Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng qua 31.10, các đại biểu nêu thực trạng diện tích cây có múi phát triển ồ ạt, vượt quy hoạch; chuyện con tôm hùm và các sản phẩm nông nghiệp khác có thị trường tiêu thụ quá bấp bênh, chủ yếu theo đường tiểu ngạch; đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp.
Giải cứu nông sản là chuyện muôn năm cũ và lặp đi lặp lại hết mùa này tới mùa khác, với hết loại nông sản này tới loại nông sản kia. Thế nhưng, câu trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lại không cho thấy chiến lược và đường nét nào trong hoạch định chính sách.
Vị tư lệnh ngành thay vì tập trung nêu giải pháp kiểm soát thị trường tiểu ngạch và chính ngạch như đại biểu yêu cầu, thì lại nêu thực trạng mà ai cũng đã biết: do có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, diện tích nuôi trồng phân tán, người dân nuôi tự phát, quy trình nuôi không đúng, tiêu thụ tự phát, người dân lấy nguồn giống không đảm bảo, do các địa phương không quản lý quy hoạch vùng nuôi trồng... Sắp tới ngành sẽ tích cực phối hợp với địa phương, doanh nghiệp, đẩy mạnh chế biến, tăng cường giải pháp đầu tư xuất khẩu, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa.
Câu trả lời kết thúc đột ngột khiến nhiều đại biểu... chưng hửng. Trong khi bộ trưởng đứng ở hội trường trả lời một cách chung chung như thế, thì ở ngoài kia, mấy ngày nay doanh nghiệp Trung Quốc ngừng thu mua khoai lang, Vĩnh Long vừa gửi văn bản ”cầu cứu” Bộ NN&PTNT. Nếu bộ trưởng thấm vị mặn những giọt nước mắt bất lực của nông dân cả nước mỗi khi phải rơi vào cảnh cầu mong lòng thương để bán nông sản, hẳn ông sẽ có cách trả lời khác hơn.
Kiểu trả lời đại khái, không đi vào trọng tâm và thậm chí là đổ lỗi cho cấp dưới (như cách Bộ trưởng Bộ GDĐT lý giải về dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh sinh viên gây bão dư luận) thật chẳng khiến cử tri an lòng.
Hôm 30.10, vị đầu ngành VH-TT&DL cũng có một cách trả lời chất vấn khá loanh quanh và tắc tị cho một câu hỏi của đại biểu: ”Để khắc phục sự xuống cấp của đạo đức lối sống, chúng ta phải làm từng bước, tuy nhiên phải làm quyết liệt và mạnh mẽ hơn, chúng tôi đề nghị toàn xã hội phải vào cuộc”; “chúng tôi cũng rất trăn trở nhưng nếu để mình ngành văn hóa hoặc một số ngành loay hoay thế này, kinh phí hiện nay rất là thấp”.
Công bằng mà nói, không phải tư lệnh ngành nào cũng chạy lòng vòng, đi loanh quanh khiến cử tri nản lòng như vậy. Cử tri đã nhìn thấy sự thẳng thắn, trực diện trong cách chất vấn và trả lời chất vấn. Nhưng, cử tri mong muốn chất lượng trả lời chất vấn phải cao hơn nữa, phải sát sườn hơn nữa đối với những vấn đề nóng của xã hội. Và đừng làm mất thời giờ của nhân dân vì những câu trả lời “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
C.B.L