Ngày thế giới phòng chống thuốc lá (31.5): Nguy cơ bệnh tim mạch từ thuốc lá

TÂY BÌNH 31/05/2018 13:41

Ngày Thế giới không thuốc lá 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”, nhằm thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá với các bệnh tim mạch để có cách phòng tránh hữu hiệu.

Tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: PHÚC VIỆT
Tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: PHÚC VIỆT

Tại Quảng Nam, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, ngành y tế chủ động nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến xã, xây dựng kế hoạch quản lý chuyên sâu để hạn chế bệnh không lây nhiễm liên quan đến thuốc lá được chú trọng triển khai.

Chăm sóc sức khỏe từ tuyến xã

Nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các tổ chức và quần chúng đối với công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch” với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo tài liệu y khoa, trong tất cả nguyên nhân gây bệnh về tim thì thuốc lá là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất và có thể ngăn chặn. Bằng các cơ chế đa dạng, hút thuốc là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch. Trước tiên biểu hiện chứng xơ vữa động mạch, làm tăng sự kết dính tế bào máu, tăng chứng loạn nhịp tim; giảm sự luân chuyển ô xy, người hút thuốc gặp các nguy cơ này nhiều hơn người không hút thuốc.  Trong số các bệnh về tim người hút  thuốc có nguy cơ cao nhất mắc các bệnh cao huyết áp, bệnh về tim do suy yếu mạch vành, đau ngực, loạn nhịp tim và đau tim...

Thống kê tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Theo ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế, liên quan đến bệnh không lây nhiễm (trong đó có bệnh tim mạch), Sở Y tế đã thí điểm mô hình bác sĩ gia đình tại Quế Sơn và Hiệp Đức. Qua đó đào tạo bác sĩ đang công tác tuyến xã về phòng chống bệnh không lây nhiễm. Đồng thời căn cứ quy định dịch vụ y tế cơ bản của Bộ Y tế, cho phép y tế tuyến xã điều trị bệnh tăng huyết áp chưa biến chứng. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn phần mềm quản lý sức khỏe tại Điện Bàn, Phú Ninh, Quế Sơn, Nam Giang, nhằm quản lý hồ sơ bệnh án một cách hệ thống, thuận tiện trong quá trình khám chữa bệnh. Một thuận lợi nữa, WHO tại Việt Nam cũng đã hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế tuyến xã về phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Nam Giang và thị xã Điện Bàn. “Việc tăng cường công tác đào tạo bác sĩ tuyến xã góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh, kiểm soát bệnh không lây nhiễm từ cơ sở. Đồng thời hạn chế bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Sau một năm triển khai, Nam Giang đã làm rất tốt trong quản lý bệnh, điều trị, cấp thuốc ở lĩnh vực này” - ông Nguyễn Văn Văn nói.

Hướng tới quản lý chuyên sâu

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó nguyên nhân chính là sử dụng thuốc lá. Khoảng 40.000 người chết tại Việt Nam hàng năm do các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Để được tư vấn cai thuốc miễn phí hãy gọi đến tổng đài 1800-6606.

Đối với các bệnh liên quan đến khói thuốc lá, việc phòng ngừa là yếu tố quan trọng thông qua việc giảm hút lá và hút thuốc lá thụ động. Vừa qua, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống một số bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Mục đích thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng chống một số bệnh không lây nhiễm để góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, hạn chế biến chứng dẫn đến tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

Trong đó mục tiêu đáng chú ý là giảm tỷ lệ người trưởng thành (18 đến 60 tuổi) hút thuốc lá so với năm 2016 (39,6%) đến năm 2018 còn 37,5%; năm 2019 là 34% và đến năm 2020 là dưới 29,5%. Không có người ở nhóm dưới 18 tuổi nghiện hút thuốc lá từ cuối năm 2019. Nâng có số lượng người bị bệnh tăng huyết áp được điều trị quản lý, điều trị theo hướng chuyên môn… Ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho hay: “Việc kiện toàn hệ thống dự phòng, giám sát phát hiện sớm, điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm cần làm sớm. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm sẽ hình thành và ổn định bộ máy, tổ chức của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) để chủ trì triển khai công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm từ tuyến tỉnh đến cấp xã. Tổ chức hệ thống y tế dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…”.

Công tác quản lý chuyên sâu về bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh xuất phát từ việc hút thuốc lá như đã nêu được chú trọng. Thế nhưng, căn cơ của vấn đề là làm sao để người dân chủ động phòng bệnh cho chính mình, thông qua việc giảm hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động vẫn còn là vấn đề nan giải. Như ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận: Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã có nhưng xử phạt chưa đi vào thực tiễn. Việc quảng cáo, bán thuốc lá tràn lan, giá thuốc lá vẫn còn thấp, ai cũng có thể mua. “Thiết thực nhất vẫn là triển khai nói không với thuốc lá tại công sở, trong đó thể hiện vai trò, tính gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị” - ông Nguyễn Văn Văn nói.

TÂY BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày thế giới phòng chống thuốc lá (31.5): Nguy cơ bệnh tim mạch từ thuốc lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO