Nghề chăm sóc mai kiểng

Hoàng Tân 28/02/2013 08:34

Sau tết, dịch vụ chăm sóc mai lại bắt đầu một mùa mới. Những gốc mai quý lần lượt được nhiều người đưa đến dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng để mai có thể đơm hoa đúng dịp tết năm sau. Dịch vụ này đã đem lại thu nhập khá cho nhiều người.

1. Rẽ vào con đường nhỏ dưới chân cầu bắc qua sông Bàn Thạch, cách cây cầu không xa là khu vườn nhỏ nằm ven sông của anh Nguyễn Văn Tại  (khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ). Khu vườn này đã trở nên quen thuộc với những người chơi mai sành điệu. Từ chỗ chỉ chăm mai kiểng của mình, dần dà bạn bè, người quen thấy anh Tại chăm mai ra hoa, nẩy lộc đúng độ tết nên họ mang đến gửi. Nghề chăm sóc mai gắn với anh từ đó. Anh Tại nói chăm mai “nhẹ đầu” hơn các việc khác, không lo lắng nợ nần, tính toán thiệt thua. Nhưng chăm mai kiểng phải tỉ mẩn, chu đáo, biết tính toán để nhận biết thời gian cắt tỉa lá cho đúng độ tết mai phải ra hoa, cho lộc. Cũng phải có nghệ thuật, khéo tay thì mai mới đẹp như khách mong muốn...

Anh Tại chăm lại cây mai kiểng của khách đã bị hư một phần thân. Ảnh: H.TÂN
Anh Tại chăm lại cây mai kiểng của khách đã bị hư một phần thân. Ảnh: H.TÂN

Những ngày này, anh Tại bận bịu với việc “khám xét” thân mai. Đã có nhiều gốc mai bị thối một nửa thân, một số bị sâu đục ăn mòn lá, xâm nhập vào gốc, nhiều chậu mai cần thay đất và bón thêm phân... Anh Tại ngừng tay chỉ vào từng gốc mai và cho biết, những cây mai sau khi được khách mang đến, anh thường sắp xếp chúng ở nơi có bóng râm, hoặc làm giàn để che chắn nắng. Mỗi sáng, anh cho những cây mai “ghé” ra ánh sáng 1 tiếng đồng hồ, ngày sau cứ để mai ngoài nắng lâu hơn. Sau một tuần khi mai đã quen với ánh sáng thì có thể sắp xếp chúng ngoài vườn như những cây hoa khác. Nước tưới cho mai phải là nước sạch. Những năm trước, khi Đoan Trai chưa có nước sạch đưa về, anh Tại mỗi ngày phải quảy thùng lên giếng làng để gánh nước. Thế mới biết nghề chăm mai không đơn giản.

Năm nay, anh Tại nhận chăm gần 200 gốc mai. “Cũng chỉ muốn nhận chừng đó thôi để chăm sóc mai cho chu đáo, chứ nếu nhận hết thì cũng phải ngàn gốc” - anh nói. Khách hàng của anh cũng rất đa dạng, từ các cơ quan, doanh nghiệp, cửa hàng tạp hóa đến người quen, bạn bè... Và dĩ nhiên, giá trị mỗi cây mai cũng khác nhau, từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng. Anh chăm mai của khách và nhiều trường hợp nhận giữ luôn “tài sản” của họ bởi có cây lên đến vài chục triệu đồng, nếu lỡ xảy ra “sự cố” thì chủ và khách đều chịu thiệt hại. Thu nhập từ nghề nuôi mai cũng tùy vào giá trị mỗi cây và sự rộng rãi của khách. “Tính ra thu nhập từ nghề này không cao. Tùy vào ông chủ, họ nhìn vào gốc mai nếu hoa nở đúng độ, đều và đẹp thì họ trả thù lao khá hơn. Cây nào ưng ý, cuối năm họ cho 500 nghìn đồng, có cây cũng được hơn 1 triệu đồng. Hoặc có khi bạn bè mang đến vài ký hạt dưa, vài ký mứt, thế là cười xòa, đôi bên cùng ưng ý. Được cái, vừa chăm mai vừa làm thêm ruộng lúa, nấu rượu để có đồng ra đồng vào. Nghề này còn giúp có thêm bạn bè để tâm sự...”.

2. Nhiều người chơi mai quan niệm, khi đúng độ tết mà mai ra hoa thì năm đó lộc sẽ vào nhà, may mắn hanh thông cho cả năm. Khách đến gửi mai ở vườn hoa Ba Thơi (Tam Kỳ) luôn hài lòng bởi ông Thơi chăm mai cẩn thận. Khách hàng ở đây hầu hết là cán bộ công chức nhà nước, những người làm doanh nghiệp suốt ngày bận bịu, không có thời gian chăm sóc cho mai. Và vì “nể” nên anh Thơi mới nhận chăm sóc giúp.

Hằng năm, bắt đầu từ rằm tháng giêng là vườn nhà ông Thơi tấp nập người vào ra. Những chậu mai vừa được khách chở đến, ông liền đặt bút ghi tên chủ vào thành chậu. Mỗi năm ông nhận chăm hơn một trăm gốc mai. Ông cho biết: “Tôi chỉ nhận chăm ít thôi, đã nhận thì phải chăm sóc cho chu đáo. Khách “chọn mặt gửi vàng” thì mình cũng phải nâng niu mai. Mai cũng có nhiều loại, mai mình (Hồng Mai), chung mai, mai Bình Định, Quảng Ngãi... Mỗi loại có thân gốc và lộc nở khác nhau, từ mai 5 cánh đến mai hoa 24 cánh, nên tùy vào đó mà chăm sóc. Cái “đỏng đảnh” của nó thì chỉ có người chuyên chăm mới bắt nhịp được mà chăm sóc. Đến hết năm, tiền thù lao cũng chỉ vài trăm nghìn đồng cho một gốc mai, nhưng bù lại ông nhận được nhiều nụ cười mãn nguyện, cái bắt tay chân thành của khách. Ông Thơi quan niệm, nghề “nuôi” mai cũng như nghề chăm trẻ, mình cứ việc “chăm” con người khác như con mình, “thương” con người khác như “thương” con mình thì mới làm được. Và nghề chăm mai vừa là thú chơi tiêu khiển vừa có thu nhập khá trong những ngày tết.

Tại Tam Kỳ, nghề chăm sóc mai không nhiều như những nơi khác. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thú chơi mai kiểng của người dân thành phố rất phát triển. Nhiều người trồng hoa, cây kiểng bắt đầu kiêm thêm nghề chăm mai. Hiện có khoảng 10 hộ dân ở Tam Kỳ làm nghề này. Thu nhập dù không cao, nhưng mỗi dịp tết đến tiền thù lao cũng đủ để họ sắm sửa bánh mứt đầy đủ. Chăm sóc cả năm, đến mùa hoa nở đẹp thì những người chăm mai lại đưa chúng về với chủ, vườn nhà anh Tại, ông Thơi lại trống rỗng. Anh Tại dặn lòng là tết năm nay sẽ giữ cho mình cây mai đẹp để chưng trong nhà bởi mấy năm trước anh phải “bù” những gốc mai của riêng mình cho những khách hàng quen khi chậu mai của họ không nở hoa như mong muốn. “Nghề nào cũng có cái khó riêng, nghề chăm sóc mai kiểng dù chủ yếu là “phải không” nhưng đôi khi cũng phải chịu rủi ro. Cái chính là phải có tình với nhau và có niềm say mê với cây mai để vượt qua những ngày tháng cực nhọc chăm bẵm cho những “đứa con” khó tính của người khác. Ở Tam Kỳ, hầu hết những người nhận chăm mai và khách hàng không ràng buộc, bắt đền nhau như những nơi khác nên càng phải cố công chăm sóc để không phụ lòng những người yêu mai, trong đó có chính mình” - anh Tại nói.

Hoàng Tân

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề chăm sóc mai kiểng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO