Với thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay, được gặp và nghe bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, người con của quê hương Quảng Nam kể về giây phút lịch sử ký Hiệp định Paris như được hòa vào niềm vui, hạnh phúc dân tộc Việt Nam hơn 40 năm trước. Giọng nói trầm ấm, bà kể lại giai đoạn lịch sử gian truân, cam go đàm phán tại Paris. Vào năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập thì bà được cử làm Ủy viên Trung ương Mặt trận phụ trách về đối ngoại. Trong giai đoạn 1962 đến 1967, bà tham gia nhiều hoạt động đối ngoại. “Năm 1968, các đồng chí lãnh đạo đã quyết định cử tôi tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Paris với tư cách Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bản thân tôi thấy rất vinh dự, song cũng đầy lo lắng vì đây là một nhiệm vụ, trọng trách nặng nề. Song tôi suy nghĩ mình phải quyết tâm, phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ cấp trên giao” - bà Bình nói. Bà cũng chia sẻ rằng, trong gần 5 năm (1968 - 1973), các cuộc đàm phán tiến đến ký kết Hiệp định Paris trở thành sự kiện tâm điểm thu hút sự quan tâm của các quốc gia, nhiều hãng thông tấn quốc tế. Riêng trên cột 1 của tờ New York Times (Mỹ), trong 10 năm liền chỉ nói về Việt Nam; các kênh truyền hình của thế giới đã ghi hình và phát rộng rãi trong vòng gần 5 năm các cuộc đàm phán diễn ra vào thứ 5 hàng tuần. Bà Bình và các thành viên tham gia đàm phán đã trở thành những gương mặt quen thuộc với bạn bè quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước cùng tác giả. |
Ngày 27.1.1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, bà Nguyễn Thị Bình - đại diện đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và ông Nguyễn Duy Trinh - đại diện đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa; ông Williams Rogers - đại diện cho Hoa Kỳ và ông Trần Văn Lắm - đại diện chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chính thức ký Hiệp định Paris và các nghị định thư liên quan về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam sau gần 5 năm đàm phán. “Tại thời điểm đó, tôi cảm thấy rất xúc động vì đã được thay mặt cho nhân dân miền Nam Việt Nam ký vào một văn kiện lịch sử”- bà Bình xúc động nói.
Cũng theo bà Bình, kết quả trên có sự đóng góp xương máu của đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc kéo dài gần 20 năm; có sự ủng hộ của hàng triệu bạn bè quốc tế nhờ giới truyền thông kêu gọi. Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam, tiến hành trên 3 mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Đây cũng là thắng lợi của tất cả những ai trên thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mùa xuân 1975.
XUÂN NGHĨA