Nghề đan thúng chai

LÊ VĂN VINH 01/03/2022 06:39

Trên những chiếc tàu câu mực rẽ sóng ra khơi luôn có những chiếc thúng tròn được xếp chồng trên mạn tàu. Đó là những chiếc thúng chai được làm ra từ những bàn tay tài hoa của người thợ thủ công các làng An Tây, Thanh Long, xã Tam Quang (Núi Thành).

Nghề đan thúng cần sự tỉ mỉ và đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng định lượng của người thợ lành nghề. Ảnh: V.V
Nghề đan thúng cần sự tỉ mỉ và đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng định lượng của người thợ lành nghề. Ảnh: V.V

Nghề thủ công

Người dân thôn An Tây, Thanh Long làm nghề đan rổ hấp cá từ lâu đời. Theo cha truyền con nối, từng có một thời cả xóm, cả làng ai nấy đều đan rổ để tăng thu nhập.

Những năm gần đây nhu cầu cá hấp ít dần, người tiêu thụ đa phần dùng cá đông lạnh nên những chiếc rổ đan dần dần vắng bóng, có chăng cũng chỉ vài ba hộ giữ đan rổ để phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho người dân địa phương.

Không thể để nghề truyền thống của làng mai một, anh Lương Thế Vĩnh (35 tuổi, thôn Thanh Long) học hỏi, chuyển qua nghề đan thúng chai (thuyền thúng).

Nghề đan thúng chai không những đem lại thu nhập khá và ổn định cho gia đình anh mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động trong thôn. Hiện nay anh có một cơ sở đan thúng tại thôn An Tây với 6 lao động làm việc thường xuyên.

Nghề đan thúng rất vất vả, cần sự tỉ mỉ và thao tác độc đáo, tài hoa của người thợ. Trong quá trình đan, đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng định lượng của người thợ lành nghề.

Anh Vĩnh cho biết, một chiếc thúng chai khi hạ thủy mất ít nhất 20 ngày công, nếu có máy móc hỗ trợ một số công đoạn thì giảm còn 15 ngày công. Mỗi tháng cơ sở của anh làm ra 4 chiếc thúng chai, giá mỗi chiếc dao động từ 12 đến 13 triệu đồng tùy theo kích cỡ.

Thuyền thúng theo tàu chuẩn bị ra khơi. Ảnh: V.V
Thuyền thúng theo tàu chuẩn bị ra khơi. Ảnh: V.V

Nguyên liệu làm thúng chủ yếu là tre. Lựa chọn tre là một kỹ năng của người thợ, cây tre làm thuyền thúng phải thẳng, phải là tre không già không non. Tre già nan sẽ bị gãy, tre non hoặc gặp phải cây tre cụt ngọn khi làm thúng sẽ mau hỏng.

Với số lượng tre khá lớn nên anh Vĩnh chọn mua tre mãi tận xã Bình An, Bình Quế, huyện Thăng Bình hay Tam An, huyện Phú Ninh vì tre nơi đây dày cơm, dẻo. Mỗi chiếc thuyền thúng thường có chu vi đến 11m, bán kính 3,4m. Nan đan phải là nan cật (nan toàn phần cứng của tre), không phải nan nghiêng như đan rổ.

Thuyền đan xong phải được chống thấm bằng dầu rái và phân bò tươi. Đây là công đoạn rất quan trọng, vì không khéo thuyền sẽ thấm nước. Với 20kg dầu rái được bôi trét 3 lớp, mỗi lớp bôi trét là mỗi lần phơi nắng. Trọng lượng của mỗi chiếc thúng chai bình quân hơn 1,5 tạ.

Để giảm bớt sức người trong việc chẻ tre, anh mạnh dạn đầu tư máy móc trang thiết bị như máy cắt, máy chẻ nan, máy tuốt vành. Được máy móc hỗ trợ, cơ sở anh còn nhận sửa chữa, gia cố lại thuyền thúng bị hỏng cho bà con ngư dân, giá mỗi chiếc sau khi sửa 5 - 6 triệu đồng. Vừa làm mới, vừa sửa chữa nên công việc làm của cơ sở anh được thường xuyên, liên tục trong năm.

Những chiếc thúng vươn khơi

Xã Tam Quang có hơn 360 tàu vươn khơi trong đó có 197 chiếc đánh bắt xa bờ, 3 chiếc tàu câu mực. Xã Tam Giang lân cận cũng có 29 chiếc tàu câu mực. Trung bình mỗi tàu thuyền ra khơi cần có ít nhất một chiếc thuyền thúng.

Riêng tàu câu mực phải có từ 40 đến 50 chiếc thúng, một con số không hề nhỏ. Vì vậy nhu cầu về thuyền thúng ở Núi Thành là rất cao. Ngoài Tam Quang thì Tam Giang cũng có vài hộ đan thúng.

Bên cạnh đáp ứng nhu cầu cho các tàu ở Núi Thành, những chiếc thuyền thúng vừa đẹp, vừa chắc bền của người thợ làng An Tây, Thanh Long cần lắm một bàn tay “bà đỡ” để có cơ hội vươn xa.

Anh Lương Thế Vĩnh chia sẻ: “Nghề đan thúng chai cho thu nhập rất ổn định, số lượng đặt hàng ngày càng nhiều. Ngoài ngư dân địa phương, các bạn hàng ở Quảng Ngãi, Hội An cũng tìm đến đặt hàng. Nếu được đầu tư thêm máy móc thiết bị thì nghề đan thúng chai ở địa phương sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, đưa những chiếc thúng đi xa hơn nữa”.

Ông Nguyễn Văn Tánh là một trong những người thợ đan thúng chai lành nghề ở thôn Thanh Long, tranh thủ những lúc nông nhàn ông đan thúng theo đơn đặt hàng. Ông Tánh đan hoàn toàn thủ công vì vậy mỗi chiếc thúng hoàn thành phải tốn đến 25 ngày công.

Ông Tánh cho biết: “Nghề này vừa tận dụng thời gian nhàn rỗi vừa có thu nhập, không áp lực. Cái cốt yếu là giữ được nghề thủ công truyền thống của cha ông. Nếu có thêm sự đầu tư, gầy dựng thương hiệu thì tôi nghĩ thúng chai Tam Quang sẽ rất hút hàng”.

Giữa biển khơi, bên những chiếc tàu câu mực công suất lớn, chiếc thuyền thúng nhỏ bé nhưng lại gần gũi, gắn kết và luôn đồng hành với ngư dân ngày đêm vươn khơi bám biển. Trong những ngày lênh đênh trên mặt biển, giữa muôn trùng sóng nước, giữa đêm dài đầy rẫy rủi ro, chiếc thuyền thúng là phương tiện linh hoạt và hiệu quả nhất.

Anh Phạm Thế Hùng - một trong những ngư dân câu mực kỳ cựu ở thôn Thanh Long vừa có chuyến xa khơi về, chia sẻ: “Chuyến này tôi câu được gần 9 tạ mực, trừ chi phí còn lại 68 triệu đồng. Đây là chuyến thứ 2 của năm 2022. Ở ngư trường đêm nào chúng tôi cũng chong đèn ngồi trên chiếc thúng câu, chúng là nơi gắn bó, cùng tồn tại với những người thợ câu...”.

Không có những chiếc thuyền thúng tròn nhỏ, đơn sơ ấy, khó mà có những tấn mực thơm lừng góp phần phát triển kinh tế gia đình và làm giàu cho địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề đan thúng chai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO