(QNO) - Sáng 18.7, tại Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra hội nghị đánh giá thực hiện Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến và tình hình nuôi chim yến thời gian qua. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: P.N |
Nghề dẫn dụ và khai thác sản phẩm của chim yến xuất hiện từ năm 2003 tại huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh). Từ đó đến nay nghề dẫn dụ, khai thác loài chim hoang dã này đã phát triển mạnh ra 41 tỉnh thành trên cả nước với khoảng 5.800 nhà yến. Riêng tỉnh Quảng Nam, nghề này được hình thành từ năm 2005 và đến nay đã có 51 cơ sở đã khai thác sản phẩm yến, 21 cơ sở đang đầu tư.
Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT ra đời từ năm 2013 nhằm đưa nghề dẫn dụ, khai thác chim yến vào diện quản lý của nhà nước, giúp cho nghề này đi vào khuôn khổ, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Tuy nhiên, thông tư cũng bộc lộ nhiều hạn chế; trong đó, việc không có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn của cơ sở dẫn dụ, khai thác yến đã gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp cũng như các cấp quản lý ở địa phương.
Thực tế cho thấy trên 90% số nhà yến hiện nay nằm xen lẫn trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh từ chim yến sang người. Nghề dẫn dụ, khai thác chim yến phát triển nhanh, trong khi thiếu các hướng dẫn, quy định về mặt kỹ thuật, quản lý đã tạo ra nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước và hạn chế sự phát triển của nghề này. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm yến không đủ căn cứ pháp lý để khẳng định thương hiệu sản phẩm của mình. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp trở ngại lớn khi khách hàng nước ngoài có yêu cầu khắt khe về chất lượng cũng như khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tình trạng giá bán yến trong nước sụt giảm hiện nay một phần là do thiếu hành lang pháp lý và sự hỗ trợ của nhà nước cho nghề yến.
Kết luận tại hội nghị, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu phải hoàn thiện thể chế và hệ thống văn bản pháp luật cho nghề yến. Trước mắt cần bổ sung, điều chỉnh Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT và các văn bản liên quan; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với nghề dẫn dụ chim yến. Về lâu dài, cần thể chế hóa nghề này trong Luật Chăn nuôi. Đối với sản xuất, cần tổ chức lại theo hướng đảm bảo chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng đến đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Về thương hiệu cần minh bạch hóa 2 dòng sản phẩm riêng biệt là yến sào đảo tự nhiên và yến sào dẫn dụ, khai thác trong nhà; củng cố nâng cao năng lực của Hiệp hội Yến sào Việt Nam.
PHƯƠNG NAM