Một số địa phương có thế mạnh về biển, nhưng số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ giảm dần, chưa kích thích ngư dân đầu tư phương tiện mới, trong khi đó, nhiều chủ tàu đang gặp khó khăn trong tìm kiếm lao động.
Cảng cá An Hòa (Núi Thành) chiều cuối đông hiu hắt, không còn cảnh rộn rịp tàu thuyền ra vào bờ như mọi năm. Dưới tàu có vài thanh niên đang sơn lại màu gỗ, “làm nước” sửa chữa tàu. Nhiều ngư dân đang sửa chữa lại gian đà trên tàu câu mực khơi cho biết, không phải vì sợ gió bão, mực ít ăn mồi mà lý do chính là giá quá rẻ, giảm gần một nửa so với năm 2012 nên ngư dân “nhác” vươn khơi. Thời điểm này trước đây có ít nhất 10 tàu câu mực ở Tam Giang ra khơi, còn năm nay hầu như các tàu “nghỉ đông” hết. Chủ tàu Lương Tấn Xị (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) cho biết: “Giá mực rớt xuống dưới 70 nghìn đồng/kg, trong khi hồi năm ngoái 120 nghìn đồng/kg nên rất nhiều chủ phương tiện chưa mặn mà ra khơi. Thông thường, ngư dân “hốt bạc” trong chuyến đánh bắt trước và trong tết, nhưng năm nay ai cũng chờ ăn tết xong mới xuất hành”.
Nhiều tàu thuyền “nghỉ đông” khá lâu ở cảng cá An Hòa. Ảnh: H.PHÚC |
Giảm phương tiện đánh bắt
Ông Ngô Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Tam Giang nói, sản lượng khai thác hải sản của địa phương chiếm gần 2/3 tổng sản lượng của toàn huyện. Dấu hiệu không được vui với xã là giảm nhiều phương tiện đánh bắt. Cụ thể, năm 2013 chỉ có 43 chiếc tàu câu mực xà, giảm 10 chiếc so với năm 2012. Phương tiện nghề lưới vây cũng giảm 6 chiếc. “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm số lượng tàu thuyền đánh bắt là do giá sản phẩm thấp, ngư dân đành chấp nhận thanh lý phương tiện hoặc chuyển đổi ngành nghề khác” - ông Thống giải thích. Tại các xã Bình Minh, Bình Dương (Thăng Bình), các xã Duy Hải, Duy Vinh (Duy Xuyên) ngư dân cũng đã dịch chuyển ngành nghề khai thác sang tiêu thụ, hậu cần chế biến hải sản. Tại xã Duy Hải có 18 phương tiện trước đây trực tiếp vươn khơi thì nay đã hoàn toàn chuyển sang dịch vụ thu mua hải sản trên biển. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương – ông Phan Phước Sơn, hơn 5 năm nay, dù Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân hoán đổi, đóng tàu mới, nhưng địa phương chỉ vỏn vẹn 15 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài lý do giá hải sản giảm mạnh, hai năm trở lại đây ngư dân rất “sợ” đóng mới tàu, bởi thủ tục đăng kiểm rườm rà. Việc “sát hạch” hành nghề ở các cơ sở đóng tàu công suất lớn ở Quảng Nam rất khắt khe. Nhiều doanh nghiệp đóng tàu phân trần, vì chờ đợi thời gian phê duyệt thiết kế tàu, cơ quan đăng kiểm thẩm định quá lâu nên ngư dân rất “sợ” thủ tục hành chính. Nghịch lý là tại Quảng Nam chưa có đơn vị tư vấn thiết kế tàu, phải ra Đà Nẵng hay vào tận Nha Trang. Để đóng con tàu 250CV trở lên, chủ tàu phải mang hồ sơ giấy tờ đến nhiều cơ quan mới mong đến ngày tàu “xuống nước”. Thực tế, thời gian qua, có hàng chục phương tiện tàu thuyền công suất lớn phải đặt hàng đóng mới ngoài địa bàn tỉnh.
Ngư dân xã Tam Giang sơn lại be tàu. |
Thiếu hụt nguồn lao động biển
Chính quyền xã Tam Giang khẳng định, thời gian qua một trở lực không nhỏ của nghề khai thác thủy sản là thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động. Do đặc thù của nghề biển đòi hỏi nguồn lao động trẻ, khỏe, có kinh nghiệm đánh bắt trên biển nên trước khi vào mùa đánh bắt mới, các chủ tàu chạy đôn cháy đáo tìm bạn câu. Ông Ngô Văn Thống cho hay, có nhiều phương tiện thiếu lao động vẫn ra khơi, cá biệt xuất hiện tình trạng tranh giành lao động ở các chủ tàu. Năm 2013, xã có 1.794 lao động trực tiếp tham gia đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, vất vả nhất vẫn là tìm lao động câu mực khơi.
Hơn tháng nay, nhiều chủ tàu ở xã Tam Giang đã lặn lội khắp nơi, thậm chí lên cả vùng trung du tìm lao động. Để chủ động có bạn câu cho mùa đánh bắt mới, không ít chủ phương tiện sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng tạm ứng cho ngư dân mua sắm tết. Bà Trần Thị Thúy - vợ của chủ tàu Lương Tấn Xị (xã Tam Giang) chia sẻ: “Thời buổi này tìm bạn câu khổ không chi bằng. Nhiều người có tay nghề giỏi dành dụm được ít tiền ở các mùa biển trước đã bỏ biển chuyển đổi qua ngành nghề khác. Có lúc thiếu bạn câu, tôi đành huy động cả những lao động không có kinh nghiệm với nghề sóng gió”. Ông Trương Công Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh (Thăng Bình) cho biết thêm: “Gần bước vào vụ đánh bắt chính trong năm, nhiều chủ tàu tận Đà Nẵng hay ở các huyện trong tỉnh đã đến địa phương tìm bạn câu, nhưng quả thật chúng tôi không đáp ứng nổi. Việc ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang các loại hình dịch vụ, kinh doanh khác cũng gây khó cho nghề khơi trong tìm kiếm lao động”.
TRẦN HỮU