(QNO) - Sau cuộc giao lưu và tổng kết cuộc thi “Sâu nặng ân tình” do Hội Bảo trợ gia đình liệt sĩ, Báo Cựu chiến binh Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội, vừa về đến nhà, tôi nhận được cuộc gọi của bạn chiến đấu là thương binh 2/4 - Phan Văn Sĩ: “Ngày mai, 25.7, thôn Tịnh Sơn (xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành - NV) tổ chức ngày giỗ liệt sĩ, mày sắp xếp thời gian về dự”.
|
Trái tim tôi như nghẹn lại, bởi tại mảnh đất này, ngày 16.3.1971, cha tôi cùng 22 đồng chí khác bị giặc Mỹ đóng chốt trên Dương Bản Lầu thả máy thu phát tiếng động phát hiện đường hành quân, dùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại bao vây, ông và đồng đội chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng. Ba tháng sau, hài cốt cha tôi và 22 đồng đội của ông được các cơ sở cách mạng, những người không quản đạn bom, tìm nhặt gánh về mai táng tại xóm Vườn Cau. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Mỹ trên đồi CC với phần mộ “Chưa biết tên”.
Khi cha tôi tham gia kháng chiến, tôi mới 6 tuổi, chưa nhớ rõ mặt. Cuối năm 1972, từ trong khu dồn dân Lý Trà, mẹ cho tôi thoát ly lên chiến khu gia nhập Quân giải phóng. Trong tận đáy lòng, tôi rất mong gặp được cha, nhưng ông đã hy sinh tại mảnh đất Tịnh Sơn này hơn một năm trước.
Đất nước thống nhất, tôi vẫn tiếp tục hành trình của người lính, không có điều kiện để tìm hiểu nơi mai táng thi hài cha. Mãi đến năm 1984, tôi mới có thời gian thực hiện ý nguyện của mình; nhiều lần đi gặp các cơ sở cách mạng, những người chôn cất cha tôi, tìm hiểu thông tin. Tôi biết cha tôi đang nằm tại Nghĩa trang Tam Mỹ, nhưng khổ nỗi là khi các cơ sở tìm nhặt hài cốt về chôn cất, các chị lấy hộp sọ làm mộ cho một người, còn xương thì lộn chung với các đồng chí khác. Tôi đã đến tận nơi cha tôi hy sinh dưới chân Dương Bản Lầu, thắp hương, cuối đầu xin linh hồn cha hãy về với mẹ. Và không biết bao nhiêu lần tôi về Nghĩa trang liệt sĩ Tam Mỹ thắp hương cho cha và đồng đội của cha, lặng lẽ đứng trước những nấm mộ “Chưa biết tên” cầu nguyện cho linh hồn cha luôn thanh thản.
Hôm nay, có lẽ là ngày linh thiêng và sâu lắng nhất đối với tôi, bởi cha tôi được chính những người dân ở đây chôn cất và nay làm đám giỗ cho ông và các đồng đội của ông. Tôi xin tỏ lòng biết ơn trước nghĩa cử sâu nặng ân tình này của nhân dân thôn Tịnh Sơn.
Cái thôn nhỏ bé này trong những năm đánh Mỹ, phía tây là đồn Dương Bản Lầu, phía nam là đồn 76, phía đông là đồn CC..., những người con bình dị vẫn hiên ngang, kiên cường bám trụ. Toàn thôn có 37 Mẹ Việt Nam anh hùng, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang, 139 liệt sĩ của 101 gia đình. Đến nay sau 42 năm đất nước thống nhất cũng chỉ tìm được hơn 50% hài cốt đưa về Nghĩa trang của xã, còn lại không biết phiêu bạt ở nơi nào? Tôi tìm hiểu một số gia đình có mặt trong ngày đám giỗ này, các bác, các mẹ, các chị cho biết, người thân của mình hy sinh ở khắp các chiến trường như: Tây Ninh, Đường 9 Nam Lào, Vạn Tường, Quế Sơn... và cũng không tìm được thi hài. Xương máu của họ đã thấm vào từng ngọn núi, dòng sông, từng đường làng ngõ xóm, từng cành cây ngọn cỏ trên dải đất miền Nam. Những gia đình chưa tìm được hài cốt người thân luôn day dứt khôn nguôi.
Nhà sinh hoạt văn hóa thôn sáng nay có đông đủ những người cha, người mẹ, các anh chị em, người thờ cúng liệt sĩ, cùng cán bộ xã Tam Mỹ Tây, thôn Tịnh Sơn. Phía trên là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới là dãy bàn dành cho liệt sĩ nghi ngút khói hương; tiếng trống, chiêng cổ vang lên sâu lắng và trang nghiêm. Cụ Huỳnh Tình - cao niên khăn đóng, áo dài cùng anh Phan Văn Bá thôn trưởng vái lạy các liệt sĩ mà khấn rằng: “Các anh, các chị sống chiến đấu với “tàu gáo”, “tàu rọ”, “Mỹ lết”, bom pháo, mìn bẫy và bọn ác ôn, binh lính tay sai của chúng, hiến trọn đời mình, góp phần giành lại non sông đất nước. Nay nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, cán bộ, nhân dân thôn Tịnh Sơn trân trọng làm đám giỗ để ghi nhớ sự hy sinh oanh liệt của các anh hùng các liệt sĩ. Các bác, các chú, các anh, các chị, các em đã ngã xuống trước hòn tên, mũi đạn của kẻ thù, hãy về đây dự bữa cơn thâm mật và nhận nơi đây lời biết ơn sâu sắc nhất...”.
Đứng trước những mâm cổ cúng các anh hùng liệt sĩ, tôi miên man dòng suy nghĩ về việc làm tử tế, sâu nặng ân tình này của cán bộ, nhân dân thôn Tịnh Sơn. Đốt nén hương, nghiêng mình kính cẩn tưởng niệm, tỏ lòng thành kính tri ân vong linh những người đã anh dũng hy sinh mà nước mắt cứ chực trào ra. Thân nhân liệt sĩ ở đây không biết tôi là ai, buộc lòng tôi phải nói ra thân phận của mình, tôi nhận được sự đồng cảm và những lời chia buồn, an ủi sâu sắc của các mẹ, các chị.
Hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ diễn ra trân trọng, ấm áp, nghĩa tình từ Trung ương đến các địa phương; nhưng với tôi thôn Tịnh Sơn tổ chức đám giỗ cho các anh hùng liệt sĩ sao nó thiêng liêng và sâu lắng quá! Một việc làm nhân văn giàu ý nghĩa của cán bộ, đảng viên và nhân dân Tịnh Sơn là sự tri ân những người đã hy sinh thân mình để đất nước, quê hương có được cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay. Qua đó nhắc nhở chúng ta luôn nhớ về công lao của những người đã ngã xuống, để trau dồi đạo đức, nhân cách và lẽ sống, xứng đáng với hy hy sinh cao cả đó.
Báo Quảng Nam online giới thiệu bài thơcủa tác giả vừa viết về cha mình:
Phần mộ cha chưa được khắc tên
Viếng nghĩa trang tưởng niệm người đã mất
Tượng đài nghi ngút khói hương
Ngàn đời Tổ quốc ghi công những con người bất tử.
Trong cuộc trường chinh kháng chiến
Cha đi trong lửa đạn kẻ thù
Cháo bẹ rau măng, củ mài, củ chuối
Đồng đội cùng cha băng rừng lội suối
Cha không về mà nằm lại đất Tịnh Sơn
Máu đỏ thắm, giữa mùa xuân thắm đỏ
Viếng nghĩa trang tưởng niệm về cha
Mới đó thôi - 46 năm đã trôi qua
Đất lặng lẽ ôm hình hài xương cốt
Người lặng lẽ ôm đau thương day dứt
Phần mộ cha chưa được khắc tên
Nén tâm nhang nghi ngút tỏa bóng râm
Cho mát đất, mát mồ nơi cha ngủ
Gió mùa hè thổi khói hương nhè nhẹ
Mát hồn cha, hoa lá mộ cha xanh
Trước tượng đài - làn khói hương bay lên
Là lời khuyên - ngân xa trong trái tim cháy bỏng
Vững lòng tin như dũng khí cha làm
Mãi mãi sáng trong như ngà ngọc.
Con hỏi lòng mình nơi nào sâu thẳm nhất
Rằng, đất Tịnh Sơn - nơi cha ngã xuống
Lắng đọng trong đời bao nỗi nhớ khôn nguôi.
NGUYỄN ĐỨC THÁI