Ngày thóc buông mình khoe áo mới

TỐNG PHƯỚC BẢO 08/04/2023 12:05

Tuyển tập “Những phiến lá xanh non” (NXB Hội Nhà văn) gồm 20 cây bút nhí với 40 tác phẩm tề tựu vào một tập sách dung dị, cho thấy một bước ngoặt mới của diện mạo văn học Tây Nguyên, là cú hích để các em tự tin trên con đường văn chương phía trước.

Bìa tập sách “Những phiến lá xanh non”.
Bìa tập sách “Những phiến lá xanh non”.

Cô bé H’Cúc ÊBan của Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng - Buôn Ma Thuột đã gây ấn tượng mạnh trong tôi bởi 4 câu trong bài thơ “Mời lúa đến chơi”: Tây Nguyên nắng hạ mùa cau có/ Lúa trổ bông đón gió tiếp mây/ Ngày thóc buông mình khoe sắc mới/ Gói hạt treo hương tới buôn làng”.

Có thể thấy thơ văn Tây Nguyên luôn mang một âm sắc đậm đà riêng biệt của vùng đất bạt ngàn câu chuyện rừng thiêng lá gió. Những câu thơ của cây bút chỉ mới được chăm chút từ trại sáng tác đã gợi mở hình ảnh đẹp và mang một thông điệp sẵn sàng hòa mình cùng dòng chảy văn chương rộng lớn.

Giữ nét riêng nhưng bắt đầu chung nhịp với thi ca hiện đại, văn chương Tây Nguyên từ lứa trẻ của trại “Hương rừng” mang đến tiếng nói mạnh mẽ đầy trăn trở: “Rừng Tây Nguyên thu hẹp/ Muông thú biết về đâu?/ Những thế hệ mai sau/ Còn rừng không rừng hỡi?”.

Tiếng nói trẻ, bộc trực, khẳng khái và đánh động vào chính sự bảo tồn duy trì một Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ. Chỉ với đoạn thơ này của một học sinh lớp 8, bạn Nguyễn Phương Uyên của Trường THCS Nguyễn Khuyến - Ea Kar, đủ để chúng ta tin một tín hiệu văn chương tươi mới và mạnh mẽ như chính đặc tính bao đời nay của người đất này.

Bất ngờ nhất với tôi khi đọc tuyển tập “Những phiến lá xanh non” có thể là ở cậu bé lớp 5, Phùng Duy Tuấn bởi chùm truyện ngắn thiếu nhi của em. Với 3 truyện ngắn “Chuyện về các loại cây”, “Câu chuyện tình bạn”, “Đôi bạn”, cậu bé 10 tuổi này cho thấy sự sáng tạo và trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Phùng Duy Tuấn hóa thân vào cây cỏ hoa lá, con vật gần gũi với chính mình, để kể những câu chuyện rất trong trẻo bằng giọng văn cực kỳ tự nhiên.

Tôi nhớ có lần mình trao đổi cùng chị Nie Thanh Mai (Chủ tịch Hội VH-NT Đắk Lắk) về văn học trẻ, chị bảo ngay từ lúc này chị đã bắt đầu trồng cây văn chương, chị đang ươm mầm, chị tin văn chương Tây Nguyên 10 năm sau, 20 năm sau, sẽ sanh trái ngọt. Tôi cho rằng một hành trình dài, gian khó và nói thẳng cần nhiều sức và đủ lực mới làm điều này.

Chỉ với tuyển tập này, dẫu còn đó sự vụng về câu chữ, sự dàn trải kể lể và thậm chí những ý tứ chưa tròn vẹn, nhưng tôi thấy chính tuyển tập này làm được hai điều. Thứ nhất chính là nhóm lên một ngọn lửa trong hành trình văn chương cho các em thiếu nhi. Chính ngọn lửa này sẽ giúp các em tự tin, mạnh dạn và duy trì việc viết lách. Thứ hai chính là sự thúc đẩy cho tác phẩm văn học thiếu nhi chính từ thiếu nhi viết, bởi hơn ai hết chỉ chính các em mới biết mình nghĩ gì, thích gì, và cần đọc gì.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày thóc buông mình khoe áo mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO