Nghề biển ở vùng đông Thăng Bình

NGUYỄN QUANG VIỆT 07/04/2015 09:39

Khai thông tiềm năng, kết hợp lợi thế với các cơ chế hỗ trợ, nhờ thế kinh tế biển phát triển mạnh ở vùng đông huyện Thăng Bình trong thời gian gần đây.

Chuyển biến mạnh mẽ

Những chuyến biển trong thời gian gần đây của ngư dân xã Bình Minh luôn thu được các mẻ cá đầy. Có được sản lượng khai thác cao là hệ quả của việc bám biển dài ngày, vừa tăng thời gian khai thác hải sản vừa tiết kiệm nhiên liệu. Khi giá thành sản xuất giảm xuống kết hợp với đầu ra sản phẩm ổn định hơn, tất nhiên hiệu quả kinh tế thu được cũng tăng lên. Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh khẳng định, kinh tế biển của địa phương phát triển mạnh mẽ, cả về lượng lẫn về chất, là nhờ động lực vươn khơi, sản xuất trên các vùng biển xa của ngư dân. Ai cũng phấn khích với các chuyến đánh bắt hải sản xa bờ. Nhiều chủ tàu mới vừa cập cảng đã vội vã huy động các “bạn” vươn khơi ngay. Nhiều chủ tàu khác lại bám biển dài ngày rồi bán sản phẩm ngay trên biển, tiếp tục sản xuất. Ông Bảy phân tích, khi mà động lực lớn của ngư dân cộng hưởng với tính tối ưu của cơ chế khuyến khích thì đội tàu sản xuất xa bờ ngày càng tăng lên. “Nhiều ngư dân trên địa bàn đã sở hữu được đội tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất hơn 500CV. Nếu so với khoảng 3 năm trở lại đây sẽ thấy khác biệt cả một trời một vực. Sự phát triển thể hiện ở chỗ, nếu như trước đây cả chục ngư dân góp vốn lại mới có thể mua được tàu cũ có công suất lớn để sản xuất xa bờ thì nay ngư dân đã huy động được vốn đối ứng hơn 1,5 tỷ đồng để tiếp cận cơ chế khuyến khích, đóng tàu công suất lớn” - ông Bảy nói.

Tàu cá của ngư dân Võ Hồng Nhân (xã Bình Minh) sắp sửa vươn khơi. Ảnh: Q.VIỆT
Tàu cá của ngư dân Võ Hồng Nhân (xã Bình Minh) sắp sửa vươn khơi. Ảnh: Q.VIỆT

Anh Võ Hồng Nhân (tổ 2, thôn Bình Tân, xã Bình Minh) là chủ của 2 chiếc tàu QNa 94529 có công suất 400CV và tàu QNa 94646 có công suất 720CV, hành nghề khai thác mực khơi. Trong đó, tàu tàu QNa 94646 có công suất 720CV có giá trị hơn 3 tỷ đồng được đóng mới từ vốn vay 1,5 tỷ đồng của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam. Ông Lê Đức Rý (tổ 3, thôn Bình Tân) cũng sở hữu 2 chiếc tàu có tổng công suất hơn 1.000CV, giải quyết việc làm cho hơn 70 lao động ở Bình Minh. Hai năm nay, hai chủ tàu cá này có nguồn thu hơn 2 tỷ đồng sau mỗi năm bám biển. Những ngày này, ngư dân Bùi Thảo (thôn 6, xã Bình Dương) khấp khởi vui mừng bởi con tàu vỏ gỗ có công suất máy chính 760CV đang được hoàn thiện. Anh Thảo hy vọng con tàu làm nghề lưới vây của mình sẽ vươn khơi sản xuất ở các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian ngắn nhất có thể. Ngư dân Nguyễn Trọng Vỹ cũng ở tại thôn 6, xã Bình Dương cũng thế. “Với nguồn vốn hơn 7 tỷ đồng huy động được, các tính năng vượt trội cần thiết của con tàu sẽ đáp ứng việc sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Bao nhiêu kỳ vọng của nghiệp biển đều được chúng tôi “bố trí” vào con tàu này” - anh Vỹ nói.

“Sân sau” hỗ trợ

Ngoài các xã Bình Minh và Bình Dương, Thăng Bình còn có 2 xã khác tham gia phát triển kinh tế biển là Bình Hải và Bình Nam. Cả huyện có khoảng 5.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực này. Trong số 580 tàu thuyền khai thác hải sản, có 117 tàu có công suất từ 90CV trở lên. Hoạt động khai thác hải sản lớn mạnh trong thời gian gần đây đã đem lại hàng trăm triệu đồng cho nhiều chủ tàu, các “bạn nghề” cũng được chia gần 100 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí sau một năm bám biển liên tục. Kinh tế biển của huyện Thăng Bình sẽ càng được phát triển hơn nếu như “sân sau” của nghề cá được đầu tư đồng bộ trong thời gian đến. Bởi hiện nay, dịch vụ hậu cần nghề cá của huyện chưa phát triển, thiếu quy hoạch, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác hải sản. Thăng Bình chưa có cảng cá lẫn khu neo đậu tàu cá trong khi chế biến hải sản chỉ mới dừng lại ở sơ chế. Bến cá duy nhất của Thăng Bình nằm ở thôn Tân An (Bình Minh) có quy mô quá nhỏ chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu buôn bán hải sản của vùng bãi ngang.

Từ nhu cầu bức thiết của việc giao thương hải sản, huyện Thăng Bình đang có kế hoạch mở rộng bến cá Tân An với diện tích 5ha. Ông Trương Công Bảy cho biết, chủ trương của huyện được triển khai trên thực tế sẽ thúc đẩy kinh tế biển phát triển thêm một tầm cao mới ở Bình Minh nói riêng, cả vùng đông Thăng Bình nói chung. Điều cần thiết nhất đối với ngư dân là tăng giá trị cho đầu ra sản phẩm, bởi họ liên tục bị đầu nậu, tư thương ép giá. Khi bến cá Tân An được mở rộng thì khu dịch vụ hậu cần nghề cá nằm trong bến cá sẽ được đầu tư. Tại đây sẽ có sự góp mặt của hợp tác xã nghề cá, trung tâm chế biến hải sản, các khu cung ứng ngư lưới cụ, xăng dầu, nhu yếu phẩm cũng như các kho đông lạnh, cơ sở sản xuất đá. Khi các doanh nghiệp vào đầu tư tại đây, đầu ra hải sản sẽ “thăng bằng” hơn. Cơ chế quản lý mới được hình thành tại bến cá Tân An sẽ “khép” lại các hiện tượng “bắt tay” ép giá ngư dân thay vào đó như ngư dân sẽ chủ động bán hải sản với giá phải chăng hơn.

Ông Cao Thành Phiện - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá sẽ được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã trong thời gian tới. Điều đó không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế biển mà còn đảm bảo an sinh xã hội. Quan trọng hơn là các chủ phương tiện khai thác hải sản sẽ bảo quản tàu cá tốt hơn khi vào neo đậu tại đây. Đồng thời, nhu cầu buôn bán hải sản của ngư dân sẽ có nhiều thuận lợi. Theo ông Phiện, địa điểm đầu tư sẽ là khu vực chợ Lạc Câu cũ (thôn 1, xã Bình Dương). Quy mô của dự án là 2ha, sức chứa sẽ là 70 tàu có công suất 90 - 400CV.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề biển ở vùng đông Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO