Nghề chiếu gặp khó

MAI NHI - PHI THÀNH 18/07/2013 08:21

Từ lâu xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) nổi tiếng có nghề dệt chiếu cói với nhiều loại sản phẩm bền, đẹp. tuy nhiên giờ đây nghề truyền thống này gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ mai một…

Bây giờ, chủ yếu người già còn bám trụ với nghề.                                                                                                                                                  Ảnh: Mai Nhi
Bây giờ, chủ yếu người già còn bám trụ với nghề. Ảnh: Mai Nhi

Thiếu nguyên liệu

Dưới cái nắng hầm hập, dẫn chúng tôi lội quanh cánh đồng Diễn Giành thuộc địa bàn thôn Hà Thuận - nơi có diện tích đất trồng cói lớn nhất xã Duy Vinh, bà Lý Thị Nhứt, người đã hơn 15 năm gắn bó với việc trồng cói, dệt chiếu ở địa phương cho biết, trước đây nước mặn thường xuyên xâm nhập nên hạn chế được tình trạng cỏ xuất hiện, vì thế cây cói phát triển xanh tốt, nguồn nguyên liệu khá dồi dào. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn mặn xâm nhập đã tạo điều kiện cho cỏ phát triển trên ruộng cói khiến nông dân nơi đây đành phải chuyển hàng loạt diện tích sang trồng lúa. Bà Nhứt nói: “Lâu nay tôi trồng hơn 3 sào cói trên cánh đồng Diễn Giành này để chủ động nguồn nguyên liệu cho nghề dệt chiếu truyền thống của gia đình. Nhưng bây giờ cỏ đã phủ hết toàn bộ diện tích đó, muốn cải tạo phải tốn rất nhiều công sức”. Cùng cảnh ngộ với bà Nhứt, gia đình bà Trần Thị Năm ở thôn Vĩnh Nam cũng bỏ hoang 2 sào đất trồng cói trên cánh đồng Đập Đình vì cỏ mọc quá nhiều. Hiện nay, bà Năm phải lặn lội khắp nơi để tìm mua cói chở về làm chiếu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây trên địa bàn xã Duy Vinh có ít nhất 100ha đất chuyên canh cây cói để phục vụ nghề dệt chiếu. Tuy nhiên, hiện nay diện tích cói ở địa phương đã giảm xuống còn dưới 80ha, tập trung chủ yếu ở thôn Trà Đông, Vĩnh Nam, Hà Thuận. Ông Trần Văn Sành – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những năm qua rất nhiều cánh đồng cói bị ngăn nước mặn, cấp nước ngọt khiến các loại cỏ dại mọc um tùm. Do vậy, người dân hoặc phải bỏ hoang ruộng cói hoặc phải cải tạo lại để chuyển sang sản xuất lúa. Ông Sành nói: “Thời gian tới rất nhiều khả năng diện tích đất trồng cói ở địa phương sẽ tiếp tục giảm mạnh. Và nghề dệt chiếu truyền thống bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu chắc chắn sẽ càng nghiêm trọng hơn”.

Nhiều hộ làm chiếu ở xã Duy Vinh cho hay, để việc sản xuất không bị ngưng trệ, từ năm 2011 đến nay họ phải mua nguyên liệu cói từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định, Tiền Giang… đưa ra bán với giá rất cao. Ông Võ Xuân Bãi – một người dân trú thôn Vĩnh Nam nói: “Nếu trực tiếp trồng hoặc mua tại chỗ thì bình quân 1kg cói khô có giá khoảng 4 - 5 nghìn đồng, nay mua từ nơi khác chở về, giá cói tăng lên 8 - 9 nghìn đồng/kg”.

Bỏ nghề vì thu nhập thấp

Năm 2008 trở về trước, nghề dệt chiếu cói ở xã Duy Vinh rất hưng thịnh. Hầu như nhà nào cũng làm nghề này. Những chiếc chiếu hoa, chiếu bùa, chiếu trổ đầy màu sắc được làm từ bàn tay khéo léo, cần cù của người dân nơi đây đã từng có mặt khắp mọi miền đất nước, mang lại thu nhập ổn định cho ngưuời dân địa phương. Thời điểm ấy, thu nhập bình quân của một hộ làm nghề dệt chiếu khoảng 40 - 80 triệu đồng/năm. Bây giờ nhiều hộ không còn gắn bó với nghề bởi số tiền kiếm được quá ít ỏi. Gia đình bà Võ Thị Hoa ở thôn Hà Thuận theo nghề dệt chiếu truyền thống từ bao đời nay và đây cũng là nghề mang lại nguồn thu nhập chính; tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, nghề này không thể giúp bà Hoa trang trải cuộc sống vì giá bán các loại sản phẩm chiếu chẳng nhích lên, trong khi giá vật tư nguyên liệu ngày càng tăng. Bà Hoa than phiền: “Ngồi suốt cả ngày, dệt được một đôi chiếu có kích thước 1,2m, mang ra chợ Bàn Thạch bán sỉ cho mấy người buôn lớn tôi kiếm được 60 nghìn đồng. Trừ tiền mua nguyên liệu cói, dây đay, phẩm màu hết 45 nghìn đồng, tôi lãi ròng chỉ vỏn vẹn 15 nghìn đồng”. Thu nhập quá thấp nên con cái của bà Hoa đều đi tìm kế sinh nhai khác, giờ chỉ còn mình bà bám trụ với nghề những mong giữ gìn, duy trì làng nghề truyền thống.

Hiện nay trên địa bàn xã Duy Vinh có gần 900 hộ làm nghề dệt chiếu, giảm 400 hộ so với thời điểm đầu năm 2011. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các loại sản phẩm người dân nơi đây làm ra chủ yếu bằng thủ công nên khó cạnh tranh với các loại chiếu ở những nơi khác. Ngoài ra, phần lớn người dân làm nghề dệt chiếu cói ở Duy Vinh đều sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún tại hộ chứ chưa liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, vì thế đầu ra của sản phẩm vẫn còn bấp bênh. Chiếu cói Duy Vinh vang bóng một thời, giờ đang đứng trước nguy cơ mai một dần. Người dân cho rằng để nghề truyền thống này nhanh chóng được khôi phục và phát triển bền vững, trước tiên chính quyền địa phương cần rà soát lại khâu quy hoạch và tích cực hỗ trợ người dân xây dựng vùng chuyên canh cây cói để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cạnh đó, các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ làm chiếu được tiếp cận nhiều hơn, dễ dàng hơn với các kênh vốn vay ưu đãi để họ mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã và mua sắm các loại máy móc hiện đại. Đặc biệt là hình thành các tổ hợp tác nhằm đẩy mạnh liên doanh, liên kết để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…

 MAI NHI - PHI THÀNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề chiếu gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO