Nghề bóc vỏ cây ngô đồng

DUNG THÙY 25/11/2015 09:07

Nghề đan võng bằng vỏ cây ngô đồng đã có từ lâu ở Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An). Những năm gần đây, chiếc võng ngô đồng trở thành hình ảnh đặc trưng của đất và người xứ đảo. Nghề trở nên thịnh, kéo theo sự phát triển của nghề bóc vỏ cây ngô đồng.

Từ tờ mờ sáng, những người chuyên bóc vỏ cây ngô đồng ở Cù Lao Chàm đã mang theo thức ăn, nước uống cùng con dao, cái rựa vượt qua những cung đường dốc dài, rồi men theo đường mòn vào rừng, bám núi tìm kiếm cây ngô đồng. “Chúng tôi lựa chặt những cành ngô đồng vừa bằng cổ tay để tước lấy vỏ chứ không triệt hạ cây. Làm như thế để cây ngô đồng còn phát triển, sau này tiếp tục khai thác”- bà Hoàng Thị Á (48 tuổi, ở thôn Bãi Ông) cho hay.

Sau một ngày tìm kiếm, bà Nhất và bà Á (ở thôn Bãi Ông) kết vỏ cây ngô đồng thành bó rồi gánh về làng. Ảnh: DUNG THÙY
Sau một ngày tìm kiếm, bà Nhất và bà Á (ở thôn Bãi Ông) kết vỏ cây ngô đồng thành bó rồi gánh về làng. Ảnh: DUNG THÙY

Những người theo nghề bóc vỏ ngô đồng cho biết, cành ngô đồng được chặt ngắn thành từng khúc dài từ 40cm trở lên sau đó dùng cán dao quắm đập giập vỏ cây rồi lột ra khỏi thân, đem về bán cho người đan võng. Những lớp vỏ ấy sau khi mua về ngâm nước một tuần cho nát hết phần thịt, rồi vớt lên tước lớp vỏ mục cứng lấy lớp xơ màu trắng, đem phơi khô, tước nhỏ. Từ những xơ vỏ cây, người đan dùng đôi tay khéo léo xe chúng thành những sợi dài, rồi cần mẫn bện thành những chiếc võng chắc chắn, đẹp mắt.

“Chúng tôi lựa chặt những cành ngô đồng vừa bằng cổ tay để tước lấy vỏ chứ không triệt hạ cây. Làm như thế để cây ngô đồng còn phát triển, sau này tiếp tục khai thác”- bà Hoàng Thị Á (48 tuổi, ở thôn Bãi Ông) cho hay.

Thu nhập từ nghề bóc vỏ cây ngô đồng phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Đàn ông mỗi ngày có thể bóc bán 300 - 400 nghìn đồng. Còn những phụ nữ như bà Á chỉ kiếm được 100 - 200 nghìn đồng cho một ngày leo núi. Bà Trần Thị Nhất (48 tuổi, ở thôn Bãi Ông) vừa gánh 2 bó vỏ cây ngô đồng về làng vừa nói: “Thời gian gần đây, cây ngô đồng ngày càng khan hiếm. Cả ngày hôm nay chúng tôi lùng sục khắp cánh rừng cũng chỉ kiếm được một gánh này, bán được tầm 150 nghìn đồng. Một ngày đi như thế này, ngoài bóc vỏ ngô đồng, chúng tôi tranh thủ tìm rau rừng, lá rừng bán cho các nhà hàng và du khách, kiếm thêm thu nhập”.

Khách du lịch các nơi khi đến Cù Lao Chàm rất thích thú với chiếc võng được đan từ vỏ thân cây ngô đồng. Với đặc tính êm ái và mát khi nằm, du khách thường đặt mua võng cây ngô đồng về sử dụng và làm quà cho người thân. Một chiếc võng hoàn chỉnh đan trong vòng gần 2 tháng có giá 2,5 triệu đồng.
Ngoài làm dịch vụ du lịch, bóc vỏ cây ngô đồng được xem là nghề kiếm thêm thu nhập cho cư dân Cù Lao Chàm, nhất là đối với phụ nữ. Mỗi chiếc võng bền đẹp được làm ra không chỉ mang dấu ấn của những bàn tay khéo léo mà còn có công sức của những đôi chân băng rừng, leo núi để bóc vỏ cây ngô đồng.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ ngô đồng trong quá trình khai thác, bóc vỏ cây. Bởi, vỏ nhánh cây ngô đồng bằng cổ tay mới là nguyên liệu tốt nhất để đan loại võng này, thế nhưng cách đây không lâu, đã có đến 19 cây ngô đồng bị triệt hạ để chặt cành bóc vỏ.

DUNG THÙY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề bóc vỏ cây ngô đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO