống, bên trên xếp mấy nhánh cây, rồi lấp đất. “Người làng bảo, vì đứa bé còn quá nhỏ, nên chôn cùng cho có mẹ có con” - anh Ngọ nghẹn giọng.

Thanh niên trong làng chuẩn bị cho ngày giỗ.
Thanh niên trong làng chuẩn bị cho ngày giỗ.

Từ đó đến nay, anh Ngọ chưa một lần đến thăm mộ vợ con được. Bởi theo tục lệ của người Ca Dong, mỗi năm chỉ được đến đây một lần, vào ngày giỗ. Đứa con gái đầu của anh Ngọ hầu như đêm nào cũng khóc ngặt vì thiếu hơi mẹ. Anh Ngọ bảo, ở trong điện thoại của mình có tấm hình duy nhất của hai mẹ con, tính xóa mấy lần nhưng chẳng nỡ. Đứa nhỏ cứ lấy điện thoại nghịch vô tình thấy ảnh của mẹ lại khóc. “Nhưng xóa đi rồi mình chẳng còn gì để nhớ!” - tay anh Ngọ vân vê những đồ đạc để sáng ngày đưa lên mộ hai mẹ con. Anh Ngọ giải thích, vốn dĩ người Ca Dong chẳng thờ phụng hay đốt vàng mã gì cả. Chết là hết. Nhưng vì hai mẹ con khi ra đi thiếu thốn quá nhiều thứ, nên những thứ anh chuẩn bị là mấy bộ áo quần, đôi giày, đôi dép và một số đồ chơi cho con.

Nơi vợ con của anh Ngọ cùng 2 người khác trong vụ lở núi ngày đó được chôn là ở một khu riêng biệt của “rừng ma”. Mà như lời giải thích của già làng Hồ Văn Hai (làng Khe Chữ) thì rừng ma giống như một nghĩa địa. Nhưng với những người chết như vừa rồi, chết do tai nạn, chết bất đắc kỳ tử thì được liệt vào cái chết xấu. Với những người như thế thì phải chôn riêng ở một nơi khác, tránh liên lụy cho cả làng.

Sáng sớm, anh Ngọ cùng gia đình của những nạn nhân xấu số tập hợp ở con dốc đầu làng rồi cùng đi. Chừng 15 phút chạy xe thì dừng lại, để xe bên vệ đường rồi men theo con đường mòn nhỏ xuống sâu trong lòng núi. Mỗi người đều cầm theo một chiếc rựa để phát dọn đường đi. Bởi theo ông Hồ Văn Trung, người có cháu trai cũng mất trong đợt lở núi giải thích, khi chôn xong thì tất cả đều quay lưng rồi đi thẳng, không ngoái đầu nhìn lại. Con đường đi cũng xuyên qua giữa rừng, không theo bất cứ một lối mòn nào. Họ sợ rằng, vì quá luyến tiếc trần thế, người chết sẽ theo mình về nhà.

Ba ngôi mộ cho 4 người xấu số nằm lọt thỏm ở một khoảnh giữa lưng chừng núi. Đã tròn một năm, họ mới lại được gặp nhau. Những lời cầu khẩn, những lời chưa kịp nói với nhau lúc sống quyện với những giọt nước mắt. Mắt anh Ngọ nhòe đi sau một năm mới được hạnh ngộ với vợ con. Chỉ biết rằng, khi đốt những đôi giày, đôi dép cho vợ con, miệng anh Ngọ chỉ lẩm bẩm: “Ốt o, bahách o” (thương lắm, nhớ lắm - tiếng người Ca dong).

Ngày giỗ làng

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đã có nhiều phương án để hỗ trợ người dân Khe Chữ cải thiện đời sống. Trước mắt, huyện khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là trồng cây dược liệu ngắn ngày. Cứ 3 tháng thu hoạch một lần nên sẽ đảm bảo chi phí ban đầu. Về lâu dài, những cây như giổi rừng, đinh lăng, quế Trà My... cũng sẽ được hỗ trợ giống cho bà con phát triển. Với hệ thống cơ sở vật chất như hiện tại, việc người dân nâng cao đời sống của mình sẽ dễ dàng hơn trước.

Thực chất, ngày giỗ làng Khe Chữ chính thức được tổ chức từ gần một năm trước, khi tất cả đã dần thành hình hài của một khu dân cư kiểu mẫu. Hơn 130 hộ dân ở đây đều đã tham dự, chuẩn bị cho một cuộc sống mới. Nhưng, trong thâm tâm họ, ngày định mệnh khi cả ngọn núi sau lưng làng nứt toác, đổ ập xuống, cũng là ngày đã khai sinh ra làng Khe Chữ hôm nay.

Khác với lần trước rình rang lễ hội, thức ăn mừng lễ lập làng; ngày giỗ Khe Chữ im ắng lạ. Như cô chủ quán tạp hóa, có bàn bi-da mới mua về cho thanh niên giải trí kể, mọi hôm cứ tầm 8 - 9 giờ sáng là thanh niên tập trung “làm vài cơ”. Nhưng hôm nay im lặng hẳn, như sẻ chia với những gia đình mất người thân, là nỗi nhớ làng cũ vẫn còn rấm rứt trong se lạnh núi đồi. Già làng Hồ Văn Hai thừa nhận, ở nơi mới sạch sẽ, an toàn và có đầy đủ hệ thống điện thắp sáng, đường bê tông vào tới tận làng và ngôi trường còn nguyên mùi vôi vữa vừa được dựng lên. Nhưng nỗi nhớ làng cũ vẫn vẹn nguyên. “Nói cho cùng, nơi nào gắn bó lâu nhất thì mình nhớ nơi đó. Nhà xưa, làng cũ chẳng thể quên một sớm một chiều. Chừ chỉ biết gói vào lòng... ” - già Hai nói.

Đêm ở Khe Chữ se lạnh. Đám sương núi lờ nhờ tỏa ra tứ phía, len lỏi vào từng ngõ ngách. Nồi cơm gạo mùa mới được bày sẵn với vài món thức ăn đạm bạc để đãi khách. Hơi rượu nồng từ thứ gạo mới mà già Hai khoe rằng, đó là vụ mùa đầu tiên người dân Khe Chữ làm được. Làm ruộng nước chứ chẳng phải là rẫy như trước nữa. Cả màu đỏ đặc trưng của gạo đỏ cũng đã vơi bớt vì đã xay xát chứ chẳng giã bằng cối giã gạo nữa. Nhưng mùi vị thì vẫn còn nguyên, vẫn thơm và được mùa.

Trong ký ức những người có gia đình bị núi vùi lấp, ngày 6.11 năm trước là một ngày dài thấp thỏm. Anh Ngọ ngồi ôm đứa con gái vừa tròn 4 tuổi, nói rằng hôm nay chính là ngày mà mẹ và em đã đi xa. Những thứ mà anh đang chuẩn bị, là dành cho họ. Mấy bộ quần áo, đôi dép để mang và cả những thứ đồ chơi quen thuộc. Đứa trẻ mơ hồ, ngước đôi mắt trong veo nhìn cha rồi quay qua tấm hình trên màn hình chiếc điện thoại cũ kỹ: “A mó ni” (mẹ đây này).

Khe Chữ đã hoàn thiện hình hài. Một ngôi làng đông đúc nhưng không chật chội. Đêm, ánh đèn điện sáng cả một vùng, chẳng khác gì một thị tứ. Những nền nhà bùn đất nhão nhoẹt ngày nào nay đã được đầm cứng, sạch sẽ. Nhiều người đã kịp trồng cho mình những luống rau xanh ngắt quanh vườn nhà. “Đến hôm nay, tròn một năm từ khi lập làng, cuộc sống người dân đã dần ổn định. Trước mắt, nỗi lo về sạt lở, mưa gió đã không còn nữa. Nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là làm sao cho cuộc sống người dân ngày càng ổn định hơn. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cùng với các nhà hảo tâm, hiện người dân đã qua khỏi giai đoạn khó khăn. Giờ chỉ tập trung để nâng cao đời sống gia đình nữa sẽ ổn” - ông Hồ Thanh Luận - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân chia sẻ.

Sáng sớm, ánh nắng bừng lên sau trận mưa bóng mây lất phất. Đau thương Khe Chữ vốn đã đong đủ. Đối với họ, ngày giỗ làng như là lần cuối cùng được ngoái đầu lại phía sau. Để đong đếm. Để cảm nhận. Rồi bắt đầu một chặng đường mới, đi lên từ trong tang thương.

Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày giỗ làng Khe Chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO