Hát giã vôi có thể xem là một thể loại “thứ cấp” của hát hò khoan ở miền Trung do đặc điểm ứng tác, đối đáp lẫn nhau giữa các bên tham gia.
Hát giã vôi có thể xem là một thể loại “thứ cấp” của hát hò khoan ở miền Trung. Trong ảnh: Hội hô bài chòi. Ảnh: LÊ QUÂN |
Đặc điểm nổi bật nhất của hát giã vôi là sự kết hợp giữa lối hát cá nhân (xướng) và lối phụ họa tập thể (xô). Ngoài ra, còn một vài dấu hiệu đặc trưng khác như cách ngắt nhịp sao cho tương thích với nhịp chày; thường có sự lặp lại các âm tiết cuối và giữa trong câu thơ lục bát. Nhìn chung, hát giã vôi không câu nệ về giai điệu, về cấu trúc nhưng nhịp điệu thường mạnh mẽ đi cùng với chất trào lộng của lời ca, tất cả tạo nên một không gian lao động - sinh hoạt sôi nổi, nhịp nhàng trong đêm khuya ở những làng quê xưa.
Ký ức
Tôi vẫn còn nhớ lần cuối cùng được xem hát giã vôi ở quê là tại sân nhà chú ruột. Chú dạy học trường làng, thím có cái quán tạp hóa bênngã ba đầu xóm. Sau bao năm dành dụm, chú thím đã lần hồi chuẩn bị gần đủ các nguyên vật liệu để “lên đời” cho căn nhà tranh cũ nát thành ngôi nhà ngói ba gian. Tuy nhiên, thời đó xi - măng chưa phổ biến lắm lại rất đắt tiền nên chú tôi vẫn phải dùng vôi để xây tường. Vôi sống được đặt mua từ những lò “thổi vôi”(1) ven sông Trường Giang, đem về phải trải qua công đoạn “sú nước” (tôi vôi) để thành vôi bột (vôi tôi). Nhưng muốn cho vôi bột trở thành hồ xây thì cần phải trộn với các loại nước nhớt (chất kết dính) như mật đường đen, vỏ cây bời lời, cây xương rồng... rồi giã nhuyễn. Càng giã kỹ, vôi càng dẻo quánh và có độ bền không hề thua kém xi măng là mấy. Cứ xem các công trình xây dựng có tuổi thọ hàng trăm năm ở các làng quê như mồ mả, miếu mạo, đình làng... thì đủ biết. Vôi cả đó!
Nhưng với một khối lượng vôi đủ cho một ngôi nhà thì phải cần nhiều người giã trong nhiều đêm. Sở dĩ phải chọn ban đêm vì lúc đó mọi người sẽ không còn bận việc đồng áng, khí trời lại mát mẻ. Từ đó mà sinh ra tập quán hát giã vôi.
Để tổ chức được đám hát này, chú tôi đã chuẩn bị khá chu đáo. “Sân khấu” là khoảnh sân rộng đã được đào sẵn hai cái hố hình chữ nhật, dưới đáy lót gạch còn xung quanh được nẹp ván kín kẽ để đổ vôi cùng nước nhớt vào đó. “Đạo cụ” là khoảng hai chục cái chày gỗ đủ cỡ tay cầm. Chú còn mượn được chiếc đèn măng sông từ trên phố huyện về thắp sáng choang cả khu vườn. Chú nhờ người đánh tiếng mời các “bọn anh bọn chị” trong các vùng lân cận đến tham gia hội hát. Trong suốt ba đêm liền, số người hưởng ứng đêm nào cũng khá đông bởi đây là một dịp hiếm hoi để các “nghệ sĩ” làng quê trổ tài. Thời ấy không mấy khi có nhà nào như chú tôi đủ sức xây nhà ngói, hơn nữa còn hào hiệp tổ chức hát giã vôi. Cho nên trong những đêm đó, già trẻ trong làng đều háo hức kéo đến xem. Những bà mẹ cần mẫn còn bưng theo mỗi người một rổ đậu phụng để vừa ngồi nghe hát vừa tranh thủ lột đậu. Còn bọn lóc nhóc như chúng tôi thì có dịp tranh nhau trèo lên mấy nhành ổi quanh sân, vừa gặm ổi già vừa “hụi hò” lao nhao theo đám hát. Mỗi tối, thím tôi nấu một rổ khoai lang, một khay muối đậu và một nồi nước chè đặc để “bọn hát” ăn khuya. Có đứa mau miệng lẹ tay còn được mấy dì giúi cho vài củ.
Vào cuộc hát
Vào cuộc hát, các “bọn anh bọn chị” vừa cầm chày giã xuống hố vôi vừa chuyển động quanh miệng hố một cách nhịp nhàng. Cuộc hát được khởi động với bài Hò giã vôi quen thuộc:
(Xướng): Bớ hô bớ hụi/ (Xô): Bớ... ơ hụi
Xít hụi hò khoan/ Hụi... là khoan
Lửa cháy núi lan/ Hụi... là khoan
A ngó... lên/ Hụi... là khoan
Lửa cháy núi lan/ Hụi... là khoan
Đôi ta mà thủng thỉnh/ Là hố... ô khoan
A lửa... tàn/ Hụi... là khoan
Chớ lửa tàn hãy hay/ Hụi...là khoan, xít hụi là hò khoan.
Tiếp theo là giọng một bà dì bà thím nào đó cất lên với bài Hò nện xứ Huế ngọt lự nhưng lại “chuyển âm” sang giọng Quảng ngang phè. Lúc này tiếng hát “xô” tập thể hòa trong tiếng chày thình thịch mỗi lúc một dồn dập hơn:
(Xướng): Chớ ai đời/ (Xô): Là hù là khoan
Lợp miễu mà thiếu tranh/ Là hù là khoan
Lợp đình thiếu ngói/ Là hù là khoan
Chớ xây thành mà thiếu vôi/ Là hù là khoan ơi khoan hụi hò khoan.
Hết khoan rồi sang hụi/ Là hù là khoan
Hết hụi rồi lại khoan/ Là hù là khoan
Chớ khoan rằng/ Là hù là khoan
Khoan tới mà lui khoan lui/ Là hù là khoan
Chớ khoan anh mà chưa vợ/ Là hù là khoan
Khoan tui chồng chưa chồng/ Là hù là khoan ơi khoan hụi hò khoan.
Đến đây, các “bọn anh bọn chị” dường như đã “ngấm men”, càng lúc càng tỏ ra bạo dạn, phấn khích hơn. Hai nhóm hát ở hai miệng hố vôi tự động chia thành hai phe đối đáp, trêu chọc lẫn nhau. Họ lục lọi trong trí nhớ những câu hát “tủ” hoặc “bắt quờ” một vài câu vừa nghĩ ra được. Tuy nhiên, chỉ đến khi chú Bảy Quản và cô Tư Nghi “xuất chiêu” thì không gian đêm hát giã vôi mới đạt tới đỉnh điểm của cuộc vui. Cứ sau mỗi câu hát, trong đám khán giả quanh sân lại rộ lên tiếng vỗ tay cùng lời bình phẩm. Cả hai “bọn anh, bọn chị” này đều là người trong làng nhưng cứ thấy mặt nhau là buông lời châm chọc bằng những câu hiểm hóc, kể cả trong ngày thường. Bảy Quản là thợ mộc kiêm luôn nghề đan đát. Tư Nghi chuyên buôn bán cá đồng. Ở hố bên này, chú Bảy Quản nhìn sang hố bên kia thấy cô Tư Nghi vừa cầm chày bước vô liền ướm thử bằng một bài “hò dùi” đầy thách thức. Bên kia cô Tư Nghi cũng đốp chát lại bằng những những câu sắc lẻm. Tập thể hai bên vừa nện chày vừa phụ họa nhịp nhàng bằng câu “xô” quen thuộc:
Bảy Quản: Bớ cô Bốn ơi! Chớ tui đây nào phải là hư trai hư
Chớ tui đan(2) được, tui đát(2) đặng, tui lận(2) chừ coi cô coi
Lận rồi, tui chận(2), tui lột(2) mà hoi hẳn hoi
Ở trên thì tui rấn xuống, từ ngoài tui vô đè vô
Nói ra thời sợ mất cô lòng cô
Chớ ngó quanh mủng cái mủng, chỗ mô tui dùi cũng dùi.
(Xô) Hụi... là khoan hố khoan.
Tư Nghi: Liệu bề đát đặng đan thì đan
Chớ đừng có gầy ra rồi bỏ đó, thế gian mà cười chê cười.
(Xô) Hụi... là khoan hố khoan.
Bảy Quản: Bớ cô em buôn cá là đàng chợ đàng
Còn con là con cá giếc hai mang là bầm tím bầm
Qua thương thời qua trả là trăm một trăm
Làm cao mà cao không bán, về hầm là heo cho heo.
(Xô) Hụi... là khoan là hố khoan
Tư Nghi: Hỡi anh đục cột mà kèo đục kèo
Chàng cùn mà đục(2) mẻ, cái máng heo cũng càng đục càng
Số chàng đâu được mà sang giàu sang
Về mài chàng rửa đục, đục cái bàn mang(3) ăn đời đủ đời.
(Xô) Hụi... là khoan là hố khoan
Bảy Quản: Chàng cùn đục mẻ thôi thì thôi
Qua giắt thêm cái cần trảy(4) gặp thời thì câu qua câu
Em mua, qua bán con tràu cá tràu
Về lo mà lo nấu cháo chớ để lâu mà thèm thấy thèm.
(Xô)Hụi... là khoan là hố khoan.
Tư Nghi: Thèm thời thèm chả với nem thèm nem
Thèm chi mà con cá giếc của em mà hoài thèm hoài
Ngày ngày dòm dỏ mà oai ngó oai
Con cá em em giữ, mặc ai là mò rình mò.
(Xô) Hụi... là khoan là hố khoan.
Cứ thế, càng về khuya cuộc hát càng trở nên “kịch liệt” như một cuộc chiến không khoan nhượng. Tất cả trí thông minh, óc khôi hài dí dỏm đều được tận dụng tối đa để châm chọc, thử tài nhau. Cứ sau khoảng vài tiếng đồng hồ, khi thấy vôi dưới hố đã nhuyễn, người nhà lại thay mẻ vôi khác. Lúc đó các bọn anh bọn chị mới gác chày, xúm quanh rổ khoai và nồi nước chè, nói cười hỉ hả. Câu chuyện của họ lúc này lại xoay qua việc đồng áng. Những đêm sau còn xuất hiện thêm nhiều “bọn anh bọn chị” từ các làng xa cũng đến tham gia. Những khán giả nhiệt thành như mẹ tôi có thể nhận diện ra những cặp hát đối cừ khôi nổi tiếng khắp vùng như Sáu Rửa và Mười Cò ở Mù U, Chợ Được; Cửu Điêu và Trần Hàn ở Vinh Huy, Đông Phú... Riêng tôi, mặc dù không thể nào nhớ hết các câu hát, nhưng cái không gian đêm hát giã vôi lần đó đã khảm vào ký ức như một giấc mơ lấp lánh mà cho đến bây giờ tôi vẫn có thể hình dung lại được.
_________________________
(1) Lò thổi vôi: Ngày xưa, vỏ ngao sò được khai thác từ đáy sông Trường Giang, đưa về cho vào lò nung để chất hữu cơ phân hủy hết mới thành vôi sống nguyên chất.
(2) Đan, đát, lận, chận, lột: Các công đoạn của nghề đan thúng mủng.
(3) Chàng, đục: Là những dụng cụ trong nghề thợ mộc.
(4) Bàn mang: Phần gỗ phình ra hai bên đầu kèo. Ờ đây được dùng theo nghĩa bóng.
(5) Trảy: Cây thuộc học tre, trúc.
PHAN VĂN MINH