Ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh (khóa VIII): Mổ xẻ nhiều vấn đề

X.NGHĨA - H.PHÚC - X.PHÚ 04/07/2013 08:37

Ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh (khóa VIII), khá nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận sôi nổi tại phiên thảo luận tổ.

GDP tăng 10,9%

Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013 cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn dân đã giúp cho cả tỉnh đạt mục tiêu ổn định phát triển kinh tế, bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát. Tình hình nợ xấu trên địa bàn được kiểm soát ở mức hơn 7% trên tổng dư nợ với khoảng 1.583 tỷ đồng. Thu ngân sách gần 2.800 tỷ đồng, đạt 41% so với dự toán nhưng tăng 8,2% so với cùng kỳ. Việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khá với tổng vốn thực hiện trên 5.931  tỷ đồng. Tổng sản phẩm (GDP) 6 tháng thực hiện 6.397 tỷ đồng, bằng 50,4% kế hoạch năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chương trình hỗ trợ theo mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Các đại biểu thảo luận tại tổ.
Các đại biểu thảo luận tại tổ.

Đề cập nguồn thu ngân sách không đạt kế hoạch, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa cho rằng, tiền sử dụng đất là một trong những nguồn thu ngân sách không nhỏ cho địa phương, nhưng thời gian qua thị trường bất động sản đóng băng, giao dịch trên thị trường chậm. Trong khi đó, thủ tục bán đấu giá quyền sử dụng đất lại khá cứng nhắc. “Thực tế tại thành phố có nhiều lô đất thông báo đấu giá nhiều lần nhưng chỉ có 1 người tham gia nên phải tổ chức đấu giá lại, gây mất thời gian, rườm rà về thủ tục hành chính” - ông Lúa nêu. Ông Võ Bảy - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam cho rằng, hiện nay quy hoạch và triển khai quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều vấn đề. Quy hoạch khu dân cư ven biển còn bất cập, phức tạp, đề nghị sớm rà soát lại nhằm xem xét tính khả thi từ nay đến năm 2020 nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo.

Đầu tư phát triển kinh tế xã hội miền núi được nhiều đại biểu quan tâm. Theo Bí  thư Huyện ủy Đông Giang Nguyễn Bằng, thời gian qua Nhà nước ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển miền núi nhưng chưa thỏa đáng, nguồn lực chưa đáp ứng; chưa thay đổi nhận thức, tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước của người dân còn khá phổ biến nên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn đề xuất tỉnh cần nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn sang dịch vụ, quan tâm chuyển dòng vốn cho lao động - việc làm ở miền núi. Tỉnh cũng cần có một cơ quan trung gian giải quyết hậu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Trà Sơn. Cũng liên quan đến vấn đề thủy điện, ý kiến của một số huyện miền núi đề nghị cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng, đời sống người dân vùng bị giải tỏa. Giải thích những băn khoăn của các đại biểu về việc tạm dừng một số  dự án thủy điện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, hiện nay nhà đầu tư thủy điện và bên mua điện là EVN chưa thống nhất với nhau về việc đầu tư lưới điện; đồng thời các nhà đầu tư thủy điện cũng đang thiếu nguồn vốn do ngân hàng dừng cho vay.

“Nóng” chuyện luân chuyển giáo viên

Báo cáo giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết 146 (ngày 12.7.2009) của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh tại phiên khai mạc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Qua 3 năm thực hiện (2010, 2011, 2012), cả tỉnh đã luân chuyển từ miền núi về đồng bằng được 607 GV và luân chuyển từ đồng bằng lên miền núi 38 GV. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát của Ban Văn hóa - xã hội tại 5 huyện đồng bằng, 2 huyện miền núi và một số trường học đã nổi lên nhiều vấn đề đáng quan tâm. Cụ thể, trong số 607 GV được luân chuyển về thì chỉ có 167 người nằm trong danh sách 868 người theo khảo sát điều tra, khảo sát ban đầu. Ông Nguyễn Dương Triều, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh nói: “Trong khi tỷ lệ GV được chuyển từ miền núi về đồng bằng trong danh sách khảo sát ban đầu khá thấp (19,2%) thì việc để số người ngoài danh sách chuyển về quá nhiều (chiếm 72,4% số GV chuyển về), thậm chí có đến 29 GV vừa không có trong danh sách, vừa không đủ  thời gian theo quy định đã làm cho việc thực hiện Nghị quyết 146 trong thực tế còn nhiều bất cập, không đạt yêu cầu, tạo dư luận không tốt trong nhân dân”.

Vấn đề luân chuyển GV tiếp tục “nóng” tại phiên thảo luận tổ chiều qua. Theo Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Tấn Thắng, về nguyên tắc văn bản cấp dưới không được mâu thuẫn với cấp trên, ngành tuân thủ đúng quy định của Trung ương về thời gian luân chuyển GV. Ông Thắng tỏ ra không hài lòng về báo cáo giám sát của  Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh vì “đã phủ nhận thành quả của các ngành chức năng nói chung, ngành giáo dục nói riêng trong việc  thực  hiện Nghị quyết 146”. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Bằng, lên miền núi giảng dạy là nhu cầu, công việc của GV chứ không phải ai điều động, bắt buộc đi. Qua 3 năm thực hiện, đã có nhiều bất hợp lý, trong đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục miền núi. Vì vậy, việc luân chuyển GV nên dừng lại sau khi nghị quyết kết thúc năm 2015 và để thực hiện một cách bình thường như trước đây. Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Nguyễn Cảnh cũng cho biết thời gian qua, do tiếp nhận GV từ miền núi về nhiều dẫn đến thừa GV, không sử dụng được, gây lãng phí nguồn nhân lực, trong khi miền núi thiếu GV, không tuyển được.

Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP 11,2 - 12,5%

Báo cáo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đề ra nhiều định hướng lớn về quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực. Trong đó, mục tiêu được xác định đến năm 2020 là: Tăng trưởng GDP 11,2 – 12,5%; năng suất lao động tăng hơn 2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người từ 2.650 – 2.750 USD; cơ cấu kinh tế về công nghiệp và dịch vụ chiếm 87 - 89%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 20%/năm (giai đoạn 2015 - 2020); tỷ trọng đầu tư/GDP đạt khoảng 35 – 40%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt từ 1,8 – 2,5% (bằng mức chung của tỉnh nghèo), riêng đối với các huyện nghèo giảm bình quân 3,5 – 4%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 65% vào năm 2020. Lao động qua đào tạo nghề kỹ thuật chiếm 40 -45%; tỷ lệ nhập học đúng tuổi năm 2015, tiểu học 99%, THCS 89,8%, THPT 72%; đến năm 2020 tiểu học 100%, THCS 95%, THPT 75%; giải quyết việc làm 40.000 người/năm;  đạt tỷ lệ 9 - 9 bác sĩ/vạn dân và 24 - 25 giường bệnh/vạn dân; tuổi thọ bình quân: đạt 75 tuổi (bằng bình quân chung cả nước).

Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Tại phiên thảo luận tổ vào chiều qua 3.7, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.   
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Huỳnh Tấn Đức, chủ trương về định mức phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ cho địa phương để thực hiện chính sách bảo vệ trồng lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP cho nông dân là đúng. Tuy nhiên, nếu hỗ trợ cho các hộ dân có đất trồng lúa 25.000 đồng/sào là thấp. Nên cho địa phương tuyên truyền để thuyết phục nhân dân không nhận tiền nhằm đầu tư các công trình phục vụ dân sinh, hay đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam Võ Bảy cho rằng, cần có giải pháp quyết liệt để đến năm 2015 các xã điểm hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Còn theo Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tiến, quản lý quy hoạch và rà soát quy hoạch trên nông thôn mới chưa cụ thể.
Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Nguyễn Cảnh nói tăng trưởng về tỷ trọng công nghiệp không bền vững nên khó khăn về vốn, tiêu thụ… dẫn đến vỡ kế hoạch, cần có giải pháp ổn định trong phát triển công nghiệp. Hiện nay địa phương kêu gọi đầu tư phát triển công  nghiệp nhưng không có công nhân, gây lãng phí thu hút đầu tư. Ngành giáo dục cần nâng cao chất lượng giáo dục để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đội ngũ cán bộ xã được đào tạo chất lượng không cao, dẫn đến thực hiện, giải quyết nhiệm vụ không đạt yêu cầu.                                                                        Nhóm PV (tổng hợp)

X.NGHĨA - H.PHÚC - X.PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh (khóa VIII): Mổ xẻ nhiều vấn đề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO