Ngày xuân, kể chuyện hát hò khoan

NGUYỄN HẢI TRIỀU 31/12/2019 13:04

Hò khoan Quảng Nam là một hình thức hát giao duyên nam nữ của người xưa. Các cuộc hát hò khoan là dịp để trai gái giải bày tâm trạng, thể hiện trí thông minh, tài năng của mình. Hò khoan như một “đặc sản văn hóa” của Quảng Nam, vì giá trị những câu hát của người xưa để lại như những tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều màu sắc.

Ngày xưa, hát hò khoan trên quê tôi - một làng quê phía tây Đại Lộc, có khi diễn ra trên biền dâu, nương bắp, trên chuyến đò ngang, hay giữa đồng lúa mùa cấy, mùa gặt. Nhưng phong phú nhất vẫn là những cuộc hát giữa trai gái trong làng, hoặc làng này đến hát với làng khác nhân một buổi đập bắp, lặt đậu, có khi những đêm trăng sáng vụ mùa rảnh rang.

Nếu trong tuồng cổ hay kịch dân ca, khi hát phải có lớp, có làn điệu,  diễn giải những mâu thuẫn, xung đột… thì mỗi cuộc hò khoan cũng có nguyên tắc, bài bản riêng của nó.

Đầu tiên, khi đến địa điểm đã được hẹn trước, đôi bên nam nữ chào nhau bằng những câu hát mở đầu. Có rất nhiều câu hát “chào” tinh tế, ý nhị, lịch sự:

Vô đây bớ bạn vô đây

Trầu cau ta đãi ghế mây bạn ngồi…

…Tối trời em chẳng biết chào ai

Chào chung một tiếng sáng mai hãy nhìn!

Sau khi chào hỏi để biết nhau rồi, họ ăn trầu hút thuốc, hỏi thăm và trổ tài bằng những câu hát đố. Hát đố có nhiều cách, nhiều ý tứ vô cùng phong phú. Khi thì đố chữ, nghĩa, sự vật, đố nói lái kiểu đảo ngữ Quảng Nam… để thử tài thông minh ứng xử. Câu khó mà trả lời được thì nể phục nhau, gây sự cảm mến tâm tình; còn nếu trả lời chưa được thì hát “hẹn”, hát khất lại hôm sau, ví như có những câu hát đố:

Bên nam đố:

Tiếng đồn cô Bốn hát hay

Hỏi xem cô Bốn cối xay có mấy niềng?

Bên nữ trả lời:

Cối xay có hai mươi bốn cái niềng

Em hỏi lại anh thử ông kiềng có mấy chân?

Tùy theo sự thông minh và mức độ linh hoạt của người hát mà họ có những câu đố, cách đố khác nhau. Nhiều khi trả lời sai ý tứ hoặc không trả lời được thì diễn biến của cuộc hát sẽ bằng những câu hát “xạo” để chọc ghẹo. Hát xạo thường là mượn hình ảnh này để nói sự việc kia, ý tứ đôi khi dung tục nhưng dí dỏm, thông minh. Nếu cuộc chơi dẫn đến hát xạo là đổ vỡ, mất vui, cay cú hơn thua.

Thường khi đến độ như vậy, phải có một người đứng ra can ngăn cho bớt căng thẳng:

Chuồn chuồn đậu ngọn roi cày

Cô mô hát xạo tôi quất quay mòng mòng…

Cuộc hát sẽ trở lại không khí vui vẻ ban đầu và tiếp tục các phần hát mới như hát hỏi thăm, hát “kết”:

Người dưng ơi hỡi người dưng

Hát chi thì hát chớ đừng hát kết duyên!

Hát kết là những câu hát nhân ngãi chan chứa tình cảm ngọt ngào. Người ta phân ra từng cặp để hát. Thường câu hát nhân ngãi có bài bản sẵn, độ ví von cao, đậm đà chân chất, ước hẹn một tình cảm đằm thắm, chân thành:

Ví dầu cổ cắt đầu bêu

Đi ngang qua ngõ cũng kêu ớ chàng

Hai tay em cầm bốn lượng vàng

Phụ mẫu biểu bỏ thì em bỏ chứ ngãi chàng em không

Ví dầu đan rọ thả sông

Trôi lên trôi xuống thiếp cũng không bỏ chàng

Ví dầu tới huyện tới quan

Lỗi em thì em chịu, lỗi chàng em xin…

Đôi khi trong câu hát họ lại thầm trách móc người thương:

Qua cầu cầu yếu ta nương

Chầu rày biết bạn không thương ta rồi

Bạn không thương ta nữa thì thôi

Bao nhiêu nhân ngãi bạn bồi cho ta…

Cuộc hò khoan đến đoạn nhân ngãi là đã chín muồi. Sau đó người ta còn hát “hẹn”, hát “chia” và trao nhau miếng trầu, điếu thuốc làm vui, ước vọng những ngày tới tốt đẹp.

Tôi nghe mẹ kể, ngày còn nhỏ, mẹ hay được ngoại dẫn đi xem những đêm hát hò khoan của nam thanh nữ tú trong làng. Nhờ được xem, được nghe nhiều lần nên mẹ tôi thuộc rất nhiều câu hát. Bà bảo bây giờ những người hát hay, hát giỏi ngày ấy đều đã thành người thiên cổ cả rồi, vài ba người còn sống thì đã già yếu, không còn đủ minh mẫn để nhớ lại những câu hát xưa. Riêng mẹ biết tôi là người đam mê sưu tầm hò khoan, nên mỗi lần về quê thì thường kể tôi nghe hoặc đọc cho tôi chép những câu hát mà bà bất chợt nhớ lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày xuân, kể chuyện hát hò khoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO