Nghe chuông ngân ở Trà Kiệu

TRUNG VIỆT 25/12/2023 13:30

(VHQN) -  Hồi đó, những năm cấp 3 trường huyện, tôi không hiểu được lối đi đứng ăn nói của bạn, gia đình và chòm xóm nơi xứ đạo Trà Kiệu. Lạ lắm, khác lắm. Họ thông minh, ăn nói nhẹ nhàng, thêm chút hài hước và thong dong.

Khu vực Nhà thờ Trà Kiệu nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu vực Nhà thờ Trà Kiệu nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nghe tôi nói vậy, thầy Kim Long gật đầu. Tôi không ngờ, khi “lội” trên mạng xã hội về Trà Kiệu, thì thấy có ảnh thầy đang đứng trong nhà thờ làm mục vụ. Điện thoại cho thầy, thì tôi nhận ngay được cái gật đầu. Thầy Long dạy Toán chúng tôi năm lớp 12.

“Thầy không phải gốc Công giáo, mẹ và em thầy có theo đạo đâu, hồi nhỏ ở dưới này (bên hông trường Sào Nam), mẹ buôn gạo có tiệm trên đó, lại có bà dì ruột thầy ở trên Trà Kiệu nên thầy lên ở, nhà có bà chị cũng đi tu, thấy thích thích, rồi thầy theo đạo luôn. Có lẽ xuất thân từ lương, nên thầy nhìn Công giáo khách quan hơn…” - lời thầy Long kể.

Thầy bây giờ đã về hưu, đảm trách hội đoàn giáo viên Công giáo của giáo phận và giáo xứ. Hèn chi, tôi nhớ hoài cái nhìn xa xăm, nhẹ nhõm, thêm phút phớt lờ khi thầy đứng giảng, như đang neo níu đâu đó ở chốn xanh, mặc cho đám học trò đang đánh vật với những phương trình, hình vẽ, nhớ nhưng cũng không hiểu, cho đến chừ mới thấu…

Nhà thờ Trà Kiệu với tiếng chuông gióng giả trên đồng xa, như lời vỗ về từ tay mẹ cho một giấc mơ bình yên nơi bổn xứ và cả những lang thang đâu đó chợt nhớ về. "Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người Chúa thương".

Năm tháng đi qua, chiến tranh, ly tán, những khúc quanh lịch sử, sự tồn tại của những người xóm đạo Trà Kiệu trên bản đồ cư dân xứ Quảng dần được tham chiếu bằng ánh sáng của sự thật đời sống, sự thật mà ở đó còn ánh lên vẻ riêng khác.

Họ đã sống ở đây bao đời như bất kỳ lương dân nào, làm lụng, nối đời, sống một đời dân cần lao, nhưng mang theo bên mình cây thập giá của đức tin Thiên Chúa. Ánh sáng lạ đó, là đây.

Thầy Long cho tôi con số đến bây giờ, 3 thôn của xóm đạo Trà Kiệu đã là 3.800 người. Hồi đi học, ngay cả mấy đứa bạn ở trong xóm núi đoạn đi vào thủy điện Duy Sơn 2, cũng... chừa một khoảng cách vẻ nể nang nhóm bạn ở đây, bằng cái tên “mấy đứa ở nhà thờ núi”.

Dù bạn ở đây, họ thật hiền, như Thùy Trang, Huyền Dương, Thái Hà, hình như họ chưa từng gây gổ với ai. “Họ hòa đồng” - thầy nói - “công đầu phải nói là của Linh mục Nguyễn Trường Thăng.

Ông mê đồ cổ, chơi khá thân với cố GS. Trần Quốc Vượng và cùng ông Vượng khôi phục, giữ gìn, góp tiếng nói cho Nhà thờ Ngũ Xã giữ được đến giờ, bởi lúc đó có phong trào đập phá đình, chùa, miếu...

Bao năm rồi, cứ Noel, giáo xứ mời ngũ tộc, tôn giáo bạn đến chung vui. Bên Phật giáo, hễ có lễ trọng cũng mời lại bên này. Cha Thăng cũng chơi thân với ông Lưu Ban làm thủy điện”.

Nhà thờ Trà Kiệu. Ảnh: H.T
Nhà thờ Trà Kiệu. Ảnh: H.T

Chuyện thâm tình này, thuở ông Lưu Ban còn sống, tôi đã nghe chính ông nói. Ông khen cha Thăng hết lời khi vận động giáo dân cùng lương dân ra sức “vắt” nước ra điện. “Đâu chỉ giáo dân em à” - thầy Kim Long nói - “Noel là bà con lương dân đem hoa, quà tặng nhà thờ. Nhà bình thường, khi có tang ma hiếu hỉ hay giỗ chạp chi đó, họ đến với nhau chia ngọt, sẻ bùi.

Thầy nhớ có một lương dân mất, nhà nghèo lắm. Linh mục quản xứ nói: “nghĩa tử là nghĩa tận, mình đến đọc bài kinh cho người ta ra đi thanh thản”. Ở đây, lương hay Công giáo không hề có khoảng cách. Niềm tin thờ cúng, dù tư tưởng hay một đóa hoa, đều giống nhau”…

Chẳng khác nhau. Cùng hít thở trong bầu khí quyển của đời dân, còn đức tin là cá nhân, nhưng không hề có barie đặt giữa anh và tôi. Một lương duyên đằm thắm. Mọi thứ trong đời kia, bất luận ai cũng phải chịu đựng, thì khoảng cách là vô nghĩa, thậm chí sẽ đẩy mình đến chỗ bơ vơ.

Mấy năm dịch COVID, rồi chủ trương làm căn cước, đo nồng độ cồn, cứ tới lễ Chủ nhật là cha xứ lại nhắc mọi người nhớ chấp hành pháp luật, gương mẫu… Hình như thấu đạt điều đó, bằng tình thương Thiên Chúa và đức tin thiêng liêng, họ mở lòng mình ra.

Sẽ chẳng phải nhắc lại, rằng dân xứ đạo Trà Kiệu vốn làm ăn bán buôn là chính, là nơi có đời sống khấm khá nhất, ít hộ nghèo nhất xã Duy Sơn. Cũng không hề có phân biệt chế độ, chính sách ở chính quyền, mọi người quyền lợi ngang nhau.

Và khi tôi nhắc chuyện tà thuyết ở các giáo phái ngày càng như nấm sau mưa, thầy Kim Long lắc đầu: “Công giáo chỉ có Vatican, cho nên ở đây không hề có chuyện xách động. Chính linh mục nói với bà con: đừng tin những tà thuyết khác như Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”.

Thầy nhắc lại một lần nữa rằng, hòa đồng trong đời sống, thương người như thương ta, làm trọn bổn phận công dân và giáo dân, xem anh em  xung quanh như thân thể mình, đó là một góc đẹp của gương mặt Trà Kiệu.

Lại thầy nhớ chuyện cũ, hồi đó Linh mục Châu Ngọc Tri cho mấy em tập múa Champa, mấy ông già la quá trời, rằng thấy kỳ kỳ! Ông bèn nói, rằng đó là văn hóa Chăm, mình ở ngay trên đất kinh đô Champa, thì học là tốt có sao đâu. Chính những lớp học đó mà hình thành đội múa Chăm ở đây bây giờ…

Ánh sáng của đức tin và những giềng mối kèm giữ con người đi trên lối thiện lương, hình như  họ được phúc phần hơn lương dân, từ chỗ có nhiều hội đoàn nhắc nhở lối sống, sinh hoạt, rồi mỗi đứa trẻ sinh ra đều có cha mẹ đỡ đầu trước khi được rửa tội, chọn nghi thức nhập đạo.

“Như thầy đây, có 6 đứa con đỡ đầu” - thầy cười - “sau cha mẹ nó là mình, cũng có trách nhiệm lo cho nó như mình sinh nó ra. Điều đó khiến trẻ ở đây không hư, phạm tội nhiều như nơi khác, do biết giữ phẩm hạnh và tôn trọng người khác.

Em nhớ lại đi, đất Duy Xuyên nổi tiếng là hacker, nhưng tội phạm có quê quán Trà Kiệu là chưa từng nghe. Giáo dân rất sợ bị tai tiếng, nhắc nhở khi có người trong gia đình hư. Giữ mực thước trong lối sống là phương châm của họ.

Ở đây có đến hơn 100 tu sĩ nam nữ và mười mấy đức cha. Cha mẹ họ được gọi là ông bà cố. Bà con hay giỡn làm ông bà cố khổ hơn linh mục, bởi họ sợ bà con nhìn vào nói có con đi tu mà không biết dạy dỗ, hư đốn, nên họ sống chuẩn mực lắm…”.

Dân có đạo hay không, thảy phải trải mình khi bão táp của đời sống chưa từng dừng lại ở mỗi căn bếp, góc nhà. Nhưng thong dong, đúng, phải gọi là phong thái phong lưu Trà Kiệu mới đúng, rằng có làm cực khổ chi mấy, thì sáng hay chiều Chủ nhật, từng đoàn người áo quần chỉnh tề đi nhà thờ làm lễ.

Tôi đã một lần đứng nhìn họ, nghiêm trang mà thư thái, kiểu như mọi cơ cực bay biến đâu mất. Mà đâu phải chờ đến Chủ nhật, ở họ, mỗi giờ mỗi ngày, đều hành hương trong tâm tưởng như những con chiên bằng mọi giá phải ít nhất một lần trong đời hành hương về thánh địa nơi Chúa đã ra đời. Nên ai đó nói, rằng cực mô không thấy, chứ lên Trà Kiệu thấy người Công giáo sướng thiệt…

Hôm tôi đến, còn những hơn mười ngày nữa mới đến Noel. Tôi vào nhà thờ tọa lạc trên hòn Bửu Châu trong cái nắng chói chang bất ngờ của tiết đầu đông. Bà bán nước ngọt ngay bãi đậu xe nói bữa ni chưa có chi mô, còn ông đang trang trí hang đá thì nói ban đêm anh tới mới thấy đẹp.

Tôi đứng đó, nhớ bạn bè mỗi đứa một phương, đã hơn 30 năm chưa gặp lại những ánh mắt dịu dàng, trong suốt. Nhà thờ Trà Kiệu với tiếng chuông gióng giả trên đồng xa, như lời vỗ về từ tay mẹ cho một giấc mơ bình yên nơi bổn xứ và cả những lang thang đâu đó chợt nhớ về.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Lời thánh ca đi suốt một đời giáo dân, là thiên thần tắm mát bao linh hồn gói gọn hai chữ yêu thương...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghe chuông ngân ở Trà Kiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO