Ngày xưa làm tuyên giáo

LÊ MINH CHIẾN 01/08/2018 02:00

Tháng 1.1959, Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II) ra đời đã thổi luồng gió mới, tạo nên bước chuyển quan trọng cho cách mạng miền Nam nói chung, Khu 5 nói riêng. Trước thời cơ thuận lợi đó, Khu ủy 5 quyết định chuyển phong trào cách mạng từ thế phòng ngự, bảo tồn lực lượng sang thế tiến công địch bằng “hai chân ba mũi giáp công” để mở ra vùng nông thôn, đồng bằng, tạo thế đi lên cho phong trào.
Không lâu sau khi Nghị quyết 15 ra đời, Ban Tuyên huấn Khu 5 thành lập - mật danh Làng Tuyên, được Khu ủy tin tưởng giao phó sứ mệnh quan trọng: mở mặt trận chính trị tư tưởng để phục vụ cho giai đoạn mới của cách mạng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ban Thường vụ Khu ủy 5 giao cho Ban Tuyên huấn Khu 5 là mở các lớp huấn luyện cán bộ phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng mới gắn liền với vai trò của Tiểu ban Huấn học và Trường Đảng Khu 5.

Biên soạn tài liệu ở chiến khu. Ảnh tư liệu
Biên soạn tài liệu ở chiến khu. Ảnh tư liệu

Tinh thần người Làng Tuyên

Tài liệu học tập cho cán bộ, đảng viên được biên soạn đầu tiên, gồm 3 bài học cơ bản: “Năm bước công tác vận động quần chúng”; “Công tác chi bộ”; “Nhiệm vụ và khí tiết của người đảng viên cộng sản” theo tinh thần và nội dung mới của Nghị quyết 15 và Nghị quyết Hội nghị Khu ủy 5. Yêu cầu của khu ủy là nội dung học tập phải hợp lý, có phần lý luận cơ bản để anh em học tập đạt kết quả, khắc phục tâm lý bi quan, dao động, xây dựng được lòng tin vào nghị quyết của Đảng, bồi đắp thêm tinh thần cách mạng và chắc tay trong khôi phục phong trào ở địa phương mình.

Ban Tuyên huấn, nhất là Tiểu ban Huấn học coi đây là vinh dự to lớn, thể hiện sự tin tưởng của khu ủy đối với ngành tuyên huấn vừa mới chập chững hình thành. Vì vậy, những đồng chí được phân công đã ra sức nghiên cứu tài liệu, vận dụng những kiến thức đã được trang bị trong thời gian học tập ở miền Bắc, ngày đêm nghiền ngẫm Nghị quyết 15 và nghị quyết của khu ủy để cho ra đời bộ tài liệu học tập đầu tiên. Với phương châm “lý luận đi đôi với thực tiễn”, theo đề nghị của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, được Ban Thường vụ Khu ủy đồng ý, Tiểu ban Huấn học đã mang toàn bộ tài liệu học tập này xuống tận vùng giải phóng Minh Long (Quảng Ngãi) mở lớp học đầu tiên để “thí điểm”. Lớp học với 47 học viên gồm các đồng chí huyện ủy viên, bí thư chi bộ xã của Quảng Ngãi đã thành công tốt đẹp, là cơ sở thực tiễn quan trọng để Tiểu ban Huấn học tiến hành chỉnh sửa, hoàn chỉnh bộ tài liệu quan trọng này. Bộ tài liệu còn được các đồng chí trong Thường vụ Khu ủy 5 duyệt đi duyệt lại nhiều lần, bởi đây là cẩm nang hoạt động cho cán bộ lãnh đạo toàn Khu trong bối cảnh cuộc chiến tranh đang ngày càng khốc liệt. Ở miền Nam lúc này, mỗi việc đều phải chuẩn bị đầy đủ nhất, chỉn chu nhất, một sơ suất dù là nhỏ nhất cũng có thể phải đánh đổi bằng xương máu của nhiều người.

Hòa theo bước ngoặt

Nhân dân còn nhớ mãi
Theo cuốn “Làng Tuyên” tập 3 (Nxb Bộ Văn hóa - Thông tin, năm 1998), trong một lần gặp gỡ cán bộ Văn phòng Khu ủy 5, đồng chí Võ Chí Công, nguyên Bí thư Khu ủy 5 nói, trong thời kỳ chiến tranh, công tác chính trị, tư tưởng là công tác hàng đầu. Ban Tuyên huấn Khu 5 là một lực lượng đáng tin cậy của Đảng, dám vượt qua gian khổ, chịu đựng hy sinh, vì miền Nam ruột thịt, vì Tổ quốc thống nhất, bằng vũ khí sắc bén của mình, tiến công địch trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Báo chí, các sáng tác văn, thơ, nhạc, họa, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của những người làm công tác tuyên huấn đã động viên và phản ánh hiện thực kháng chiến ở một chiến trường vô cùng gian khổ, ác liệt, anh hùng và rất vinh quang.
Đồng chí Võ Chí Công nhấn mạnh: “Vừa bảo đảm công tác chuyên môn, anh chị em vừa phải sản xuất, chăn nuôi để tự giải quyết nhu cầu đời sống cho mình, vừa phải chiến đấu chống địch càn quét, bảo vệ cơ quan, kho tàng, máy móc. Đó là một công tích lớn của các đồng chí trong binh chủng chiến đấu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Hoạt động của các đồng chí tuyên huấn đã góp phần quan trọng của mình vào việc xây dựng Đảng, củng cố lòng tin, cổ vũ tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Khu 5 quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều đồng chí đã bám sát cơ sở, bám sát quần chúng và đã hy sinh anh dũng trong lúc làm nhiệm vụ. Ban Tuyên huấn đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Công lao của các đồng chí thật vẻ vang, sự cống hiến của đồng chí thật quý báu, sự hy sinh của các đồng chí, nhân dân còn nhớ mãi”.

Sau khi hoàn chỉnh bộ tài liệu, ngày 28.5.1961 Trường Đảng Khu 5 khai giảng khóa I, do Ban Thường vụ Khu ủy trực tiếp chỉ đạo, với sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt các tỉnh trên địa bàn khu. Đến tháng 8.1961, khóa học kết thúc thành công, giải tỏa được những thắc mắc, hoài nghi về đường lối của Đảng, quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng miền Nam thông qua học tập Nghị quyết Trung ương 15 và nghị quyết của khu ủy. Sau khóa học, trong bản kiểm điểm của mình, ông Phạm Tứ (Mười Khôi) - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lúc bấy giờ, chia sẻ: “Khóa học đã giữ vững niềm tin của tôi đối với Trung ương và Thường vụ Khu ủy. Trước đây mấy năm, trước cảnh Mỹ - Diệm dùng chiến tranh một phía, tình hình cách mạng miền Nam chìm trong máu lửa, đi vào thoái trào nặng nề, tôi có những thắc mắc và những thắc mắc đó ngày càng lắng sâu, trở thành những oán trách đối với Trung ương Đảng và Thường vụ Khu ủy… Nay xong lớp học, cảm ơn các thầy đã mở mắt cho tôi, soi sáng cho đầu óc tôi. Nay lòng tin đã được củng cố, tin tưởng mình còn cống hiến được thêm cho Đảng cho dân”. Những lời bộc bạch đó của ông Mười Khôi - một con người bộc trực, thẳng thắn đã khẳng định được kết quả to lớn của khóa học đầu tiên này.

Đầu năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta vào bước ngoặt mới. Quân và dân Khu 5 phải đối đầu trực diện với quân viễn chinh Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ áp dụng ở miền Nam. Trước tình hình đó, Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 đã nhanh chóng biên soạn tài liệu và được Hội nghị Tuyên huấn toàn khu tiến hành vào tháng 4.1966 thông qua thành nghị quyết “5 phát động” (phát động nhận thức, phát động căm thù, phát động truyền thống, phát động thi đua, phát động phát huy thắng lợi). Nghị quyết được Ban Thường vụ Khu ủy 5 nhận xét là một văn kiện sâu sắc và rất sáng tạo; không chỉ có giá trị trong thời kỳ chống “Chiến tranh cục bộ” mà cả thời kỳ chống “Việt Nam hóa chiến tranh” sau này.

Đến ngày toàn thắng

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris ký kết, một số cán bộ có những nhận thức lệch lạc, ảo tưởng hòa bình, sơ hở, mất cảnh giác, địch lợi dụng thời cơ đó để tiến hành âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, gây tổn hại không nhỏ cho phong trào cách mạng ở Khu 5. Hơn nữa, với tầm nhìn xa trông rộng, Ban Thường vụ Khu ủy 5 đã bắt đầu tính đến việc đào tạo cán bộ để chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa sắp đến và xa hơn nữa là phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng, kiến thiết quê hương. Đầu năm 1974, Ban Thường vụ Khu ủy chỉ thị thành lập Trường T74, huy động cán bộ huấn học ở các tỉnh về để làm nòng cốt cho lực lượng giảng viên của trường. Đối tượng chiêu sinh là các cấp ủy viên từ cấp tỉnh, huyện, xã trong toàn khu. Thời gian học 1 tháng.

Từ kinh nghiệm mở lớp cấp tốc cho cán bộ đội công tác thời kỳ mở ra, giành dân, giành quyền làm chủ những năm 1961 - 1964, tài liệu học tập của Trường T74 chuẩn bị công phu, được Thường vụ Khu ủy duyệt với 3 phần chính: phần lý thuyết tập trung vào bài phương pháp tư tưởng do Trưởng Tiểu ban Huấn học đảm nhận; phần nghị quyết của khu ủy do một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy đảm nhận; phần công tác, có các phương án đấu tranh chính trị, binh địch vận và đấu tranh vũ trang do các khu ủy viên chuyên trách trực tiếp giảng dạy.

Chỉ trong vòng 5 tháng, Trường T74 đã tổ chức 3 khóa học với hơn 1.000 cán bộ cấp ủy viên từ tỉnh đến xã và lực lượng cốt cán của 3 mũi giáp công ở các tỉnh trong Khu 5. Qua công tác đào tạo, trường đã góp phần xây dựng được 150 đội công tác vừa là đội quân xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng, vừa là những chiến sĩ trực tiếp chỉ đạo, chiến đấu, chỉ huy phong trào quần chúng quyết liệt chống âm mưu lấn chiếm của địch, giành lại vùng giải phóng ở nông thôn, đồng bằng và cả vùng núi. Những kết quả này góp phần mở ra thời cơ để Trung ương và Khu ủy 5 xây dựng phương án, quyết tâm giải phóng Khu 5 và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong mùa xuân năm 1975 lịch sử.

LÊ MINH CHIẾN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày xưa làm tuyên giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO