Muốn có tác phẩm được công chúng yêu thích, được xã hội tôn vinh, họ luôn sẵn sàng cống hiến, bởi họ thường bảo với nhau rằng “nghề chơi cũng lắm công phu…”.
1. Nhiều người lầm tưởng, nhiếp ảnh là nghề rất dễ, chỉ cần bấm máy là xong, nhưng có một tấm ảnh đẹp, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, thiên nhiên, ánh sáng, thời tiết, con người, bối cảnh và sự kiện...
Nói đến tác phẩm “Ngày trở về” của NSNA Lê Vấn, có lẽ nhiều người biết, nhưng không hẳn ai cũng biết tác phẩm đã nhận được rất nhiều giải thưởng, tặng thưởng. Cụ thể, “Ngày trở về” được trao giải A khu vực, giải A Tặng thưởng Văn học - nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam, giải C Giải thưởng VHNT Việt Nam, giải B Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần 2, giải C tại Triển lãm “Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới”, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Một tác phẩm mà được 6 lần vinh danh? Tấm ảnh đó có gì đặc biệt? Là người trong nghề, NSNA Đào Tiến Đạt chia sẻ: “Đây là tác phẩm ánh sáng, bố cục tốt, nội dung tư tưởng rõ ràng, miêu tả rõ nét tính cách nhân vật của anh Bộ đội Cụ Hồ ngày trở về trong vinh quang, nhưng rất bình dị. Sáng tạo trong cách thể hiện, độc đáo, bấm máy đúng lúc, kỹ thuật xử lý tốt”.
Còn chủ nhân của tấm ảnh “Ngày trở về” kể rằng, năm 2013, trong một lần tác nghiệp ở Đông Giang, bắt gặp hình ảnh vợ chồng cựu chiến binh Alăng Bảy (ở thôn BhHôồng, xã Sông Kôn) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã đi vào huyền thoại của núi rừng nhưng bình dị giữa đời thường đang trên đường trở về cùng với nào giấy khen, hoa và cả những tấm huy chương... Muốn tấm ảnh có ý nghĩa hơn, đúng chất “ngày trở về”, nghệ sĩ Lê Vấn đề nghị Anh hùng Alăng Bảy chở vợ, nhưng người anh hùng đã từng làm cho kẻ thù khiếp vía lại không biết đi xe đạp! NSNA Lê Trọng Khang - con trai NSNA Lê Vấn lúc ấy phải nằm xuống đất, hai tay, hai chân bám vào hai bánh xe đạp và ghì chặt, để vợ chồng Anh hùng Alăng Bảy được “chở nhau về”.
2. Khác với phương Tây, nghệ thuật tạo hình Việt Nam còn sáng tạo ra một chất liệu hội họa mới, đó là chất liệu sơn mài. Ở giới nghệ thuật tạo hình Quảng Nam có nhiều họa sĩ chuyên về nghệ thuật sơn mài như Lê Nguyên Chính, Lê Đình Chinh... Các họa sĩ chia sẻ, để đưa tác phẩm lên đỉnh cao, phải luôn tìm tòi cái mới, mang đậm dấu ấn và tính sáng tạo của từng cá nhân.
Nói về những tác phẩm đã sáng tạo như “Sống trong lòng phố cổ”, “Rằm tháng Tám”, họa sĩ Lê Đình Chinh cho biết đã dành thời gian, công sức, phải thực sự yêu nghề và đam mê bộ môn nghệ thuật này mới đầu tư kỹ lưỡng cho tác phẩm. Bởi khi mài tranh, người họa sĩ cần phải biết mài có chỗ nông hay sâu để hiện lên các lớp mảng màu, hình, nét… Quá trình này đôi khi tạo ra nhiều hiệu quả bất ngờ; những vỏ trứng, son, màu, vàng, bạc chìm nổi trong một thứ ánh sáng hổ phách tạo nên sự kỳ ảo của màu sắc. Chính bởi sự công phu và tỉ mỉ của anh, mà các “đứa con tinh thần” này đã đoạt nhiều giải thưởng ở tỉnh, khu vực và quốc gia.
Còn ở sáng tác điêu khắc, từ việc đi tìm chất liệu mới, đến thể hiện những ý tưởng cập nhật xu thế thời đại, bắt kịp sự phát triển của điêu khắc thế giới, nhưng đến khi hoàn thiện tác phẩm để di chuyển, trưng bày gặp khó vì tác phẩm có kích cỡ quá lớn. Ở Quảng Nam, các nhà điêu khắc thường sáng tạo trên những chất liệu như gỗ, đồng, kim loại, gò nhôm, tổng hợp… Từ ý tưởng đến phác họa, các nghệ sĩ dùng chính đôi bàn tay của mình để gò, đập, cắt... Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy tâm sự: “Vất vả hàng tháng trời hoàn thiện tác phẩm, nhưng vui, vì công chúng yêu mến tác phẩm của mình”.
3. Đứng trên sân khấu, nhìn ai cũng đẹp, giàu sang, hạnh phúc, nhưng phía sau cánh gà, cơm áo, gạo tiền đều trở về đời thực. NSƯT Ngọc Thủy cho biết, thu nhập bây giờ cũng đỡ hơn so với hồi xưa, nhưng cũng rất chật vật, nên các anh chị lớn tuổi trong Đoàn ca kịch luôn động viên, truyền cảm hứng cho lớp diễn viên trẻ mới vào nghề. Đối với người nghệ sĩ, sự yêu mến của khán giả mới là điều quý. Khi đoàn đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào ngồi xem chật cứng, vỗ tay rào rào, dù thời tiết có hôm thất thường...
Nghệ sĩ Quang Việt chia sẻ: “Khi được phân đóng vai Chí sĩ Trần Quý Cáp, trong vở diễn “Thai Xuyên Trần Quý Cáp”, anh cảm thấy rất áp lực, bởi Trần Quý Cáp là nhà giáo dục, là anh hùng ngời sáng, cả một đời cống hiến cho đất nước. Phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về cuộc đời và sự nghiệp của ông, và nhiều chi tiết rất đời thường cũng phải học. Như cách dạy học trò, cảnh tay đeo gông, tay mang xiềng xích mà từng bước đi phải ung dung, rồi cái cảnh Trần Quý Cáp đã tự mình rửa chân cho vợ... tập đi tập lại không biết bao nhiêu lần, vì phải làm sao vừa thể hiện tình yêu thương chan chứa trong từng cử chỉ”. Và vai diễn đã đem về cho anh Huy chương Vàng của Bộ VH-TT&DL và vai diễn xuất sắc của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm được cả nước biết đến hai tập ký “Đi dọc đường biên” và “Đất của máu và lửa”. Ông kể, năm 1992, sau chuyến đi thực tế dọc biên giới Việt - Lào ròng rã hơn 3 tháng trời ông mới viết xong tập bút ký “Đi dọc đường biên”. Tập bút ký của ông đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền giảm nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nói về điều đó, ông thường cười rất tươi, bảo những năm tháng chiến tranh đồng bào cưu mang mình, hòa bình rồi mình phải dùng ngòi bút để giúp bà con chứ.
Nói như nhà văn Lê Trâm “Làm sao để lòng tốt được khơi lên giữa bộn bề đổi thay của xã hội, làm sao để những tâm hồn nương tựa vào nhau dẫu thân sơ để vượt qua mệt nhọc cuộc đời” đó là ước nguyện của tất cả văn nghệ sĩ.