(QNO) - Hội "tà - moòi" của đồng bào Cơ Tu thường diễn ra trong thời điểm trước hoặc sau Tết Nguyên đán, với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang giá trị ý nghĩa rất độc đáo.
Không gian ấm cúng giữa hai bên gia đình thông gia được diễn ra trong hội "tà - moòi", tr'záo. |
Theo già làng Y Kông (ở thôn Coói, xã Ba, huyện Đông Giang), trong đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu, hội “tà - moòi” luôn được xem như một tập tục truyền thống được đồng bào Cơ Tu gìn giữ từ lâu đời. Tùy theo vùng đất sinh sống của đồng bào Cơ Tu mà tập tục này còn có các tên gọi khác nhau như: tục tr’záo, r’záo hay vội r’hay.
Ông Palăng Bưng - Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Giang cho hay, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đời sống nên hội “tà - moòi” của đồng bào Cơ Tu có thể diễn ra vào thời điểm trước hoặc sau Tết Nguyên đán. Bởi đây là thời điểm đồng bào đã thu hoạch xong lúa mùa, cùng với tiết trời mùa xuân ấm áp, thích hợp cho việc thăm viếng nhau. “Đây là hoạt động thường niên được đồng bào Cơ Tu duy trì nhằm mục đích thăm hỏi giữa cha mẹ với con gái hoặc anh/em trai với chị/em gái đã đi lấy chồng xa. Ngoài tạo sự gắn kết bền chặt giữa hai nhà thông gia, tập tục này còn thể hiện tình thương của cha mẹ với con gái, cũng như tình cảm giữa các anh,em cô dâu với anh,em rể và gia đình nhà trai”, ông Bưng cho biết thêm.
Ngày nay, do điều kiện giao thông đảm bảo, người Cơ Tu đi "tà - moòi" bằng xe máy và có thể trở về trong ngày. |
Theo phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trước khi vào hội “tà - moòi”, gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị một số món quà để tặng cho gia đình nhà trai. Đó có thể là ché rượu cần, nếp xôi, xà - lùng thổ cẩm, cùng những món ẩm thực truyền thống khác như: cá suối, thịt gà, vịt… Tùy theo điều kiện của nhà trai, hoặc khoảng cách giữa hai nhà thông gia xa hay gần mà đoàn nhà gái có thể ở lại nhà trai hoặc về trong ngày. Nhưng thông thường, rất ít khi gia đình nhà trai để đoàn nhà gái trở về trong ngày, bởi họ muốn tạo không gian đoàn tụ đầu năm.
Một số quà tặng của nhà gái cho nhà trai. |
Theo đó, lễ đáp của gia đình nhà trai bao gồm thịt heo, bánh kẹo, trà, chiếu…, thể hiện tình cảm đôi bên gia đình luôn tốt đẹp, bền chặt. Tuy nhiên, nếu trường hợp hoàn cảnh nhà trai quá khó khăn, không lo nổi phần lễ tiếp đón chu đáo cho nhà gái thì nhà trai sẽ mang toàn bộ món quà của nhà gái mang đến để tặng lại cho nhà chị hoặc em gái của mình với mục đích “xin” hỗ trợ tiếp đón giúp cho nhà gái (người Cơ Tu gọi đó là víh ch’na). Còn nếu nhà trai có đủ điều kiện để đáp trả lễ nghĩa thì sau đó vẫn đem một phần quà này sang nhà chị hoặc em gái của mình để báo tin, cũng như chia sẻ theo phong tục truyền thống.
Ché cũng có thể là món quà đáp lễ của nhà trai tặng cho nhà gái trong tục tr 'záo. |
Ngày xuân, nếu có dịp đến với đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, du khách sẽ thích thú cùng được trải nghiệm với nét văn hóa độc đáo trong tục đi “tà - moòi”, tr'záo. Một không gian văn hóa truyền thống với nói lý - hát lý sẽ được đồng bào thể hiện thâu đêm, ấm nồng cùng men say của rượu cần, rượu tà vạt, tr’đin cùng sắc xuân.
ĐĂNG NGUYÊN