Nhà giáo được ví như “nghệ sĩ trên bục giảng”, phải có “tâm sáng, tình trong”. Nhân ngày Nhà giáo việt Nam (20.11), Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với 3 nhà giáo xứ Quảng vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT), gồm: Huỳnh Thà (giáo viên Trường THCS Trần Cao Vân - Duy Xuyên), Đỗ Xuân Thưởng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu - Đại Lộc) và Nguyễn Thị Kim Hà (nguyên giáo viên Trường THCS Lê Lợi - Tam Kỳ).
Cống hiến
* Được phong tặng danh hiệu cao quý NGƯT, các thầy cô có thể cho biết cảm tưởng của mình?
- Thầy Huỳnh Thà: Tôi rất vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NGƯT. Đó là kết quả của sự nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhưng cũng là trách nhiệm mà mình phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.
Tất nhiên là tôi rất bất ngờ, bởi trong tâm trí của nhiều đồng nghiệp và của xã hội, môn thể dục là một môn học ít được chú ý, giáo viên (GV) đam mê dạy bộ môn này cũng không nhiều.
Rất nhiều bạn trẻ nếu có lựa chọn nghề sư phạm cũng hiếm có người chọn trở thành GV thể dục. Nhưng với riêng bản thân, là GV thể dục trong hơn 30 năm, tôi tìm thấy ở công việc của mình rất nhiều niềm vui, nhiều ý nghĩa to lớn, ít nhiều tôi cảm thấy vui vì bên cạnh có rất nhiều em học sinh đã trưởng thành, vẫn luôn nhớ về người thầy năm xưa.
Bởi vậy, tôi rất tự hào khi mình là GV dạy môn thể dục đầu tiên được tặng danh hiệu NGƯT. Điều đó chứng tỏ, ngày nay xã hội đã có cái nhìn khác hơn, công bằng hơn với bộ môn thể dục trong nhà trường.
- Cô Nguyễn Thị Kim Hà: Được trao tặng danh hiệu NGƯT, tôi cảm thấy vui khi những cống hiến, đóng góp của mình được ghi nhận. Đây là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của riêng bản thân mà còn của gia đình.
Danh hiệu này là cả một sự cống hiến hơn 32 năm qua của tôi cùng bao thế hệ học trò và đồng nghiệp đã đồng hành gặt hái được. Tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới gia đình, các cấp lãnh đạo, các anh chị em đồng nghiệp đã động viên và hỗ trợ để có được kết quả như hôm nay.
- Thầy Đỗ Xuân Thưởng: Từng tham gia quân ngũ, tôi không ngại khó ngại khổ khi đến công tác ở những trường học xa xôi, vất vả. Nhìn lại hơn 38 năm trong nghề, những đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục là một phần nhỏ, nhưng đối với cuộc đời tôi đó là tất cả.
Rất vinh dự và tự hào khi được Đảng và Nhà nước ghi nhận tôn vinh danh hiệu cao quý này. Tôi xin cảm ơn các đồng nghiệp đi trước đã dìu dắt, chỉ bảo, trân quý và sự chăm ngoan của các thế hệ học trò đã tạo điều kiện cho bản thân luôn hoàn thành nhiệm vụ trong sự nghiệp trồng người.
* Các thầy cô có thể nói gì với đồng nghiệp trẻ về sự phấn đấu, hy sinh của nghề dạy học?
- Thầy Huỳnh Thà: Với đồng nghiệp trẻ, tôi chỉ muốn nói với các bạn một điều: Hãy làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu, tình yêu thương từ trái tim của người thầy sẽ lan tỏa đến tâm hồn các thế hệ học trò và toàn xã hội.
- Cô Nguyễn Thị Kim Hà: Danh hiệu này có ý nghĩa rất lớn đối với công việc của tôi trong hơn 32 năm gắn bó với nghề. Tôi không nghĩ những việc làm đơn giản và rất bình thường của một nhà giáo đã chạm đến trái tim của nhiều người và mang lại những trái ngọt, hương thơm.
Mặc dù hiện nay đã nghỉ hưu nhưng danh hiệu cao quý này là động lực giúp tôi phấn đấu, rèn giũa hơn nữa trong cuộc sống để xứng đáng với những gì mà xã hội đã tôn vinh. Nhân đây tôi xin chia sẻ với đồng nghiệp trẻ, là chúng ta hãy yêu nghề, mến trẻ, tận tâm, tận tụy hết lòng vì học sinh. Dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng vượt qua.
- Thầy Đỗ Xuân Thưởng: Danh hiệu cao quý này sẽ là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, có những ý tưởng sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, xây dựng tập thể sư phạm nhà trường đoàn kết, thống nhất, nâng cao chất lượng dạy học.
Đối với các đồng nghiệp trẻ, hãy xác định nghề giáo mình đã chọn bằng trái tim và tấm lòng, lấy tình thương con người làm động lực để làm việc, bởi đây là nghề dạy chữ, dạy người. Vì vậy, phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ.
Thiêng liêng nghề giáo
* Có thể nói, song hành với niềm vinh dự lớn lao luôn là áp lực nặng nề...
- Thầy Huỳnh Thà: Tôi nghĩ rằng từ khi bước chân vào nghề cho tới bây giờ, hơn 30 năm công tác, tôi chưa bao giờ nghĩ mình làm việc để được phong tặng danh hiệu NGƯT.
Có thể nói danh hiệu cao quý này đến với tôi như một món quà bất ngờ từ tình yêu thương quý mến của bao thế hệ học trò và đồng nghiệp, quý bậc phụ huynh. Tôi luôn trân quý điều đó và cảm thấy không áp lực nhiều, song phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng hơn với tình cảm của mọi người đã dành cho mình.
- Cô Nguyễn Thị Kim Hà: Nói vinh dự đi liền với áp lực cũng đúng một phần nào đó. Nhưng tôi cho rằng, vẫn cứ sống và làm việc tự nhiên, thật lòng như từ trước tới giờ thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn. Đúng là việc gì cũng vậy, trách nhiệm càng cao thì áp lực sẽ càng lớn song đó cũng là động lực để bản thân mỗi người có trách nhiệm hơn với mọi việc, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà xã hội tôn vinh.
- Thầy Đỗ Xuân Thưởng: NGƯT không chỉ có thành tích chuyên môn nổi bật mà đạo đức phải tốt, tâm huyết với nghề, có cái tâm với học trò, cái tình với đồng nghiệp. Vì vậy, mình phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức, thể hiện sự nhiệt huyết với nghề để đồng nghiệp trẻ và học sinh noi theo.
* Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo song thực tế hiện nay cũng có “con sâu làm rầu nồi canh” khi một số người đánh mất hình ảnh của mình. Các thầy cô nghĩ gì về hình ảnh người thầy trong thời đại ngày nay?
- Thầy Huỳnh Thà: Theo tôi, dù ở thời đại nào, người thầy cũng luôn là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo để truyền cảm hứng cho học trò. Tuy nhiên, hiện nay đây đó vẫn còn có những thầy cô đã không giữ được cái tâm trong sáng, chưa hết lòng vì học trò, bị vật chất, môi trường tiêu cực cám dỗ, làm mai một đi hình ảnh người thầy đáng kính trong lòng nhân dân và các thế hệ học trò. Song đó chỉ là những cá biệt, những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Vì hàng ngày, hàng giờ đã và đang có biết bao thầy cô miệt mài đèn sách, bám lớp, bám trường, khắc phục mọi khó khăn để dạy dỗ, truyền lửa, truyền cảm hứng cho các em. Họ vẫn mãi là những người đưa đò cần mẫn, tận tâm, tận lực. Người thầy phải xem nghề nghiệp của mình là một sứ mệnh cao cả mà cả xã hội trông chờ và tin tưởng.
- Cô Nguyễn Thị Kim Hà: Thực tế hiện nay rất nhiều thầy cô tận tâm với nghề, nhiều đồng nghiệp chấp nhận lên vùng sâu, vùng xa mang hành trang kiến thức đến cho học trò. Mỗi ngành nghề công việc, cái cần nhất là niềm đam mê, yêu thích. Lựa chọn là của mỗi người và nếu được chọn lại mình vẫn chọn nghề dạy học vì nó giúp hoàn thiện nhân cách, giáo dục con cái nên người. Có được sự tôn trọng, quý mến từ gia đình và toàn xã hội là điều mà người theo nghề dạy học luôn tự hào.
- Thầy Đỗ Xuân Thưởng: Nhà giáo hiện nay cần đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng sư phạm để đáp ứng trong tình hình mới; đồng thời phải luôn giữ vững bản lĩnh, phẩm chất, nhân cách để không bị cám dỗ bởi vật chất. Có như vậy mới xứng đáng là tấm gương sáng để học sinh noi theo, hoàn thành trọng trách chèo lái “con thuyền tri thức”.
Mong rằng tất cả thầy giáo, cô giáo luôn đủ sức khỏe, lòng nhiệt huyết, niềm tin để tiếp tục yêu nghề, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp chở đạo cao cả, xứng đáng là những “người đưa đò” thầm lặng và vẻ vang.