Nghề đánh bóng lư đồng

ĐOÀN ĐẠO 08/02/2013 06:59

(QNO) - Ngày tết, gia đình nào cũng sửa soạn bàn thờ tổ tiên trang trọng, ấm cúng. Cùng với bánh mứt, hoa quả, bộ lư hương đèn luôn được chăm chút sạch sẽ, tinh tươm. Ngày xưa, người ta hay chà lư đèn bằng phương pháp thủ công, còn ngày nay nhiều gia đình đã tìm đến dịch vụ “đánh lư đồng” vừa nhanh, vừa sạch sáng bóng như mới.

Vợ chồng ông Nguyễn Viết Long làm nghề đánh bóng lư đồng từ nhiều năm nay.
Vợ chồng ông Nguyễn Viết Long làm nghề đánh bóng lư đồng từ nhiều năm nay.
Anh Hồ Tấn Quảng, người làm dịch vụ chà lư hương đèn đồng ở gần chợ Tam Kỳ kể: “Cứ đến khoảng 15 tháng Chạp âm lịch là tôi lại gác việc đi làm công nhân của mình lại để làm nghề này (nghề chà lư đèn đồng). Làm lâu năm nên năm nào cũng có khách quen và làm liên tục đến ngày cuối cùng trong năm mới nghỉ”.
Tận dụng chiếc mô tơ điện cũ, mua thêm ít phụ tùng là có thể chà lư đồng.
Tận dụng chiếc mô tơ điện cũ, mua thêm ít phụ tùng là có thể chà lư đồng.
Với giá đánh một bộ lư hương đèn từ 100 nghìn đồng trở lên, tùy theo số lượng khách mang đến mỗi ngày anh Quảng thu nhập được khoảng 350 nghìn. Anh Quảng chia sẻ, chỉ những ngày cận Tết anh mới chà gần chợ vì khách vãng lai dễ tìm đến. Còn những ngày trước thì nhiều gia đình, nhà thờ tộc họ gọi anh đến tận nhà để đánh các bộ lư hương đèn lớn: “Mỗi lần đi chà lư hương đèn tận nhà như vậy tôi lấy tiền công khoảng 300 nghìn. Thường các bộ lư hương thờ ở nhà thờ tộc phải làm kỹ lưỡng và chà lâu hơn vì có nhiều chi tiết nhỏ”.
Những chi tiết nhỏ, cầu kỳ chiếm nhiều thời gian, đòi hỏi việc chà lư đồng phải tỉ mỉ.
Những chi tiết nhỏ, cầu kỳ chiếm nhiều thời gian, đòi hỏi việc chà lư đồng phải tỉ mỉ.
Trong khi đó, bên kia đường một đôi vợ chồng già hằng ngày làm nghề sửa xe đạp cũng đang tranh thủ đánh lư hương đèn kiếm thêm thu nhập ăn Tết. Cụ ông Nguyễn Viết Long (75 tuổi, phường An Xuân, TP. Tam Kỳ) vừa chà lư vừa trò chuyện với khách: “Vợ chồng tôi cao tuổi, không lao động nặng được nên tết đến là tranh thủ chà lư để kiếm thêm ít tiền tiêu tết chứ ngày thường sửa xe đạp chẳng dư dả được bao nhiêu”.
Những bộ lư đồng sáng bóng sau khi được đánh bóng.
Những bộ lư đồng sáng bóng sau khi được đánh bóng.
Tận dụng chiếc mô tơ dùng để bơm hơi cho xe đạp, vợ chồng cụ Long mua thêm ít bột thuốc đánh bóng,  để mở “dịch vụ đánh lư đồng” từ sau rằm tháng chạp đến giờ. Cụ Long bảo nhờ mình lấy giá rẻ, đánh nhanh, sạch nên khách tin, cứ đến dịp cận tết là nhờ cụ đánh giúp bộ lư hương đèn cho sạch sẽ, trang trọng mà đặt lên bàn thờ tổ tiên. “Nếu khấm khá, đến ngày tất niên năm ni gia đình tôi có thêm hơn 2 triệu để mà mua sắm chuẩn bị đón năm mới. Ngồi ở chợ thấy người đi sắm tết qua lại tất bật mà cũng thấy nôn nao lắm, nhưng làm nghề này phải giữ khách cho mùa tết năm sau thì phải chấp nhận tranh thủ lúc rỗi để dọn dẹp nhà cửa và đến ngày cuối cùng của năm mới sắm sửa trong nhà”. Không chỉ riêng tại TP. Tam Kỳ mà ở nhiều huyện, thành phố khác dọc trên các tuyến đường, các chợ huyện, chợ xã “dịch vụ đánh lư đồng” lại nở rộ và đắt khách. Nhiều thợ đánh lư hương, đèn đồng cho biết: chỉ sau ngày tiễn ông Táo về trời thì khách đông đến độ làm bở hơi tai vì sau ngày đó các gia đình mới dọn dẹp bàn thờ trong nhà. Dịch vụ nở theo mùa tết này trơt thành nguồn thu nhập chính của nhiều người dịp cuối năm.ĐOÀN ĐẠO
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề đánh bóng lư đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO