Những người đo đạc ở Trạm thủy văn Nông Sơn (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) vẫn thầm lặng hàng ngày miệt mài bên những thống kê, số liệu để dự báo những biến cố, đổi thay từ thiên nhiên.
Anh Nguyễn Huy Hoàng tỉ mẩn theo dõi các thông số ở bảng theo dõi mực nước. ảnh: Q. Tuấn |
Sau những cung đường vòng vèo, hun hút là Trạm thủy văn Nông Sơn. Trạm trưởng Nguyễn Huy Hoàng (quê huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đang chuẩn bị đồ đạc để ngày mai xuống TP.Tam Kỳ dự lễ kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới vào cuối tháng 3 vừa qua. Anh Hoàng khoe, một năm mới có dịp hiếm hoi xuống thành phố nên cũng sẽ tranh thủ thăm thú phố xá một chút rồi trở lại với công việc đời thường. Khoảng cách từ trạm xuống khu dân cư cũng hơn 1km khiến không gian nơi đây càng thêm vắng vẻ. Ở trạm, ngoài anh Hoàng đã có vợ đồng thời cũng công tác tại đây thì ba người còn lại dù đã ngấp nghé tuổi 30 nhưng vẫn chưa lập gia đình một phần bởi môi trường ít khi tiếp xúc với bên ngoài.
Đây là một trong hai trạm khí tượng cấp một của tỉnh cùng với Trạm thủy văn Thành Mỹ (huyện Nam Giang) nhưng điều kiện công việc còn gian nan và khó khăn hơn bội phần. Thông thường, vào mùa khô khi thời tiết ổn định các nhân viên trong trạm sẽ thực hiện quan trắc từ 4 đến 8 lần/ngày; còn vào mùa mưa thì phải túc trực 24/24 giờ. Chính vì thế, mỗi năm dù mỗi người đều được hưởng một kỳ nghỉ dài khoảng nửa tháng nhưng đều tranh thủ chia nhau nghỉ trong mùa nắng để đến bốn tháng mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12) phải hội tụ đủ quân số không rời khỏi trạm dù chỉ một ngày. Theo anh Nguyễn Văn Thắng, 28 tuổi quê ở Thanh Hóa, vào mùa nắng, công việc có phần nhàn nhã hơn một chút nhưng do sự biến đổi khí hậu nên anh em trong trạm phải đề cao cảnh giác hơn rất nhiều. Dù ngồi trên trạm nhưng mọi người vẫn thường xuyên hướng mắt về phía dòng sông, chỉ cần ước đoán thấy mực nước đã dao động lên khoảng 50cm thì phải tiến hành báo động và theo dõi ngay. Nhờ đó, cơn lũ trái mùa bất thường vào cuối tháng 3 năm ngoái đã được theo dõi, cảnh báo sớm và hạn chế thiệt hại đi một phần.
Ở đây, mọi người đều biết bơi và có thể lặn sâu 5 đến 6 mét để hoàn thành tốt công việc. Đã bước vào nghề này phải chấp nhận sống chung với lũ, năm nào trạm cũng có vài ba ngày bị cô lập giữa biển nước mênh mông. Vì thế, cứ đến mùa mưa mọi người lại chuẩn bị sẵn cá khô, trứng, mì tôm, lương thực để sẵn sàng ứng phó với các trường hợp bất ngờ. Trạm cũng thường xuyên thành điểm dừng chân của các em học sinh hoặc người dân bị mắc kẹt giao thông trong mùa lũ bởi con nước ở đây lên rất nhanh buổi sáng còn tạnh ráo sinh hoạt bình thường thì đến trưa đã lênh láng nước cả một vùng.
Năm con người ở đây đến từ các vùng đất khác nhau nhưng đều tựu trung một niềm say mê với công việc khá nhọc nhằn này. Đến mùa mưa, đặc biệt là lúc đối mặt với những cơn lũ mỗi họ phải vững tâm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Như cơn lũ năm 2009, anh Hoàng cùng ông Nguyễn Lành (thôn Trung Thượng, xã Quế Trung) nay đã nghỉ hưu ra giữa sông để đo mực đỉnh lũ giữa lúc con nước đang cực kỳ hung hãn. Sóng nước thúc liên tục khiến thuyền chòng chành, chao đảo còn người nhà ông Lành kéo nhau ra đứng trên bờ la hét bảo hai người dừng đo lên bờ bởi quá nguy hiểm. Tất nhiên, bất chấp mọi hiểm nguy khi đã lấy được các thông số để kịp gửi về Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ họ mới quay vào bờ.
Đến thời điểm hiện tại, anh Hoàng đã có thâm niên bảy năm công tác tại trạm, các thành viên còn lại mới chỉ đến đây một, hai năm và không biết có đủ sự kiên trì để theo đuổi công việc hay không. Trạm thủy văn Nông Sơn thường xuyên chứng kiến những người đến rồi đi bởi không chịu áp lực và môi trường làm việc khắc nghiệt tại đây. Với anh Hoàng, mỗi lần xuống con nước điều trước tiên là lo làm sao để thiết bị đo khí tượng được an toàn, bởi nếu không may vướng phải những khúc gỗ to trôi theo con lũ từ thượng nguồn xuống thì phải cắt bỏ máy, có khi tình huống xấu hơn phải vứt bỏ thuyền trị giá khoảng một tỷ đồng để giữ tính mạng con người thì rất xót.
Trước kia, thời ở thượng nguồn còn đào vàng trái phép tràn lan, dòng nước mùa khô cũng đục ngầu và ngập ngụa chất cyanua khiến nhiều người trong trạm ngứa ngáy do lội nước nhiều thậm chí còn bị ghẻ nhọt. Đến nỗi một cán bộ ở Trạm khí tượng thủy văn quốc gia vào công tác kiểm tra cách đây vài năm từng phải thốt lên “Sao mà sống được ở đây lâu thế?”. Chẳng sao cả, cuộc sống và công việc của những con người nơi đây vẫn tiếp diễn như vòng quay đều đặn hàng ngày. Cơn mưa, hơi ẩm, con nước, sóng gió và căn phòng công vụ 15 mét vuông như là tri kỷ của họ.
QUỐC TUẤN