Càng cận tết, các lò bánh tráng lại hoạt động hết công suất, nhiều lao động địa phương vì thế cũng có thêm thu nhập.
Bình thường dây chuyền làm bánh tráng của anh Trần Cảnh Đức ở thôn 9 (xã Điện Minh, Điện Bàn) chỉ hoạt động trong những ngày trời nắng, vừa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Riêng những ngày này lò tráng bánh của anh phải hoạt động hết công suất, bất kể trời nắng hay mưa để kịp phục vụ nhu cầu đang bắt đầu tăng cao của người tiêu dùng. Anh Đức cho biết, tráng bánh là nghề truyền thống của gia đình. Khi di cư vào Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), cha mẹ anh tráng bánh bằng phương pháp thủ công. Sau đó, gia đình nghiên cứu đầu tư máy móc để tráng bánh bằng dây chuyền công nghệ hiện đại và xuất khẩu sang Nhật. Anh Đức cùng anh ruột là Trần Cảnh Hiệp quay về quê nhà ở Điện Minh tiếp tục theo nghề truyền thống của cha ông. Anh cho biết, hiện nay ở Điện Minh còn có nhiều gia đình đầu tư máy móc, sản xuất bánh tráng trên dây chuyền máy móc.
Phơi bánh. |
Để có được một cơ sở làm bánh tráng quy mô lớn, “có vóc dáng công nghiệp”, anh Đức đã đầu tư 500 triệu đồng mua dây chuyền tráng bánh từ Thái Lan. Tuy tráng bánh bằng công nghệ hiện đại nhưng để bánh mỏng đều, dẻo và không cần nhúng nước khi dùng, phải có một chút bí quyết gia truyền và không phải ai cũng làm được. Có lần, một doanh nhân Nhật Bản trong chuyến du lịch dọc đường di sản, thấy bánh tráng phơi trên những tấm vỉ tre trông rất bắt mắt đã dừng lại tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu sang Nhật. Tuy nhiên, do chưa đủ kinh phí đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, sản phẩm bánh tráng của anh mới chỉ đủ cung ứng cho thị trường quen thuộc là Hội An và Đà Nẵng nên anh Đức chưa dám nhận lời.
Mỗi ngày lò bánh của anh Đức sử dụng khoảng 1 tạ gạo, thường xuyên có 10 nhân công đảm nhận việc phơi hoặc sấy (khi trời mưa) và ủ bánh. Anh Đức cho biết, mỗi ngày chi phí cho nguyên liệu, nhân công... hết khoảng 3 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh thu về trên dưới 500 nghìn đồng tiền lãi. “Tiền lãi tuy không nhiều nhưng quan trọng là tôi đã giữ được nghề truyền thống của gia đình và tạo việc làm cho các phụ nữ ở trong thôn” - anh nói. Riêng lò của anh Trần Cảnh Hiệp (cùng địa phương với anh Đức) tráng khoảng 1,5 tạ gạo mỗi ngày, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 người. Các lò khác trên địa bàn xã Điện Minh có công suất thấp hơn, mỗi ngày tráng khoảng 5 - 7 chục ký gạo.
Hiện ở Điện Minh có không dưới 50 lao động có việc làm thường xuyên từ nghề tráng bánh. Lao động nông nghiệp ở đây nhờ vậy mà thoát khỏi cảnh ăn không ngồi rồi trong lúc nông nhàn, lại có thêm thu nhập khá ổn định. Chị Hạnh, người làm công tại lò anh Đức mấy năm nay cho biết, ngày thường các chị làm khoảng 8 giờ cũng như công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp. Riêng những những ngày cao điểm, phải tăng ca từ 4 giờ sáng đến 9 giờ đêm. Tuy mệt nhưng bù lại được anh Đức trả tiền công gấp đôi. Chị Hoa, một nhân công khác, vừa phơi bánh vừa vui vẻ tâm sự: “Ở quê mà chúng tôi có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định 70 nghìn đồng/ngày sau khi cơm nước như vậy là quý lắm”.
CHÂU NỮ - KIM OANH