Ngày hội văn nghệ dân gian

SONG ANH 30/06/2013 07:34

Cuộc hội ngộ của 16 đoàn nghệ thuật dân gian đại diện cho 16 vùng miền văn hóa dân gian truyền thống trong cả nước trong “không gian di sản” của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013 là một “đại tiệc âm nhạc cổ truyền” đã để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng công chúng xứ Quảng...

Đoàn nghệ thuật Bắc Kạn với những diễn viên khá trẻ đã biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống.
Đoàn nghệ thuật Bắc Kạn với những diễn viên khá trẻ đã biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống.

Hội tụ các miền văn hóa

Festival Di sản Quảng Nam lần này là một cơ hội để nhiều người được sống trọn vẹn cùng di sản, từ văn hóa vật thể đến các loại hình văn hóa phi vật thể. Tất cả đều từ nghìn xưa, được đúc kết qua nhiều thế hệ, được  gìn giữ phát huy bằng nhiều phương thức khác nhau. May thay, vẫn còn những con người sẵn sàng dành trọn vẹn cuộc đời mình để đi theo những tiếng đàn với những giai điệu truyền thống. Chia sẻ về điều này, nghệ nhân hát trống quân Lê Thị Lâm - Đoàn nghệ thuật Hưng Yên, nói: “Cái gì cần giữ thì phải giữ cho được, nhất là văn hóa dân gian, vì đó là vốn quý và cũng là tiếng nói của cả một thế hệ đi trước muốn gửi gắm cháu con”. Hát trống quân ở Dạ Trạch (Hưng Yên) là làn điệu dân ca của người dân đồng bằng Bắc Bộ, một điệu hát giao duyên ứng tác còn tồn tại trên mảnh đất Dạ Trạch, Hưng Yên từ nền thơ lục bát dung dị, nhạc cụ là chiếc trống quân độc đáo, mang tính đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Hồng. Mang đến Quảng Nam lần này làn điệu cổ truyền của khúc dân ca giao duyên “Thách cưới”, nữ trong trang phục áo tứ thân, nam mặc áo dài khăn đóng, những diễn viên tuổi đã qua xế chiều vẫn còn say đắm với nghệ thuật truyền thống của quê hương mình.  

Với những diễn viên đoàn An Giang, việc đem điệu múa mừng hội Katê của dân tộc Khơ Me để giới thiệu đến người dân Quảng Nam là một nỗ lực lớn. Bà Đỗ Thị Thanh Vân, Trưởng đoàn Nghệ thuật An Giang chia sẻ, để chào đón Festival Di sản Quảng Nam, 15 diễn viên trong đoàn đã khổ công luyện tập để có một tiết mục đậm sắc màu và âm thanh như vậy. Việc mang theo những đạo cụ đi từ miền Tây đến với miền Trung cũng gây nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lòng yêu nghệ thuật cùng với tinh thần “mang bản sắc văn hóa giới thiệu với rộng rãi người dân” đã giúp họ khắc phục tất cả để đến với xứ Quảng. Tại buổi diễn khai mạc, đây là tiết mục nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất của người dân Tam Kỳ. Sôi động, đẹp, nhiều màu sắc bắt mắt… là những gì khán giả nhận xét khi xem điệu múa Đua bò truyền thống của An Giang.

Ông Vương Duy Bảo - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần này, cho biết: “Đây là hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa dân gian truyền thống, giới thiệu các loại hình nghệ thuật đặc trưng của mỗi vùng miền đến rộng rãi công chúng. Hy vọng sau liên hoan này, những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn”. Mỗi đoàn nghệ thuật được cử đến các huyện thành trong tỉnh biểu diễn phục vụ bà con. Mười điểm diễn của 15 đoàn rải khắp từ Núi Thành đến Hội An nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân sở tại. Những ngày này, người dân xứ Quảng - từ đồng bằng đến miền núi đều được sống trong không khí của lễ hội.

Trân trọng văn hóa dân gian

Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam lần này là một trong những hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - 2013. Và hội diễn được tổ chức tại tất cả địa phương trong tỉnh, thu hút đông đảo người dân đến xem và thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống. Vốn văn hóa dân gian, lâu nay ít được để tâm dù đó là tinh túy của địa phương đã được sàng lọc qua thời gian, được nhiều thế hệ gìn giữ. Đã có nhiều cuộc hội thảo để tìm cách bảo vệ vốn quý này, nhưng chừng như vẫn chưa ngã ngũ khi còn quá nhiều vấn đề trong phương cách bảo tồn. Nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống phải rất chật vật lắm mới tạo dựng  được một chỗ đứng trong thời buổi hiện nay. Festival Di sản Quảng Nam lần này lấy điểm nhấn là “không gian di sản”, nơi hội tụ bản sắc cũng như các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian. Vậy nên, lễ hội không ngoài mục đích “quảng bá” cho các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó văn hóa dân gian đóng vai trò trọng tâm, Festival Di sản Quảng Nam hướng đến điều đó.

Biểu diễn đờn ca tài tử tại Hội An.                    Ảnh: SONG ANH
Biểu diễn đờn ca tài tử tại Hội An. Ảnh: SONG ANH

Trân trọng văn hóa dân gian đồng nghĩa với việc công nhận vốn quý của các vùng miền và công sức lao động của các nghệ nhân. Để giữ tinh thần của loại hình diễn xướng, những nghệ nhân phải trả giá bằng cả cuộc đời. Trong liên hoan nghệ thuật lần này, nếu diễn đúng loại hình nghệ thuật truyền thống thì diễn viên đều đã qua tuổi 50. Trong đó, lớn tuổi nhất phải kể đến Đoàn nghệ thuật hát trống quân của huyện Dạ Trạch, Hưng Yên. Với những đoàn chỉ mang tính chất “tái hiện” lại nghệ thuật truyền thống, diễn viên chỉ ở độ tuổi thanh niên. Nhiều người vô cùng ngạc nhiên thích thú khi chứng kiến những cô gái, chàng trai ngồi xếp bằng trên sân khấu, chơi nhạc cụ truyền thống của hát xẩm là đàn nhị và sênh. Dù chỉ ở mức độ “tái hiện” nhưng tấm lòng người trẻ dành cho những bộ môn truyền thống này đã là một điều đáng quý.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc Việt Nam khép lại cùng lúc với Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V. Khoảng thời gian 4 đêm tới các địa phương đủ để người dân xứ Quảng biết thêm về nhiều làn điệu dân ca đặc sắc từ Bắc chí Nam, và cũng là cơ hội để bày tỏ tấm lòng tri ân với các nghệ nhân dân gian - những người đã làm nên hồn cốt của các vùng miền văn hóa của nước ta.

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày hội văn nghệ dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO