Nghe anh Sáu Phù Sa rủ rê, cuối tuần rồi Tư Ruộng lưu lại xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) một đêm để đi đặt lươn. Hơn 4 giờ chiều, vác cuốc ra đào quanh vườn, bắt được nửa xô trùn đất, anh Sáu đem vào nhà giã nhỏ. Chập choạng tối, mang 40 cái ống trúm phía sau lưng, tay phải xách bịch trùn nát, tay trái cầm đèn pin, anh dẫn Tư tôi lội ra biền Mông Lãnh. Sau khi bôi trùn xung quanh phía trong 2 cái miệng hom, lão nông này lần lượt thả ống trúm xuống nước. Xong việc, rít một hơi thuốc dài, giọng anh Sáu đầy tự tin: “Đêm nay, trên đường đi kiếm mồi, nghe mùi trùn tươi, lũ lươn đồng sẽ mò đến. Và chắc chắn nó sẽ lọt vào ống trúm, dù có vùng vẫy mấy cũng không thể nào thoát ra được. Bởi, ở 2 đầu ống đã có 2 cái miệng hom nhọn hoắt án ngữ”. Thấy Tư Ruộng ngơ ngác, anh Sáu cười to: “Chú mi đang nghi ngờ vào sự thành công của tui chứ chi. Được rồi, chừ về nhà, anh em mình làm tí mồi, nhấm nháp mấy ly rượu gạo, ngủ một giấc, rạng sáng mai sẽ thu hoạch”.
Gần 5 giờ sáng, anh Sáu Phù Sa đánh thức Tư tôi dậy, xách giỏ ra biền. Những cái ống trúm nằm ở dưới nước lần lượt được lôi lên. Chao ôi, cái nào cũng nặng trịch. Mấy con lươn vàng khè, dài thòn, múp rụp đang cựa quậy. Cứ thế, anh Sáu mở miệng hom, trút tất cả vào giỏ. Hơn 6 giờ, về đến nhà đổ hết lươn ra, cân được tổng cộng 8kg. Chưa kịp tắm rửa thì đã có bà chủ nhà hàng ở thị trấn Nam Phước chạy xe máy đến lấy hàng. Bán sỉ với giá 130 nghìn đồng/kg, anh bỏ túi hơn 1 triệu đồng. Ngồi ăn sáng cùng nhau, anh Sáu Phù Sa nói: “Mấy năm gần đây, lươn đột nhiên biến mất. Nhưng từ cuối tháng 10 dương lịch đến nay bất ngờ xuất hiện trở lại với số lượng rất lớn. Nói chú Tư mi mừng, 2 tháng qua, đặt ống trúm, mỗi đêm tui kiếm 700 - 900 nghìn đồng là chuyện thường. Nhờ rứa mà cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Khác với anh Sáu, chú Ba Duy Vinh ở huyện Duy Xuyên không đặt ống trúm mà chọn cách cắm câu để bắt lươn. Ban ngày làm đồng, dệt chiếu, cứ mỗi khi hoàng hôn xuống là lão nông này lại móc mồi trùn đất vào hàng chục chiếc cần câu rồi đem ra cắm dọc các triền sông. Sáng nào chú Ba cũng gỡ được khoảng 3kg lươn, mang bỏ cho mấy quán nhậu gần chợ Bàn Thạch thu về xấp xỉ 400 nghìn đồng.
Hôm qua, nghe kể chuyện, anh Chín Thủy Sản nói: “3 tháng trở lại đây trên các dòng sông, con suối, đầm lạch... lươn nhiều vô kể. Nhờ rứa mà nhà nông xứ Quảng mình kiếm cả bộn tiền. Tuy nhiên, mừng thì mừng vậy nhưng cũng lo lắm. Bắt lươn bằng cách cắm câu hay đặt ống trúm thì đâu có bàn. Đằng này, ở rất nhiều nơi người ta dùng những bộ kích điện có công suất lớn để chích. Con lớn chết, con nhỏ xíu cũng chung số phận, khai thác theo kiểu hủy diệt ấy thì sớm muộn gì lươn cũng tuyệt chủng. Lệnh cấm đã ban bố từ lâu nhưng vì món lợi khiến không ít người phớt lờ”. Tư Ruộng mong rằng, dù có “lộc” nhiều đến mấy đi nữa thì bà con cũng đừng quên lệnh cấm.
TƯ RUỘNG