Người Quảng, xưa có câu hát ru: “Cha mẹ ham ăn cá thu/ gả con xuống biển mù mù tăm tăm”. Gác qua bên những yếu tố tâm tình, chỉ nói cái nhìn về nghề cá đã thấy mù tăm trước sự mênh mông của biển cả. Nhưng đó là nghề cá nhân dân đã hình thành từ lâu đời cùng kế sinh nhai của dân tộc này.
Đối với xứ Quảng, nhiều tài liệu lịch sử và di sản tiền nhân để lại (văn hóa vật thể, phi vật thể) đều nói đến một thời người Chàm ngự trị đất này đã có một trình độ khai thác, chế biến thủy sản tương đối cao. Họ đã biết chế tác tàu đánh cá, cùng các dụng cụ dầm chèo, cột, bánh lái bằng gỗ để ra biển khai thác. Đối với ẩm thực, tiền nhân đã biết làm mắm, muối, gia chế các loại cá ướp hoặc sản phẩm khô… Từ cuộc sống ấy cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề khai thác biển, nhất là nghề cá nhân dân.
Sau thế kỷ 15, người Việt từ Thanh – Nghệ vào đất này, tiếp biến với văn hóa Chăm, phát triển thêm nghề biển, nghề đóng tàu thuyền. Chúa Nguyễn đã xây dựng thủy đội để phòng thủ bờ biển. Triều Nguyễn, có các đội tàu chuyên thu nhặt sản vật trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Lịch sử một số địa phương có nghề cá một thời hưng thịnh như Hội An, Núi Thành có ghi lại sự hình thành các làng cá ven biển Quảng Nam từ khoảng thế kỷ 15-18 như các làng Võng Nhi, Đế Võng, Lao Chiêm, Tam Ấp, Diêm Trường… Nơi những làng nghề cá nhân dân này đã có các dụng cụ lưới mành, lưới dòng và các loại lưới câu; cũng như họ đã biết làm muối để ướp cá (như ở Diêm Trường). Như thế thì biển, nghề biển, nghề cá (biển và sông) đã là một sinh kế thực thụ của người dân trên vùng đất Quảng.Tuy nhiên, qua rất nhiều câu ca cũng như lễ hội của miền biển đều thể hiện dấu vết đậm nét của kinh tế biển thời ấy là tự phát, một nghề chìm nổi lênh đênh với chuyện “cá nước chìm trời”.
Trải qua nhiều thăng trầm, lực lượng sản xuất ngày càng gia tăng, nghề biển đã có bước phát triển hơn xưa rất nhiều. Như về tàu thuyền, ngư cụ và các loại nghề cũng đa dạng hơn, hiện đại hơn. Tuy vậy, về chất lượng lao động nghề cá chưa phải đã đáp ứng được nhu cầu của thời nay là không chỉ đánh bắt thủy hải sản để tự cung tự cấp mà còn xuất khẩu. Trong khi đó, kỹ thuật lao động chưa cao, chưa phù hợp với những yêu cầu tiên quyết về sự phát triển đồng bộ của kỹ thuật khai thác mới. Do vậy, khi chú trọng về mặt củng cố và phát triển hạ tầng cơ sở nghề cá (như xây dựng bến cảng, đóng tàu công suất lớn, trang bị các loại máy tầm ngư, định vị v.v…) nhưng trình độ lao động khai thác còn thấp, tạo nên độ chênh về đầu tư và hiệu quả. Do đó, mấu chốt của vấn đề khơi dậy nội lực kinh tế biển (giới hạn ở lao động nghề cá), không chỉ ở việc đầu tư vào công cụ, phương tiện theo những phương thức tác động kinh tế mà còn ở văn hóa. Tầng văn hóa theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực kinh tế, giáo dục và truyền thụ tri thức mới trong nghề cá, gắn khai thác, chế biến với thị trường.
Biển không là vô bờ khi giờ đây đòi hỏi tàu thuyền phải có thiết bị định vị vùng đánh bắt, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ hải sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Báo Quảng Nam thời gian qua liên tục đăng tải thông tin về việc thực hiện nghề cá có trách nhiệm. Trách nhiệm quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của ngư dân, nếu không tìm thấy điểm chung trong việc nâng cao nội lực nghề cá thì sẽ khó nói đến chất lượng sản phẩm, đủ sức vươn ra thị trường xuất khẩu. Các làng nghề cá Quảng Nam, ít nhất đã tồn tại và phát triển mấy trăm năm song mức độ phát triển như thế nào cần sự phân tích toàn diện, từ đó cần hình thành những đội tàu chuyên nghiệp đáp ứng với yêu cầu của nghề biển hiện đại.