(VHQN) - Có những vùng đất chưa bao giờ lặp lại cảm xúc của mỗi lần dừng chân. Nếu chỉ có địa thế thì chưa đủ, chính phong vị văn hóa, nếp sinh hoạt bản địa khơi gợi mỗi lần một thú vị khác nhau với người đến. Xứ núi non của đất Quảng, chính là vậy. Để mỗi lần rời đi, lại thầm thì “ngày mai núi cũ tôi về”...
Không gian xanh
Chen Chia Lun - phóng viên hãng Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) vẫn giữ liên lạc cùng nhóm những người bạn trong chuyến farmtrip miền núi Quảng Nam dành cho đoàn tùy viên báo chí nước ngoài.
Chúng tôi trao đổi cùng nhau những hình ảnh xinh đẹp - phải gọi như vậy, về khoảnh khắc ở xứ núi non của Quảng Nam. Những vùng đất mà như Chen Chia Lun cảm nhận, vẻ đẹp của thiên nhiên ban sơ hình như ở đây chưa từng hao hụt.
Lần đầu tiên, Quảng Nam đưa các điểm đến ở vùng núi để làm cuộc giới thiệu với bạn bè quốc tế. Và có vẻ như chiến lược này đã thành công khi mục tiêu quảng bá rộng rãi những đặc sắc của vùng núi Quảng Nam, bao gồm cảnh quan thiên nhiên hoang sơ cộng với vốn liếng văn hóa của cộng đồng người dân, đã được báo chí quốc tế đề cập.
Nhiều điểm du lịch cộng đồng tại các vùng núi đang dần được khôi phục, đầu tư từ cả cảnh quan lẫn câu chuyện bảo tồn. Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước), làng văn hóa - du lịch Bhơ Hôồng (huyện Đông Giang), Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch sâm Ngọc Linh, du lịch văn hóa cộng đồng (huyện Nam Trà My), làng văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với bảo vệ, phát triển rừng, phát triển du lịch bền vững tại làng văn hóa thôn Pơ’ning (xã Lăng), làng du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê), khu du lịch đỉnh Quế (huyện Tây Giang)... chính là những địa điểm được kỳ vọng sẽ tạo nên bứt phá ở du lịch miền núi.
Khép lại hoạt động của Năm du lịch quốc gia tại Quảng Nam, nhiều điểm đến được nhận chân vì giá trị văn hóa, bản sắc cư dân. Không gian vùng đất là điều cố hữu để tạo nên tuổi tên, nhưng gây nhớ thương người đi lại chính ở cách cư xử, cách tự hào về đất quê mình của người dân.
Tiên Phước với làng du lịch cộng đồng Lộc Yên và Tây Giang với “những ngày văn hóa Cơ Tu” - nơi trổ bày đặc sắc riêng có của đồng bào miền biên xứ Quảng, vẫn cứ thổn thức về hình thái du lịch xanh, theo tầng nghĩa chân thành nhất của ý niệm này.
Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho biết, nếu Lộc Yên như một trong những điểm gây ấn tượng với du khách từ cảnh quan, không gian làng thì cùng với đó, các hình thái văn hóa của điểm đến trung du được kỳ vọng sẽ không kém phần thu hút du khách.
Du lịch miệt vườn ở nơi bán sơn địa, với đặc sắc ẩm thực từ chính nguyên liệu của đất... cũng là điều níu chân người tìm đến. Điều đặc biệt, Tiên Phước vốn dĩ là một “không gian xanh” đúng nghĩa để ngay khi xác định hình thái phát triển du lịch kết hợp với kinh tế vườn, thế mạnh về nếp sống miệt trung du lại được bật lên.
Vốn liếng văn hóa bản địa
Trong cuộc chuyện bên bếp lửa giữa gươl, những già làng ở các bản được triệu về tiếp khách quốc tế, cứ vậy say sưa câu chuyện của họ. Chen lúc tiếng Kinh, khi tiếng vùng mình, nên khách nghe có lúc được lúc mất, nhưng tôi đoan chắc, cảm giác lạ lùng của đêm ấy ở Tây Giang, sẽ còn mải miết trong tâm tư nhiều người.
Khách đến hôm ấy, dâng lên niềm xúc động, khi biết rằng đó là những giá trị văn hóa nguyên bản, không phải để biểu diễn và không là sân khấu hóa, từ chính lớp người bám rễ tại vùng đất này. Có lẽ khi họ bằng bản năng làm nên cuộc hội cho chính mình, tự nó đã truyền tới giác quan người đối diện bằng cảm xúc thành thật nhất.
Làng truyền thống Cơ Tu là một không gian hội ngộ của bản sắc văn hóa xứ này. Người Cơ Tu ở Tây Giang chọn nơi này để đón khách, bởi gươl là biểu tượng văn hóa lớn nhất của đồng bào.
Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, bữa ấy bên bếp lửa cùng chén rượu tà vạt, say sưa kể về ngôi làng độc đáo này. Ông nói, người Cơ Tu quan niệm, không có gươl thì không còn gốc văn hóa, không còn làng. Toàn bộ đời sống cộng đồng của người Cơ Tu, đều tập trung ở gươl.
Và người ở Tây Giang hiểu rằng, khi họ dựng lại những ngôi nhà tại làng truyền thống theo nguyên tắc phục dựng nguyên bản với chất liệu bằng gỗ, lợp bằng lá, bên trong mỗi nhà được chạm trổ điêu khắc từ những hình ảnh, hoa văn truyền thống... chính là yếu tố đầu tiên để giữ lấy bản chất văn hóa, linh hồn vùng đất mình.
Ngày hội văn hóa Cơ Tu tổ chức tại Tây Giang trong mùa hè vừa qua, thật sự để lại dấu ấn trong lòng nhiều người. Đó là vùng đất mà bản sắc là điều sống còn. Không có những chàng trai cô gái Cơ Tu thuần thục điệu tâng tung da dá, tự hào khoác lên bộ thổ cẩm của tộc người mình, không có những già làng bên bếp lửa vẫn bằng tiếng của đồng bào mình kể chuyện bằng điệu hát lý, nói lý... thì sẽ không còn văn hóa Cơ Tu.
Qua miền phên giậu, cuộc đi còn đọng bởi đôi mắt to tròn của em bé Cơ Tu được mẹ dắt ra đầu làng đón khách, đôi chân đất say sưa theo cha vào vũ điệu tâng tung. Thì biết, bản sắc chính là điều giúp con người nhúng rễ rất sâu vào chính bản làng, quê xứ mình...