(QNO) - Ngày 21/2/2024, nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm (Hội An) đã được ghi tên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Từ sản phẩm sử dụng trong gia đình
Trong quá trình sinh sống và thích nghi với môi trường biển đảo, cư dân Cù Lao Chàm đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tri thức dân gian trong đời sống sinh hoạt. Hơn 100 năm về trước, trong điều kiện sản phẩm gia dụng công nghiệp còn chưa phổ biến, nhất là đối với Cù Lao Chàm - một đảo nằm cách xa đất liền, người dân nơi đây phải tự túc về nhiều mặt. Vốn cần cù chịu thương chịu khó và có đôi bàn tay tài hoa, cư dân nơi đây đã biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có để tạo ra nhiều sản phẩm thủ công có giá trị, mang đậm tính nghệ thuật phục vụ cho đời sống hàng ngày.
Từ khá sớm, cư dân địa phương đã biết sợi lấy từ vỏ cây ngô đồng đỏ mọc nhiều trên đảo Cù Lao Chàm có đặc tính rất dai, bền, mềm mại, óng ả như tơ và chịu lực tốt nên được sử dụng chế tác thành các đồ đan, bện thủ công truyền thống dùng làm vật dụng trong gia đình.
Người dân đã biết xử lý vỏ cây ngô đồng xe thành sợi để cột/buộc vật dụng và dùng để ràng tổ yến xuất khẩu. Đặc biệt, sợi được dùng để đan võng khá bền chắc và được nhiều người ưa chuộng, từ đó sản phẩm võng ngô đồng được phổ biến tại địa phương.
Đa số phụ nữ sinh sống ở Cù Lao Chàm đều biết đan võng ngô đồng, những cô con gái được các bà, các mẹ dạy cách đan từ sớm, họ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đan võng. Thời điểm này, cư dân ở Cù Lao Chàm chỉ đan võng để sử dụng tại gia đình.
Hình thành một nghề gắn liền với cư dân biển đảo
Theo những cụ cao niên tại địa phương, đan võng ngô đồng là nghề thủ công truyền thống của cư dân xã đảo, từ đời ông bà của họ đã biết sử dụng vỏ cây ngô đồng để đan võng. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, chưa có tư liệu xác định được thời gian hình thành và phát triển của nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm. Trong tác phẩm Nguyễn Tuân toàn tập (tác phẩm từ 1940 - 1945), nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy “võng ngô đồng” để đặt tựa tùy bút của mình.
Về sau, sản phẩm này được một số cư dân ở địa phương khác, nhất là những ngư dân ở đất liền đi biển mua sử dụng. Theo thời gian, nhu cầu sử dụng sản phẩm tăng lên, người dân địa phương có điều kiện phát triển nghề đan võng ngô đồng.
Trải qua quá trình tồn tại và phát triển, nghề truyền thống này có lúc tưởng như bị mai một, bởi sự xuất hiện và ngày càng phổ biến của các loại võng sợi công nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, để gìn giữ những kinh nghiệm, kỹ thuật, tri thức bản địa trong thực hành nghề truyền thống này, người dân địa phương qua bao đời vẫn cố gắng gìn giữ, truyền lại cho con cháu nghề đan võng đặc trưng của xứ đảo.
Đặc biệt, từ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ Sinh quyển thế giới vào năm 2009, du lịch ở Cù Lao Chàm bắt đầu phát triển, nghề đan võng ngô đồng cũng được du khách trong và ngoài nước biết đến rộng rãi hơn và được ghi nhận bởi sản phẩm độc đáo của nghề.
Võng ngô đồng là một trong những sản phẩm đặc trưng ở Cù Lao Chàm được làm từ cây ngô đồng đỏ (Firmiana Colorata R. Br) còn gọi là bo rừng, trôm màu - một loại cây thân gỗ có lá màu xanh thẫm, mùa hè ra hoa đỏ tươi, mọc nhiều trên các vách núi cheo leo ở xứ đảo.
Chiếc võng ngô đồng được đan bằng những sợi dây ngô đồng rất chắc chắn và có nhiều mắt võng. Tùy vào kích cỡ của võng, người ta chia làm 3 loại: võng ba, võng tư và võng sáu. Võng ba gồm 3 sợi dây tao (ở mỗi mắt võng có 3 sợi dây và gọi là dây tao), võng tư gồm 4 sợi dây tao và võng sáu gồm 6 sợi dây tao.
Võng ngô đồng có độ bền khá cao, nếu bảo quản đúng cách tuổi đời sử dụng của võng từ 15 - 20 năm.
Điều đặc biệt khi nằm trên chiếc võng ngô đồng được làm hoàn toàn bằng sợi thiên nhiên nên có tác dụng massage các huyệt đạo trên cơ thể và thấm hút mồ hôi vì vậy rất tốt cho những người bị bệnh phong, thấp khớp…
Không như võng ni lông, võng ngô đồng nằm mùa hè mát, mùa đông thì ấm. Với những đặc tính trên góp phần tạo nên giá trị đặc trưng của chiếc võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, Hội An.
Để làm ra một chiếc võng trải qua nhiều công đoạn phức tạp, hoàn toàn bằng thủ công. Trước tiên, người đan chọn cây ngô đồng thẳng, thân cây to khoảng bằngcườm tay hoặc nhỏ hơn, chặt xong đập lấy lớp vỏ ngâm nước suối cho mục lớp vỏ cứng, sau đó lấy lớp xơ màu trắng đục (còn gọi là manh đồng) ở trong ra giặt sạch, phơi khoảng một nắng. Khi xơ khô và chuyển sang màu trắng tinh, có độ óng ánh là đã sẵn sàng để tước và xe sợi, đan võng. Để hoàn thành một chiếc võng phải mất từ 1,5 - 2 tháng.
Đan võng ngô đồng là một nghề rất vất vả, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo và có kỹ thuật trong tất cả các công đoạn. Quy trình đan một chiếc võng bắt đầu từ công đoạn tước manh đồng, tề đầu võng, ra con chàng, ra chân, đan thân võng, làm bìa và kết võng.
Khi đan, phần cuối sợi ngô đồng mỏng dần, người thợ phải vừa bện vừa chắp thêm sợi ngô đồng vào. Từ đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo và với những kinh nghiệm, tri thức được tích lũy trong suốt quá trình thực hành nghề, những nghệ nhân đan võng ở Cù Lao Chàm có cách chắp sợi ngô đồng khá tinh xảo, rất mịn nhìn qua khó có thể phát hiện được chỗ giáp nối. Sau khi chắp sợi rồi xe lại thật săn (chặt) để vết chắp không lộ ra ngoài vừa đảm bảo thẩm mỹ lại vừa bền, chắc và không bị tuột.
Cứ thế, trong suốt quá trình đan, khi sợi ngô đồng hết người thợ lại chắp thêm vào nhưng tuyệt nhiên không có mối nối nào bị sổ ra, các sợi ngô đồng rất mịn và đẹp. Lúc bện phải luôn căng tay đan để sợi ngô đồng được chắc, thẳng và không bị xoắn. Có vậy võng ngô đồng làm ra không bị chùng và đạt độ mềm, đảm bảo cho chiếc võng đều, chắc, chặt.
Từng sợi ngô đồng được đôi bàn tay các mẹ, các chị vừa đan vừa xoắn sao cho săn chắc để tạo ra chiếc võng ngô đồng với cách bố trí hoa văn hài hòa, tinh tế, sợi ngô đồng trở nên mềm, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng.
Hiện tại, số người biết đan võng ngô đồng trong cộng đồng cư dân xã đảo Tân Hiệp không nhiều, chủ yếu là những người cao tuổi. Hiện trên địa bàn xã có 7 người đang thực hành nghề đan võng ngô đồng, tập trung ở thôn Bãi Làng và Bãi Ông. Độ tuổi trung bình cao, trên 50 tuổi, có 4 người đã trên 85 tuổi. Trong đó, người có thâm niên thực hành nghề cao nhất là 54 năm, người có thâm niên ít nhất 7, 8 năm.
Sản phẩm đặc trưng xứ đảo, một di sản được vinh danh
Đã nhiều thế kỷ trôi qua, nghề đan võng ngô đồng vẫn tồn tại và phát triển ở vùng biển đảo Cù Lao Chàm.
Không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần, chiếc võng ngô đồng còn gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất, trong đó, gắn bó, ẩn chứa những tâm tư, tình cảm của người dân xứ đảo. Đây là một nghề thủ công truyền thống có nhiều công đoạn, kỹ thuật phức tạp nhưng mang đậm tính dân gian, thủ công, tạo nên một sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương. Là nghề không chỉ góp phần tạo thu nhập cho những người thực hành nghề mà còn góp phần tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa biển đảo Cù Lao Chàm.
Sản phẩm nghề đan võng ngô đồng của cư dân Cù Lao Chàm là một dạng thức văn hóa dân gian, hàm chứa nhiều thông tin, vì vậy thông qua sản phẩm của nghề, chúng ta có thể hiểu phần nào nếp sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Từ đó, cho thấy rằng, từ xa xưa cư dân Cù Lao Chàm đã biết sử dụng những nguyên liệu sẵn có ở rừng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trên vùng đảo này.
Chính vì vậy, nghề đan võng ngô đồng đã góp phần minh chứng cho sự tiếp cận, khai thác khá sớm nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển đảo của cộng đồng cư dân nơi đây.
Từ những giá trị đặc trưng của nghề đan võng ngô đồng, gắn với bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời của bao lớp cư dân ở Cù Lao Chàm, nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, Hội An đã được ghi tên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 381/QĐ-BVHTTDL, ngày 21/02/2024 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Đây là vinh dự của người dân Hội An, Quảng Nam, đồng thời là một trong những cơ sở để bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề thủ công truyền thống, đặc trưng gắn liền với biển đảo ở Cù Lao Chàm, Hội An.