(QNO) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) mang lại những thay đổi lớn trong mọi mặt đời sống xã hội. Liên hiệp quốc khẳng định nhu cầu tiếp cận và tham gia có ý nghĩa vào thế giới kỹ thuật số của người cao tuổi.
Theo thống kê của Liên hiệp quốc, hiện cứ 10 người thì có một người từ 60 tuổi trở lên. Ước tính trong vòng 50 năm tới, số lượng người cao tuổi trên thế giới sẽ tăng từ khoảng 600 triệu người lên gần 2 tỷ người.
Người cao tuổi có những đóng góp lớn cho xã hội, thông qua các công việc tình nguyện, truyền kinh nghiệm và kiến thức, là trụ cột và chỗ dựa tinh thần cho gia đình, tham gia vào lực lượng lao động được trả lương.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự đổi mới kỹ thuật số nhanh chóng cũng mang lại hy vọng lớn cho việc đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc.
Thế nhưng, các báo cáo gần đây của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chỉ ra rằng, phụ nữ và người cao tuổi trải qua sự bất công bằng kỹ thuật số so với các nhóm khác trong xã hội, thiếu khả năng tiếp cận công nghệ, hoặc thường không được hưởng lợi đầy đủ từ các cơ hội do tiến bộ công nghệ mang lại.
Riêng châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có số lượng người cao tuổi nhiều nhất thế giới, đạt được nhiều tiến bộ trong việc kết nối khu vực thông qua công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực có số lượng người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ, ít có khả năng được kết nối kỹ thuật số nhất.
Trong đại dịch Covid-19 toàn cầu, với tâm điểm hiện ở châu Á và Thái Bình Dương, đã làm trầm trọng thêm nỗi khổ của người cao tuổi trong các tình huống dễ bị tổn thương.
Như đại dịch đã chứng minh cách công nghệ hỗ trợ nhiều hoạt động trong phòng chống lây lan vi rút, mọi người dân có thể truy cập các ứng dụng phòng chống bệnh trên các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, giữ mọi người kết nối xã hội cũng như tham gia nền kinh tế internet, hộ chiếu vắc xin kỹ thuật số để thuận lợi hơn trong việc đi lại...
Do vậy, công nghệ có thể giảm thiểu rủi ro sức khỏe và thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi một cách hiệu quả về chi phí, chẳng hạn như thông qua y tế từ xa hoặc phẫu thuật bằng rô bốt.
Các thiết bị và giải pháp công nghệ trợ giúp như trong bối cảnh đại dịch có thể hỗ trợ người cao tuổi đi lại nhiều hơn và an toàn hơn, đặc biệt là người khuyết tật hoặc sống một mình. Các nền tảng truyền thông xã hội có thể thúc đẩy tương tác xã hội và giảm sự cô lập và cô đơn trong xã hội.
Thế nhưng, nhiều người trong đó có người cao tuổi bị loại khỏi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Do đó, công bằng kỹ thuật số cho mọi lứa tuổi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhân ngày Quốc tế người cao tuổi (1.10) năm 2021, Liên hiệp quốc chọn chủ đề: “Công bằng số cho mọi lứa tuổi” nhằm khẳng định nhu cầu tiếp cận và tham gia có ý nghĩa vào thế giới kỹ thuật số của người lớn tuổi, để họ không bị để lại phía sau trong một xã hội hòa nhập hơn, bình đẳng và thân thiện với lứa tuổi, gắn liền với quyền con người.